Polynesia kiến tạo bản sắc văn hóa bản địa của Hawaii
Hawaii được xem là thiên đường nghỉ dưỡng, chốn bồng lai nơi hạ giới. Và Polynesia là nơi góp phần phô bày bản sắc văn hóa của tiểu bang nước Mỹ giữa Thái Bình Dương này.
Các nhà nghiên cứu nhân chủng học cho rằng những người Polynesia ở các đảo Thái Bình Dương là bộ tộc đầu tiên tới quần đảo Hawaii vào năm 300. Các bộ tộc chiến đấu sống còn, liên miên để mở rộng thế lực, thống trị các hòn đảo.
Sách sử ghi chép các nhà thám hiểm châu Âu đã khám phá Hawaii từ lâu trước khi thuyền trưởng James Cook (người Anh) đến vào năm 1778. Tuy nhiên ông Cook được ghi danh vì là nhà hàng hải đầu tiên vẽ bản đồ, tọa độ quần đảo Hawaii truyền bá ra thế giới.
Sau nhiều cuộc chiến tàn khốc, quần đảo Hawaii liên hiệp lại, hình thành quốc gia dưới thời vua Kamehameha đại đế. [...] Ngày 27/6/1959, được hai viện Quốc hội Mỹ đồng thuận, người dân Hawaii đã biểu quyết sáp nhập vào Liên bang Mỹ và ngày 21/8 năm đó được chính thức công nhận là tiểu bang thứ 50.
Sau đó, Hawaii phát triển rất nhanh, phục hồi bản sắc văn hóa truyền thống và khôi phục quyền lực các thổ dân. Từ khi có quy chế tiểu bang, du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ đạo, nhiều nghi lễ và phong tục truyền thống đã phục hồi trên khắp quần đảo để phục vụ dân bản địa và du khách.
Chiều dài truyền thống các dân tộc và lịch sử bi hùng như vậy, nên du khách khi đến Trung tâm Văn hóa Polynesia (Polynesian Cultural Center) ở Hawaii không khỏi bị cuốn hút. Đây là một công viên chủ đề, đồng thời là một bảo tàng sống được xây dựng trên diện tích 17 ha tại bờ biển phía Bắc đảo Oahu.
Trung tâm được xây dựng ngay từ năm 1963 theo kiểu khôi phục mô hình các quần đảo, làng mạc của các dân tộc Tonga, Tahiti Fiji, Hawaii, Aotearoa, Samoa... và các khu vực chiếu phim, biểu diễn văn hóa, trưng bày nghệ thuật dân gian, phục vụ du khách, dạo thuyền trên sông, bày bán hàng thủ công mỹ nghệ, các bữa tiệc dân tộc bản địa...
Vì vậy, có thể nói du khách một lần đến trung tâm này chịu tốn tiền và dạo một ngày, có thể nhận biết nét văn hóa truyền thống các dân tộc cả vùng đảo Nam Thái Bình Dương.
Điểm thú vị là khi du khách nước ta đến tham quan từng làng dân tộc nơi này đều thấy có các cấu trúc, cảnh quan và nhà cửa không khác biệt với các dân tộc ở ta: Các nhà tranh vách đất, nhà hội họp, thờ tụng có mái cao như vùng Tây Nguyên; nam thanh, nữ tú quấn xà rông nhiều màu sắc nhiệt tình đón khách và biểu diễn các điệu múa dân tộc; đi vào đường làng nhỏ hẹp xung quanh có các ghe tàu nhỏ đón đưa khách, hàng dừa tỏa bóng...
Người xem cảm thấy rất gần gũi với quê nhà và chạnh lòng với những điều họ đã làm được: Quần đảo Hawaii có diện tích khoảng 7,7% so với nước ta, nhưng mỗi năm thu hút trên 10 triệu khách du lịch.
Theo Sở Du lịch Hawaii, thu nhập về du lịch cách đây 10 năm đã vượt trên 12 tỷ USD, mỗi ngày họ thu từ du khách đạt 35 triệu USD.