Power of Siberia thắt chặt hai cường quốc Nga - Trung

Ngày 2 tháng 12 năm 2019 đánh dấu thời điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc của thế giới: Nga và Trung Quốc. Ngày 2 tháng 12 Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình từ hai đầu Âu - Á đã chứng kiến dòng khí đầu tiên được Tập đoàn Gazprom đưa vào đường ống khủng'Power of Siberia'.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình

Power of Siberia dài 3.000 cây số với số vốn đầu tư lên tới 400 tỷ USD trong suốt ba thập kỷ, đưa khí từ các mỏ Đông Sybiria của Nga vào Trung quốc qua Hắc Long giang. Sản lượng đưa vào Power of Siberia sẽ lên tới 38 tỷ m3/năm vào 2025. Với số lượng khí này Trung quốc sẽ trở thành khách hàng lớn thứ hai của Nga sau Đức. Năm 2019 Đức nhập xấp xỉ 60 tỷ m3 khí từ Nga.

Sơ đồ Đường ống Power of Siberia

Sơ đồ Đường ống Power of Siberia

Tuy nhiên không ai tiết lộ giá khí của đường ống là bao nhiêu, nhiều nguồn tin cho rằng giá khí này nằm trong một gói sản phẩm dầu và khí mà Nga và Trung quốc đã thỏa thuận. Phương thức thanh toán của hai bên cũng là một bí mật.

Tháng 5 năm 2014 Gazprom của Nga và CNPC Trung Quốc đã một thỏa thuận lịch sử, cung cấp 38 tỷ m3 khí mỗi năm cho Trung quốc trong thời hạn 30 năm qua đường ống phía đông của Power of Siberia. Nga lập tức khởi công từ tháng 12 năm 2014. Đường ống Power of Siberia phía đông có đường kính 1,42m, đi qua khu vực khắc nghiệt nhất của nước Nga, nơi nhiệt độ mùa đông có thể xuống tới 60 độ âm ở vùng Yakutya.

Gazprom và CNPC ký Thỏa thuận cung cấp khí cho Trung Quốc

Gazprom và CNPC ký Thỏa thuận cung cấp khí cho Trung Quốc

Đường ống khí Power of Siberia đi vào hoạt động đưa đến những thay đổi địa chính trị trên bản đồ thế giới. Trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đẩy mạnh trừng phạt và cấm vận Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nhằm làm suy yếu, lung lay xương sống nền kinh tế Nga, các công ty Mỹ không được cung cấp thiết bị hiện đại, công nghệ cao cho ngành công nghiệp khai thác dầu và khí của Nga, các khoản tín dụng tài chính vào Nga bị siết chặt, hạn chế. Với Power of Siberia, Nga đã tiếp cận một thị trường lớn nhất thế giới, giải được bài toán tín dụng trong thời điểm khó khăn.

Cùng thời điểm Mỹ ráo riết tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, hợp đồng thế kỷ Nga – Trung đã thắt chặt cường quốc của thế giới với nhau, bên cạnh quan hệ quân sự quốc phòng. Khí tự nhiên của Nga đưa vào lãnh thổ Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp khí thiên nhiên từ Mỹ cả về trung hạn và dài hạn, giúp Trung Quốc đàm phán giá khí thấp hơn, có thế mạnh trong các phi vụ thương mại với Washington.

Power of Siberia tạo uy thế mới cho nước Nga để đưa đường ống Nord Stream 2 sang Châu Âu, vượt qua những cản trở do Mỹ và đồng minh gây ra. Chỉ năm năm sau thời điểm các nước châu Âu cấm vận Nga vì sự kiện Crimea.

Đây là một thắng lợi tuyệt đối của nước Nga và cũng là biểu hiện nổi bật của chính sách xoay trục sang đông của Tổng thống Putin. Với 20% trữ lượng khí tự nhiên của toàn thế giới, 17% sản lượng khí, Nga đang cung cấp trên 25% khí cho Châu Âu, Nga đã sử dụng nguồn năng lượng chiến lược này như một vũ khí hữu hiệu. Nga đã cân đối được thị trường chiến lược ở phía Tây với thị trường rộng lớn không ngừng phát triển là Trung Quốc ở phía đông, Nga đã giải quyết được không chỉ vấn đề thu nhập cho quốc gia mà còn nắm giữ được những liên minh trong vòng quyền lợi kinh tế với tư cách của kẻ cầm trịch. Vai trò của công ty nhà nước độc quyền Gazprom nổi trội hơn bao giờ hết trên thị trường khí toàn cầu. Nga luôn luôn sử dụng một cách ngoạn mục con bài năng lượng của mình để đạt được vị thế về chính trị, cải thiện địa chính trị thế giới phục vụ lợi ích của nước Nga.

Không những thế Nga đang sẵn sàng cho đường ống Nord Steam 2 đưa khí qua đáy biển Baltic tới Đức và TurkStream đến Thổ Nhĩ Kỳ và nam Âu. Nord Steam 2 do Gazprom và một số đối tác Châu Âu cùng tham gia xây dựng, đang hoàn thành những bước cuối cùng để đưa vào vận hành vào 2020, tuy hiện đang gặp cấm vận quyết liệt của Mỹ lên các công ty lắp đặt đường ống. Ngày 3 tháng 12 Nga đã kịp thời gia hạn hợp đồng quá cảnh khí với Ucraina sau một thời gian đóng băng. Phải chăng thời điểm này đã được tính toán kỹ?

Đường ống của Nga cũng sẽ cạnh tranh với các nguồn cung cấp khí khác cho Trung Quốc, bao gồm cả khí từ Turmenistan và LNG qua đường biển. Một nhà cung cấp khác bị ảnh hưởng do cạnh tranh của Nga là Úc, Trung quốc vốn là thị trường truyền thống của Úc.

Nga còn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để tăng sản lượng khí vào Trung Quốc qua các ngả khác như từ Viễn Đông Nga, qua Mông Cổ hoặc Kazaxtan.

Trong những năm qua Nga cũng bán dầu thô cho Trung quốc, là đối thủ của A-rập Saudi. Đường ống dẫn dầu từ Nga đến Trung Quốc đạt sản lượng 600.000 thùng/ngày. Ngoài cảng Kozmino đưa dầu qua Thái Bình Dương, dầu thô còn được Nga đưa từ Kazaxtan sang Trung Quốc.

Trong những năm đầu, lượng khí đưa vào đường ống Power of Siberia sang Trung Quốc chỉ ở mức 4,6 tỷ m3 năm 2020, 10 tỷ m3 năm 2021. Nhưng Gazprom cam kết sẽ đảm bảo cấp đủ 38 tỷ m3 vào năm 2025 và sẽ đáp ứng một phần tư nhu cầu LNG cho Trung Quốc vào 2035.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, thị trường Trung Quốc sẽ chiếm tới 40% nhu cầu khí thế giới vào năm 2024. Mặc dù năm 2019, sử dụng khí của Trung Quốc tăng chậm hơn, chỉ khoảng 10% so với 2018 và về trung hạn từ 2019 đến 2024 dự đoán tăng trung bình 8%/năm, so với nhu cầu của thế giới là 1,6%/năm.

Tú Mai

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/power-of-siberia-that-chat-hai-cuong-quoc-nga-trung-557807.html