Hồi kết cho đình công tại các cảng của Mỹ?

Sau ba ngày làm tê liệt chuỗi cung ứng hàng hóa ra/vào Mỹ, cuộc đình công của công nhân bốc xếp tại các cảng biển phía Đông và Vịnh Mexico của Mỹ đã kết thúc ngày 4/10.

Công nhân cảng Houston ở Texas, Mỹ tham gia đình công ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân cảng Houston ở Texas, Mỹ tham gia đình công ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hiệp hội nhân viên bốc xếp quốc tế (ILA) và Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) ra thông báo cho biết đã "đạt được thỏa thuận sơ bộ về tiền lương và nhất trí gia hạn Hợp đồng lao động chính đến ngày 15/1/2025, nhằm đưa hai bên quay lại bàn đàm phán để thương lượng tất cả các vấn đề còn tồn đọng khác”.

Rủi ro tiềm ẩn của đình công

Khoảng 45.000 lao động thuộc ILA đã tham gia đình công từ sáng ngày 1/10. Tổng cộng có 36 cảng trên các khu vực bờ biển phía Đông và Vịnh Mexico của Mỹ bị ảnh hưởng. Đây là nhóm cảng có năng lực xử lý tới một nửa khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của nền kinh tế số một thế giới. Việc đóng cửa các cảng này khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng container và xe tải lập tức bị tê liệt, rất nhiều hàng hóa từ thực phẩm, hoa quả tươi cho tới ô tô… đã không thể vận chuyển từ bang Maine đến bang Texas.

Đây là cuộc đình công lần đầu tiên của ILA kể từ năm 1977. Đài CNN đưa tin, việc đóng cửa các cảng, bắt đầu lúc 12h01 sáng 1/10 theo múi giờ miền Đông Bắc Mỹ, sẽ gây ra thiệt hại kinh tế từ 3,8-4,5 tỷ USD mỗi ngày, theo ước tính của JPMorgan Chase.

Tuy nhiên, nhờ khoảng thời gian đình công ngắn, nên tổng thiệt hại thực tế được cho là tương đối nhỏ. Đặc biệt là nhiều nhà xuất nhập khẩu đã nhanh chóng di chuyển hàng hóa qua các cảng khác trước thời hạn bắt đầu đình công, vốn đã được ILA thông báo từ nhiều tháng trước.

Báo cáo ước tính sơ bộ của Cơ quan Cảng vụ New York và New Jersey - cảng lớn nhất bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công và là cảng lớn thứ ba của Mỹ về khối lượng hàng hóa - cho thấy doanh thu của cảng bị “bốc hơi” từ 250-300 triệu USD/ngày trong thời gian diễn ra đình công (từ 0 giờ ngày 1/10 đến 19 giờ ngày 4/10, theo giờ Mỹ), tương đương với tổng mức thiệt hại vào khoảng 1 tỷ USD.

Ông Bethann Rooney, Giám đốc cảng vụ New York và New Jersey, nói việc khu cảng này bị đóng cửa trong 2-3 ngày do bão không phải là hiếm. Nhưng, dòng chảy hàng hóa sẽ mất một thời gian để trở lại bình thường. Trước cuộc đình công, các chuyên gia logistics cho biết cần 3-5 ngày để phục hồi sau mỗi ngày các cảng bị đóng cửa. Điều đó có nghĩa là thiệt hại vẫn sẽ kéo dài sang những ngày tới, với mức độ tùy thuộc theo khả năng xử lý lượng hàng tồn đọng của các khu cảng và trong điều kiện không có đình công trở lại.

Cuộc đình công diễn ra vào thời điểm “cuộc đua” Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, khi thời gian vận động tranh cử chỉ còn chưa đến một tháng nữa. Nếu cuộc đình công kéo dài và hệ lụy kinh tế mở rộng hơn, đây sẽ là điều bất lợi cho chính phủ hiện tại của Tổng thống Joe Biden và tất nhiên sẽ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của đảng Dân chủ và ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Nguyên nhân đình công

Công nhân cảng Houston ở Texas, Mỹ tham gia đình công ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân cảng Houston ở Texas, Mỹ tham gia đình công ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan quản lý cảng Virginia - cảng lớn thứ hai bị ảnh hưởng bởi đình công - cho biết do thỏa thuận chính giữa USMX và ILA hết hạn và hai bên không đạt được thỏa thuận mới, nên công nhân cảng Virginia và các cảng khác dọc Bờ Đông và Vịnh Mexico đã tiến hành đình công.

Trọng tâm tranh cãi là vấn đề tiền lương. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác, ít được đề cập tới hơn, nhưng đó là một phần lý do dẫn đến đình công: Cuộc chiến chống lại tự động hóa. Người lao động lo ngại những tiến bộ công nghệ có thể đe dọa đến sự tồn tại và giá trị của các công việc mà họ đang thực hiện - một mối quan tâm đã tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau kể từ khi Cách mạng Công nghiệp lần đầu tiên đưa máy móc vào sản xuất.

Trong một thông báo đưa ra ngày 2/10, ILA nhấn mạnh: “Hiệp hội kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức tự động hóa nào - toàn bộ hoặc bán phần - thay thế công việc hoặc chức năng làm việc của người lao động. Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc mất việc làm và sinh kế của các thành viên do tự động hóa”.

Theo báo cáo từ Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ, tính đến tháng 3/2023, tất cả 10 cảng container lớn nhất của Mỹ đều đã áp dụng một số công nghệ tự động hóa, để xử lý và vận chuyển hàng hóa. Trong những trường hợp này, tự động hóa có thể được sử dụng để xếp dỡ và di chuyển các container nặng hoặc tối ưu hóa các công nghệ hiện có nhằm theo dõi chuyển động của container.

Liệu cuộc đình công có thể quay trở lại?

Ảnh tư liệu: Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ảnh tư liệu: Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa thuận hôm 4/10 đã ngăn chặn những hệ lụy khủng khiếp mà một cuộc đình công quy mô lớn diễn ra tại các cảng biển phía Đông và Vịnh Mexico của Mỹ có thể gây ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là một cuộc đình công mới trong tương lai sẽ không xảy ra. Văn bản cuối cùng của thỏa thuận, sau khi hoàn thành, sẽ cần phải được các thành viên cấp cơ sở của ILA phê chuẩn, trước khi có hiệu lực. Nếu các thành viên bỏ phiếu chống lại thỏa thuận, cuộc đình công có thể lại bắt đầu. Và việc từ chối một thỏa thuận lao động như vậy không phải là chưa từng xuất hiện.

Chỉ trong tháng trước, Hiệp hội quốc tế thợ máy và nhân viên hàng không (IAM) và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing (BA) đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ mới về việc tăng lương, mà các nhà lãnh đạo liên đoàn khuyến nghị 33.000 thành viên của họ chấp nhận. Các nhà lãnh đạo IAM thậm chí còn mô tả đây là thỏa thuận tốt nhất mà họ từng đàm phán với công ty. Nhưng các thành viên liên đoàn đã bỏ phiếu gần như nhất trí từ chối thỏa thuận và vẫn đình công kể từ ngày 13/9.

Diệu Linh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoi-ket-cho-dinh-cong-tai-cac-cang-cua-my/349549.html