Plei Ốp - ngôi làng trong phố hơn 100 năm tuổi ở Gia Lai

Dù nằm giữa lòng TP Pleiku (Gia Lai) và tồn tại hơn 100 năm tuổi song đến nay làng Plei Ốp vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo với những phong tục truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngôi làng cổ giữa phố núi Pleiku

Làng Plei Ốp tọa lạc ở phường Hoa lư (TP Pleiku) với diện tích hơn 100ha. Được thành lập vào khoảng năm 1927 với 15 hộ dân và 76 nhân khẩu, đến nay làng Ốp đã có khoảng 130 hộ với 650 khẩu. Được quy hoạch trở thành Làng Văn hóa – Du lịch đầu tiên của TP Pleiku, Plei Ốp là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn trải nghiệm văn hóa độc đáo của người Jrai, một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống của Tây Nguyên.

Theo đó, đến với làng Plei Ốp, du khách sẽ được tìm hiểu về các nghề truyền thống còn được dân làng lưu giữ như: Đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm nhạc cụ dân tộc. Tham quan giọt nước truyền thống hay khu nhà mồ với những bức tượng tạc gỗ, những ché rượu cần còn vương lại dưới gốc đa già cổ thụ, tất cả vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.

 Plei Ốp - ngôi làng cổ trong phố

Plei Ốp - ngôi làng cổ trong phố

Điểm nhấn đầu tiên khi đến với làng Plei Ốp chính là cổng làng và mái nhà rông truyền thống, đây cũng được xem là “trái tim”, linh hồn của bản làng, là biểu tượng văn hóa của buôn làng. Ngôi nhà rông có hình giống chiếc rìu được các nghệ nhân trong làng tạo nên hoàn toàn từ các nguyên vật liệu truyền thống như gỗ, tre và nứa.

Bên trong mái nhà rông truyền thống được lưu giữ hàng chục chiếc chiêng. Xung quanh nhà rông, là khu trưng bày tượng gỗ. Những tượng gỗ này miêu tả đủ mọi góc cạnh của cuộc sống, từ việc biểu diễn cồng chiêng, trống, múa xoang, đến việc trồng trọt, săn bắn, uống rượu cần...

Trước đây, đối với người Jrai, tượng gỗ chỉ dành cho người đã khuất và được trưng ở các ngôi nhà mồ. Nhưng sau một thời gian dài cải cách tư tưởng, đến nay chúng đã trở thành vật trang trí cho ngôi làng, trở thành một sứ giả văn hóa của làng Plei Ốp. Không những vậy, những tượng gỗ này còn góp phần khiến mọi người hiểu rõ hơn, có cái nhìn trực quan hơn về giá trị nghệ thuật, văn hóa của loại hình di sản phi vật thể này.

 Mái nhà rông truyền thống - trái tim của ngôi làng

Mái nhà rông truyền thống - trái tim của ngôi làng

Mặc dù nằm trong lòng TP Pleiku, nhưng làng Ốp lại được bao bọc bởi thung lũng Ia Lâm, hai con suối Ia Nin và Ia Năk trong vắt, ngày đêm róc rách, hiền hòa ôm lấy làng khiến khung cảnh càng thơ mộng, yên bình.

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp liên ngành, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa bản địa. Cùng với đó là các hoạt động chỉnh trang cơ sở vật chất như: Hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch; mở rộng đường làng; xây dựng nhà rông văn hóa với dáng dấp truyền thống…

Phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống gắn với phát triển du lịch

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND phường Hoa Lư cho biết: “Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch trên địa bàn, nhiều năm trước UBND TP Pleiku đã hỗ trợ, trang bị dàn cồng chiêng truyền thống…qua đó tạo thuận lợi cho việc đón tiếp, trình diễn văn nghệ phục vụ du khách.

Đồng thời, đầu tư hình thành vườn tượng gỗ dân gian giới thiệu về mô hình tượng gỗ Jrai; sửa chữa nhà dài với kinh phí hàng tỷ đồng; tu sửa, chỉnh trang khu vực giọt nước của làng; tổ chức mở lớp học đánh công chiêng cho hơn 30 thanh thiếu niên trong làng… Ngoài ra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng, thu hút hàng chục hộ dân tham gia”.

 Nghi thức cúng nhà rông mới được thực hiện dưới mái nhà rông làng Plei Ốp

Nghi thức cúng nhà rông mới được thực hiện dưới mái nhà rông làng Plei Ốp

Với những nỗ lực trên, làng Văn hóa Du lịch Plei Ốp như khoác lên mình bộ áo mới, ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp, dân làng đã có ý thức về việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đội nghệ nhân cồng chiêng thường xuyên duy trì tập luyện, tham gia trình diễn tại các chương trình văn hóa, văn nghệ do thành phố và tỉnh tổ chức.

Đặc biệt, dân làng đã hình thành tour du lịch trải nghiệm văn hóa địa phương phục vụ du khách. Cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, làng Ốp đã đón những đoàn khách trong nước đầu tiên. Đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang của làng đã tự tin phục vụ du khách những bài chiêng truyền thống, thưởng thức ẩm thực cơm lam gà nướng, các món ăn đặc trưng của dân tộc Jrai. Cũng từ đây, dân làng đã có nguồn thu từ hoạt động du lịch (2.800.000đồng/đoàn khách).

 Đây là ngôi làng Văn hóa – Du lịch đầu tiên của TP Pleiku

Đây là ngôi làng Văn hóa – Du lịch đầu tiên của TP Pleiku

Mới đây, trong khuôn khổ Ngày Hội Văn hóa - Du lịch thành phố Pleiku năm 2023, Đoàn nghệ nhân của làng và các làng đồng bào DTTS trên địa bàn TP Pleiku đã tham gia phục dựng một số nghi lễ văn hóa truyền thống của dân tộc tại nhà rông làng Plei Ốp như cúng giọt nước, cúng mừng nhà rông mới…

Già làng Siu Núi chia sẻ: “Ở các ngày hội của tỉnh, làng cũng tham gia phục dựng nhiều nghi lễ, trong đó có lễ mừng nhà rông mới - một trong những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo luôn được đồng bào Jrai đặc biệt coi trọng. Lễ mừng nhà rông mới có ý nghĩa cảm tạ thần linh đã luôn giúp đỡ dân làng, mong khi về nhà rông mới, thần sẽ tiếp tục phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, bình an.

 Đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang của làng đã tự tin phục vụ du khách những bài chiêng truyền thống trong các lễ hội

Đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang của làng đã tự tin phục vụ du khách những bài chiêng truyền thống trong các lễ hội

Để các nghi lễ được tái hiện với vẻ nguyên sơ vốn có từ ngàn đời nay, các già làng, trưởng thôn đã huy động sự tham gia của các thành viên trong làng, hướng dẫn dân làng chuẩn bị đầy đủ các lễ vật và trực tiếp thực hiện các nghi lễ. Khi được tham gia tái hiện nghi lễ, các thành viên đều cảm thấy tự hào với nguồn cội văn hóa của dân tộc mình”.

Ông Lê Văn Quang cho biết: “Việc tổ chức phục dựng các nghi lễ truyền thống của cộng đồng dân tộc Jrai có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Từ các sự kiện phục dựng, người dân có cơ hội quay lại, thực hành các nghi thức, lễ hội có nguy cơ mai một. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ được tận mắt nhìn thấy, cảm nhận về một phần văn hóa của dân tộc, thêm yêu mến, có ý thức giữ gìn những nét riêng độc đáo của văn hóa truyền thống. Thời gian tới, UBND phường sẽ định hướng cho làng Ốp khôi phục, tổ chức lại một số nghi lễ vòng đời theo đúng truyền thống của người Jrai”.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/plei-op--ngoi-lang-trong-pho-hon-100-nam-tuoi-o-gia-lai-post284372.html