Pleiku: Hướng đến đô thị thông minh
Với mục tiêu xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, 'Cao nguyên xanh vì sức khỏe', mang bản sắc văn hóa đặc trưng vào năm 2030, Pleiku đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và giải pháp đồng bộ.
Từng bước hiện đại hóa
Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai và trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên. Với vị trí chiến lược quan trọng, công tác quy hoạch đô thị của thành phố được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư. Đặc biệt, ngày 22-1-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là đồ án quy hoạch có chất lượng cao với mục tiêu phát triển đô thị Pleiku bền vững, hiện đại, mang bản sắc địa phương, lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, hướng đến một thành phố vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku đã định hướng các cấp, các ngành khai thác tốt lợi thế, nền tảng sẵn có để triển khai đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” vào năm 2030.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku, ngày 8-2-2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 77/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã giao các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai 10 nhiệm vụ của đề án. Tháng 4 vừa qua, thành phố đã triển khai thí điểm xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC). Hiện nay, thành phố đang triển khai thí điểm 2 phần mềm phản ánh hiện trường gồm: Pleiku Smart của Viettel và Orim-X của VNPT; triển khai giai đoạn 1 nhiệm vụ phát triển điện chiếu sáng thông minh, dự kiến cuối tháng 12 tới sẽ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cùng với đó, thành phố đã tiến hành lắp đặt hệ thống wifi công cộng tại một số điểm như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng, khu thắng cảnh Biển Hồ, Sân bay Pleiku, Bến xe Đức Long Gia Lai… Thành phố cũng đang triển khai thí điểm hệ thống giám sát, quản lý giao thông thông minh. Ngoài ra, thành phố cũng đang từng bước nâng cấp, mở rộng mạng diện rộng (WAN); từng bước chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu, xây dựng các quy hoạch…
Qua 6 tháng triển khai thí điểm IOC, nhiều số liệu, dữ kiện của thành phố được đưa lên hệ thống như: y tế, giáo dục, đặc biệt là thông tin về dịch Covid-19. Thượng tá Trần Văn Thuân-Giám đốc Viettel Gia Lai-thông tin: Việc sử dụng phần mềm quản lý danh tiếng để thống kê bao nhiêu tài khoản mạng xã hội trong ngày, đặc biệt là các thông tin tiêu cực đã giúp ngành chức năng thành phố kịp thời nắm bắt và định hướng dư luận. Một phần mềm cũng khá quan trọng là phản ánh hiện trường, giúp người dân phản ánh nhanh thông tin hiện trường đến cơ quan chức năng bằng hình ảnh, video gửi lên hệ thống để xử lý kịp thời. Tôi cũng thường sử dụng phần mềm này phản ánh và được chính quyền xử lý kịp thời, báo lại kết quả sau khi xử lý. Cùng với đó, hệ thống camera giao thông, camera an ninh cũng hoạt động rất tốt giúp phát hiện, xử phạt “nguội” các trường hợp vi phạm thông qua truy xuất hình ảnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Đó là nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu; đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các xã, phường hầu hết là kiêm nhiệm, không có chuyên môn về công nghệ thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị còn nhiều hạn chế…
Đầu tư phát triển đồng bộ
Giám đốc Viettel Gia Lai cho biết: Chúng tôi đang tiến hành đánh giá lại những mặt đạt và chưa đạt, từ đó hoàn thiện sản phẩm đưa vào sử dụng chính thức. Khi đó, thành phố sẽ tập trung truyền thông rộng rãi để người dân biết và sử dụng ứng dụng này. Vì như hiện nay, phần mềm phản ánh hiện trường Pleiku Smart mới chủ yếu có cán bộ, công chức, viên chức và một bộ phận người dân sử dụng. Đối với hệ thống camera giao thông, camera an ninh thì sẽ mở rộng thêm, nhất là tại các trọng điểm về an toàn giao thông nhằm giúp cơ quan chức năng có thể tiến hành xử lý phạt “nguội” hành vi vi phạm, từ đó nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. Chúng tôi cũng sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo đối với 2 camera tầm cao của thành phố để phân tích, nhận biết dấu hiệu tụ tập đông người, cháy nổ… nhằm kịp thời ngăn chặn.
Hiện nay, TP. Pleiku đang triển khai 8/10 nhiệm vụ của Đề án xây dựng đô thị thông minh: nhiệm vụ xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh; phát triển hệ thống phản ánh hiện trường; xây dựng hệ thống wifi công cộng trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống giám sát, quản lý giao thông thông minh; phát triển chiếu sáng đô thị thông minh; nâng cấp mở rộng mạng diện rộng trong phạm vi thành phố; ứng dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch phát triển hạ tầng thành phố; xây dựng hệ thống thu gom rác thải thông minh. Còn 2 nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện là: hệ thống bốc số tự động qua mạng; số hóa tài liệu giấy.
Trao đổi với P.V, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho hay: Thành phố xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển đô thị, đảm bảo công tác quy hoạch đi trước một bước. Theo đó, thành phố phối hợp cùng Sở Xây dựng hoàn thành việc điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040. Đồng thời, thành phố sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư bằng các chính sách mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút các nguồn vốn vào các công trình trọng điểm, các công trình tạo phúc lợi, an sinh xã hội cao như: kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước; triển khai đồng bộ các tuyến giao thông trục chính, giao thông đối ngoại, các bệnh viện, hệ thống xử lý nước thải, nhà máy xử lý rác thải... Đồng thời, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai và nhà ở; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở, biển số nhà. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai; chuẩn hóa trong cấp phép và quản lý tốt công tác xây dựng nhà ở. Cùng với đó, thành phố triển khai thực hiện công tác liên thông dữ liệu liên tục, đồng bộ và thống nhất trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, quản lý đô thị… đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát sự phát triển đô thị theo phương thức phân tích cơ sở dữ liệu trên nền tảng GIS và phổ biến cho các đơn vị cùng áp dụng.
Đặc biệt, thành phố đang tập trung đánh giá toàn diện từng nhiệm vụ trong 10 nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Từ đó, chỉ ra những mặt đạt được, chưa đạt cũng như những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu các phòng, ban liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, cơ chế tài chính để triển khai hợp phần đô thị thông minh trong giai đoạn tiếp theo.
“Việc triển khai Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Thành ủy và sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành. Đây là nội dung mới, nguồn lực thực hiện, nền tảng, hệ thống cơ sở dữ liệu còn thiếu, cần phải được rà soát, đánh giá nên trong quá trình thực hiện có lúc, có nơi còn lúng túng, khó khăn. Tuy nhiên, thành phố sẽ nỗ lực, tập trung để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong đề án, hướng đến mục tiêu khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố và chất lượng cuộc sống của người dân”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẳng định.