Politico: Năng lực tên lửa hạt nhân Triều Tiên có thể 'áp đảo' hệ thống phòng thủ Mỹ
Các chính quyền Tổng thống Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt và cấm vận nhưng vẫn không thể ngăn Triều Tiên chế tạo một số lượng lớn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn tới Mỹ.
Triều Tiên đêm ngày 7/2 tổ chức duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội.
Triều Tiên đêm ngày 8/2 đã phô diễn hàng loạt tên lửa đạn đạo, pháo phản lực và xe tăng trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), lễ duyệt binh thể hiện "năng lực tấn công hạt nhân vĩ đại của đất nước" với sự tham gia của nhiều đơn vị hạt nhân chiến thuật.
Hình ảnh do KCNA công bố cho thấy 10-12 xe phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 di chuyển trên đường phố Bình Nhưỡng trong lễ duyệt binh.
Hwasong-17 từng được các nhà phân tích phương Tây mô tả là "tên lửa quái vật" do nặng tới 150 tấn và có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) vào tháng 6/2022, Triều Tiên sở hữu 20 đầu đạn hạt nhân, nhưng có đủ nguyên liệu để chế tạo thêm 45-55 đầu đạn nữa.
Theo báo Mỹ Politico, quân đội Mỹ hiện chỉ có 44 hệ thống đánh chặn ICBM, chủ yếu các hệ thống này được đặt tại Alaska và California.
Nếu mỗi tên lửa Hwasong-17 được trang bị 4 đầu đạn hạt nhân, số lượng đầu đạn của 10 - 12 tên lửa đủ để vượt khả năng đánh chặn của Mỹ. Nghĩa là gần như chắc chắn sẽ có đầu đạn hạt nhân rơi xuống lãnh thổ Mỹ nếu Triều Tiên phóng toàn bộ các tên lửa Hwasong-17 đồng thời.
Các quan chức và chuyên gia Mỹ từ lâu đã nhận định, việc Triều Tiên đủ khả năng áp đảo mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ là vấn đề thời gian.
Năm nay Triều Tiên phô diễn hơn 10 tên lửa đạn đạo "quái vật' Hwasong-17.
Với tầm bắn lên tới 15.000km, Hwasong-17 hoàn toàn có thể bay thẳng từ Triều Tiên tới Mỹ. Nhưng Bình Nhưỡng cho đến nay chưa từng thử nghiệm khả năng quay trở lại bầu khí quyển của đầu đạn hạt nhân.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa được thiết kế để bay vượt độ cao bầu khí quyển (khoảng 120.000 mét), sau đó các đầu đạn được tách ra để đồng thời tấn công nhiều mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, các đầu đạn này phải có khả năng quay trở lại bầu khí quyển mà không bị phá hủy do chịu lực cản khí quyển và nhiệt độ cao.
Dù vậy, thông điệp mà Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong Un gửi tới trong lễ duyệt binh ngày 8/2 là rõ ràng. Đó là Washington không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng sở hữu năng lực tấn công hạt nhân đe dọa lãnh thổ Mỹ, theo tờ Politico.
"Động thái mới của Triều Tiên đã tạo ra lỗ hổng trong chính sách an ninh quốc gia và chiến lược phòng thủ tên lửa nội địa của Mỹ", chuyên gia Ankit Panda đến từ quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói. "Trong 20 năm qua, Mỹ chỉ tập trung đối phó mối đe dọa tên lửa 'có giới hạn' của Triều Tiên. Mối đe dọa đó giờ đây đã không còn có giới hạn".
Lớp phòng thủ đầu tiên của Mỹ là hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD). Hệ thống có nhiệm vụ bảo vệ 50 bang trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Đây là hệ thống duy nhất mà Mỹ sử dụng để chống ICBM với 44 tên lửa đánh chặn luôn sẵn sàng khai hỏa. Nhưng giới quan sát cho rằng, GMD không có năng lực đánh chặn nếu đối phương phóng tên lửa vào ban đêm và đây là nhược điểm lớn.
Triều Tiên cũng công bố mẫu ICBM đầu tiên sử dụng nhiên liệu rắn.
"Quân đội Mỹ từng thử nghiệm GMD một lần vào buổi đêm và hệ thống đã không thể ngăn chặn đầu đạn giả định", chuyên gia James Acton đến từ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói.
Mỹ luôn đặt mục tiêu thúc đẩy Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán để tránh các nguy cơ xung đột hạt nhân. Nhưng Triều Tiên cho đến nay đều khước từ những lời đề nghị đối thoại.
Trong khi đó, việc Mỹ ngày càng xích lại gần Hàn Quốc và Nhật Bản khiến Triều Tiên tức giận. Bình Nhưỡng đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối trước việc Mỹ nối lại các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.
Triều Tiên coi đây là động thái chuẩn bị cho chiến tranh. Để đáp trả, Triều Tiên đã phóng số lượng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo lớn nhất trong năm 2022.
Trong cuộc duyệt binh đêm 8/2, Triều Tiên cũng công bố các mẫu tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu rắn. Khác với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng cần được bơm đầy trước khi phóng, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thời gian sẵn sàng khai hỏa ngắn hơn nhiều, trước khi đối phương phát hiện để đối phó.
Cũng có khả năng các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn mà Triều Tiên công bố trong lễ duyệt binh chỉ là mô hình. Nhưng điều này phản ánh Triều Tiên đang tiến gần hơn đến việc đưa ICBM sử dụng nhiên liệu rắn vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
"Triều Tiên đang là quốc gia thứ ba sở hữu năng lực răn đe hạt nhân nhằm vào Mỹ sau Nga và Trung Quốc. Đó là thách thức mà Mỹ cần phải tìm cách giải quyết", ông Panda nói.