Pixel Binning: Tính năng đặc biệt giúp điện thoại chụp ảnh cực đẹp
Pixel Binning - Tính năng gộp điểm ảnh chỉ xuất hiện trên các điện thoại cao cấp. Chúng giúp cho chất lượng các bức ảnh ngày càng tiệm cận với máy ảnh.
Gộp pixel là gì?
Megapixel là khái niệm đơn giản: Số lượng lớn hơn có nghĩa là máy ảnh của bạn có thể chụp được nhiều chi tiết ảnh hơn miễn là cảnh có đủ ánh sáng.
Nhưng một công nghệ được gọi là pixel binning (gộp điểm ảnh), hiện phổ biến trên các điện thoại thông minh hàng đầu, đang thay đổi các quy tắc chụp ảnh cũ theo hướng mới.
Nói một cách cụ thể, tính năng gộp pixel này giúp cho chiếc máy ảnh của bạn cung cấp nhiều chi tiết khi trời sáng trong khi không trở nên vô dụng khi trời tối.
Tính năng gộp pixel ra mắt vào năm 2018, phổ biến rộng rãi vào năm 2020 với các mẫu như Galaxy S20 Ultra của Samsung và Mi 10 Pro của Xiaomi, đồng thời xuất hiện trên phần cứng của Apple và Google với điện thoại iPhone 14 Pro và Pixel 7 vào năm 2022.
Mẫu máy cao cấp nhất của Samsung, Galaxy S22 Ultra, có cảm biến camera chính 108 megapixel và tính năng gộp pixel. Có thể sẽ có thêm bước nhảy vọt về công nghệ tiếp theo khi S23 Ultra sẽ ra mắt vào ngày 1/2 tới đây, với camera chính 200 megapixel.
Gộp pixel là một công nghệ được thiết kế để làm cho cảm biến hình ảnh dễ thích ứng hơn với các điều kiện khác nhau bằng cách nhóm các pixel lại theo những cách đa dạng.
Khi trời sáng, bạn có thể chụp ở độ phân giải đầy đủ của cảm biến. Khi trời tối, các tập hợp pixel — 2x2, 3x3 hoặc 4x4, tùy thuộc vào cảm biến — có thể được nhóm lại thành các pixel ảo, giúp thu thập nhiều ánh sáng hơn nhưng bức ảnh sẽ bị giảm độ phân giải.
Ví dụ: cảm biến Isocell HP2 của Samsung có thể chụp ảnh 200 megapixel, độ phân giải sẽ giảm xuống còn 50 megapixel khi nhóm pixel lại thành 2x2 và thành ảnh 12,5 megapixel với nhóm pixel 4x4.
Gộp điểm ảnh thực sự có hiệu quả chứ không phải là một mánh lới quảng cáo. Ít người trong chúng ta mang theo những chiếc máy ảnh lớn và tính năng gộp pixel có thể làm tăng chất lượng ảnh vượt xa những giới hạn trên điện thoại thông minh.
Tương lai của gộp pixel
Việc sử dụng gộp pixel có nhược điểm là độ phân giải của bức ảnh bị chia làm bốn. Nghĩa là khi chụp trên camera 48MP sẽ cho ra hình ảnh 12MP và camera 16MP chỉ cho ra hình ảnh 4MP.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ hài lòng với những bức ảnh có độ phân giải thấp, trong khi chất lượng lại được cải thiện hơn.
IPhone của Apple thậm chí sẽ không chụp ảnh 50 megapixel trừ khi bạn bật tùy chọn này một cách cụ thể khi chụp bằng định dạng hình ảnh ProRaw cao cấp. Thậm chí, Pixel 7 Pro của Google hoàn toàn không cung cấp tính năng chụp ảnh 50 megapixel đầy đủ.
Ảnh chụp 12 megapixel mang lại hiệu suất chụp trong điều kiện ánh sáng yếu tốt, cùng với đó là tránh việc tạp ra kích thước tệp hình ảnh khổng lồ ở độ phân giải đầy đủ, điều có thể chiếm dụng bộ nhớ trên thiết bị của bạn và các dịch vụ trực tuyến như Google Photos và iCloud.
Ví dụ: một bức ảnh chụp ở 12 megapixel chỉ có 3,6 MB với tính năng gộp pixel và 24 MB ở 108 megapixel khi không sử dụng tính năng này.
Chỉ những người đam mê ảnh mới có xu hướng muốn sử dụng độ phân giải đầy đủ khi cần thiết. Đó là khi bạn chụp chú chim ở xa hoặc chụp những bức ảnh thiên nhiên ấn tượng, cũng như in phóng tấm ảnh lớn.
Mặc dù không thể so sánh camera trên điện thoại với những máy ảnh chuyên biệt, nhưng điện thoại đang phát triển nhanh hơn máy ảnh truyền thống và thu hẹp khoảng cách về chất lượng hình ảnh.
Công nghệ chụp ảnh điện toán như kết hợp nhiều khung hình thành một lần chụp và các thủ thuật xử lý phần mềm khác có thể thực hiện được nhờ chip điện thoại mạnh mẽ.
Cảm biến hình ảnh trong điện thoại thông minh cũng ngày càng lớn hơn để cải thiện chất lượng.
Tính năng gộp pixel đòi hỏi về pin và khả năng xử lý cao, nên đây là lý do khiến chúng chủ yếu chỉ có mặt trên điện thoại cao cấp.
Trong tương lai, công nghệ này cũng sẽ xuất hiện trên cả dòng thiết bị máy ảnh thông thường. Theo Sony, nhà sản xuất cảm biến hình ảnh hàng đầu hiện nay, thì một ngày nào đó họ sẽ trang bị công nghệ này.
Tương lai của gộp pixel cũng hứa hẹn trở nên phổ biến hơn, không chỉ lan sang các điện thoại cao cấp hơn mà còn xuất hiện trên các điện thoại bình dân.