Pú Nhung và niềm tin ở thế hệ trẻ
Đến với Pú Nhung trong một chuyến công tác bất ngờ và gấp gáp, nhưng những ấn tượng về một xã nghèo ở miền núi Điện Biên thì theo tôi về tận Thủ đô. Vươn lên từ những ký ức buồn, Pú Nhung đang dần đổi thay…
Từ đỉnh đèo Pha Đin, một trong bốn đỉnh đèo cao, đẹp và nguy hiểm nhất Việt Nam, chạy xuống khoảng 20km, bạn sẽ thấy ở phía xa những dãi núi dài phía trước mặt. Người bạn ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chỉ cho tôi: “Giữa hai quả núi thuộc dãy Pú Minh kia là một thung lũng tươi tốt. Đó chính là xã Pú Nhung, quê hương của anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính”.
Nhắc tới cái tên Vừ A Dính, mọi người đều nhớ tới những cánh hoa đào tươi thắm năm nào và người thiếu niên thông minh, dũng cảm ấy. Những ngày cuối Hạ vào Thu, thay bằng những màu xanh mơn mởn của những cây đào, cây mận tươi mát miền Tây Bắc, là màu tím của hoa rừng, lác đác tô điểm những đồi dứa xanh thẫm đang thì con gái ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo.
Qua những nếp nhà gỗ khang trang đầu xã là đến Nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của xã Pú Nhung, nơi Vừ A Dính cùng 6 người thân trong gia đình được khắc tên trên bia tưởng niệm. Ngày 31/7/1998, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đảng bộ, quân và dân xã Pú Nhung, giúp Pú Nhung có được một diện mạo đổi mới, khang trang, dần thay áo mới từ một xã miền núi thuần nông.
Khi bóng đêm dần tan
Đến Pú Nhung, đi sâu vào xã, cạnh con đường độc đạo, du khách dễ nhìn thấy một tấm pano khổ lớn với nội dung: “Lá ngón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đem đến cái chết đau đớn. Không uống, không dùng thử, dù chỉ một lần!”, đi kèm là hình ảnh minh họa cảnh báo rất ấn tượng.
Trò chuyện với người dân, tôi mới hiểu phía sau sự “thay da đổi thịt”, chiến thắng đói nghèo, vươn tới no ấm như hiện nay, Pú Nhung đã nỗ lực lớn vượt qua những nỗi buồn.
Người dân Pú Nhung vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện tại Chua Lú - một bản vùng cao với hơn 80 hộ người H’Mông - giữa khu rừng già quạnh quẽ, nơi yên nghỉ của cháu Lý Thị H vẫn còn nhắc về sự đổ vỡ trong quan hệ gia đình nặng tính gia trưởng. Ông bố thường say xỉn rồi hành hạ vợ con khiến cô bé buồn bã quyên sinh.
Lại có trường hợp bị vợ cằn nhằn, chồng bỏ bê công việc đi uống rượu, nhân góc nhà có lọ thuốc diệt cỏ dùng dở, anh ngửa cổ tu một hơi thay vì uống rượu. Rất may là mùi thuốc diệt cỏ không dễ nuốt, anh nhổ vội ra, hậu quả chỉ bị tổn thương niêm mạc miệng.
Ông Vừ A Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung chia sẻ, những bất cập đến từ nhận thức của bà con đã dẫn đến những câu chuyện buồn như vậy. Phần lớn các trường hợp đều xảy ra tại các xã vùng cao, nhiều nhất là bà con người H’Mông vì họ thường coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Dù được tận tình cứu chữa nhưng nhiều bệnh nhân vẫn bất hợp tác nhằm gây khó khăn cho công tác cấp cứu.
Tuy vậy, ông cho biết, rất may giờ đây, những câu chuyện đáng buồn như vậy đã giảm nhiều.
Bình minh ló rạng trên bản
Cũng theo ông Vừ A Kỷ, mọi nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ, chính quyền các đoàn thể ở xã đều hướng tới chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của gần 650 hộ và hơn 3.300 nhân khẩu trong xã.
Đảng bộ Pú Nhung nhận thức sâu sắc rằng muốn tạo sự chuyển biến trong nhân dân, hơn ai hết từng Đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong hành động. Bởi với đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây là “miệng nói không bằng tay làm”.
Ông cho biết, những đảng viên tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vươn lên làm giàu được nhân dân học tập và làm theo ở đây có thể kể đến, như gia đình anh Vừ Khúa Xá với hơn 5ha cây quế hương và thảo quả, một đàn gia súc hơn 50 con trâu, bò. Gia đình các anh Sùng Vảng Hồ, Lầu Chù Di, Sùng Dúng Khá, Trá Nhìa Dính, Sùng Chờ Ma,… và nhiều hộ gia đình khác có mô hình vườn, ao, rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, làm nghề thủ công phát triển kinh tế. Thu nhập mỗi năm từ 50 đến 120 triệu đồng. Những điển hình đó là một minh chứng cụ thể sinh động trong việc Đảng bộ và Chính quyền thuyết phục đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất từ bao đời nay của bà con dân tộc nơi đây.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch xã vẫn có niềm băn khoăn, trăn trở, khi hiện nay ở địa phương tỉ lệ học sinh đến trường thấp. "Đầu năm học thì học sinh còn đến lớp đông một chút, nhưng đến Tết - 'mùa cưới' của người H’Mông, thì thanh niên đi 'bắt vợ' rồi ở nhà luôn, không đi học", ông kể.
Trên đường trở về Thị trấn Tuần Giáo, tôi gặp hai em học sinh đang chăn trâu, em Vừ A Hoàng học sinh trường Trung học Cơ sở Vừ A Dính và em Vừ Ma Chi học sinh Trường Tiểu học Pú Nhung.
“Trường không dạy về tấm gương anh Vừ A Dính, nhưng tất cả chúng em đều biết về anh và đặc biệt anh là người dân tộc H’Mông rất dũng cảm của chúng em”, hai em nói và kể vanh vách cho tôi nghe về anh hùng Vừ A Dính thông minh, gan dạ - niềm tự hào của dân tộc.
Cháu Vừ A Hoàng nhìn tôi: “Cô ơi! Giờ chúng cháu chỉ biết giúp các bạn học bài, quét sân trường và chăn trâu đỡ bố mẹ khi rảnh rỗi. Cháu không biết làm gì để có được lòng dũng cảm như anh Vừ A Dính”. Cô bé Vừ Ma Chi, vừa cài cành hoa rừng lên tóc tôi với nói: “Em còn thấy anh còn giúp người già, người mù qua đường khi đường đông”. Tôi nói: “Đó chính là sự thông minh, lòng dũng cảm của các em đấy. Thông minh để biết luật giao thông và dũng cảm không sợ đường đông mà dắt người già, người mù qua đường”.
Cảm động với cánh hoa rừng được các em cài trên tóc, tôi có niềm tin hơn bao giờ hết, chỉ ít thời gian nữa thôi, với sự cố gắng nỗ lực của các thầy cô đến tận thôn bản xa xôi, khuyến khích bằng nhiều cách để các em đến trường. Được học tập, lớn lên, thế hệ trẻ như các em, Pú Nhung, sẽ sớm xóa đi những nỗi buồn mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống mà tự mình vươn lên, giải quyết, cũng như xây dựng Pú Nhung ngày một giàu đẹp.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pu-nhung-va-niem-tin-o-the-he-tre-194926.html