Pin thể rắn của Toyota có thể thay đổi cuộc chơi xe thuần điện
Lãnh đạo của Toyota xác nhận kế hoạch ra mắt xe điện sử dụng pin thể rắn với khả năng chạy được 1.200 km nhưng chỉ cần 10 phút để sạc lại.
Chia sẻ tại một hội nghị đầu tư ở Ấn Độ, Vikram Gulati, người đứng đầu liên doanh Toyota Kirloskar Motor xác nhận kế hoạch tung ra thị trường xe điện sử dụng pin thể rắn trong vài năm tới.
Theo ông Gulati, công nghệ pin thể rắn sẽ cho phép ô tô đi được quãng đường 1.200 km nhưng chỉ cần 10 phút để sạc lại. Ngoài ra, người đứng đầu Toyota Ấn Độ cũng khẳng định tuổi thọ của loại pin này là “rất tốt”.
Phía Toyota Nhật Bản đang tăng tốc phát triển công nghệ này sau khi có được “bước đột phá trong nghiên cứu” hồi tháng 6/2023. Tới tháng 10 cùng năm, hãng xe Nhật công bố hợp tác với gã khổng lồ dầu mỏ Nhật Bản Idemitsu Kosan để cùng phát triển công nghệ pin thể rắn.
So với pin lithium-ion truyền thống đang được sử dụng rộng rãi, pin thể rắn có mật độ năng lượng cao hơn, an toàn hơn, thời gian sạc ngắn hơn và có thể hoạt động tốt ở dải nhiệt độ rộng hơn. Tuy nhiên, loại pin này sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu và trải qua hàng loạt thử nghiệm phức tạp.
Mục tiêu của Toyota sẽ là tung ra thị trường sản phảm xe điện với công nghệ pin mới vào năm 2027 rồi đưa vào sản xuất hàng loạt từ 2030. Dự kiến pin sẽ có hai phiên bản: một bản tiêu chuẩn cung cấp tầm vận hành khoảng 1.000 km và bản nâng cao cho phạm vi hoạt động dài hơn lên tới 1.200 km với mỗi lần sạc.
Toyota tuyên bố pin thể rắn của họ có thể là “nhân tố thay đổi cuộc đua xe thuần điện” trên thế giới, nơi mà Tesla đã thống trị từ lâu trong khi gã khổng lồ Trung Quốc BYD đang ngày càng lớn mạnh.
Nhà sản xuất ô tô Nhật cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ bán được khoảng 3,5 triệu xe điện, tương đương khoảng 1/3 doanh số toàn cầu. Và rõ ràng Toyota hiểu rõ rằng chỉ có một cuộc cách mạng công nghệ mang tính đột phá mới có thể giúp họ đạt được mục tiêu.