Putin - Trump: 'Gấu xám' và 'Đại bàng' trong mối quan hệ băng giá
Bất chấp mong muốn từ cả TT Trump và TT Putin cũng như những nhượng bộ gần đây từ cả hai phía, quan hệ Mỹ - Nga vẫn ở trong thời kỳ băng giá nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
"Tôi đã gặp Tổng thống Putin, một người vô cùng tuyệt vời".
Ông Trump trả lời năm 2014 khi được hỏi về những nhân vật ông tiếp xúc trong sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ vị tỷ phú đồng tổ chức ở Nga.
Nay, khi đã rời khỏi ngành giải trí và khoác lên mình trọng trách lãnh đạo thế giới phương Tây, quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên phức tạp, và có lẽ, gai góc hơn rất nhiều thời điểm vị tỷ phú tổ chức cuộc thi sắc đẹp thế giới.
Nước Mỹ của ông Trump và nước Nga của ông Putin đang ở trong thời kỳ quan hệ băng giá nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc gặp mặt tay đôi tới đây tại Đà Nẵng giữa nhà lãnh đạo hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, do đó, thu hút mọi ánh nhìn của giới chuyên gia quốc tế.
Tổng thống của hai quốc gia "bị lợi dụng"
Vladimir Putin trải qua thời tuổi trẻ là điệp viên của KGB. Hoạt động ngầm, tránh xa ồn ào của công luận, đặc thù công việc năm xưa đã trở thành một phần trong tính cách của vị cựu điệp viên, một con người trầm ổn và khó đoán.
Trái ngược với phong cách thâm trầm của ông chủ Điện Kremlin, Tổng thống Donald Trump luôn là tâm điểm của dư luận, ngay từ trước khi bắt đầu chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng.
"Thoạt nhìn qua, ông Trump và ông Putin là hai đường thẳng song song không có điểm kết nối", giáo sư Edward Lucas từ Đại học Kinh tế và Khoa học Chính trị London nói với Telegraph.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng bên lề Hội nghị APEC 2017. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo có một điểm chung lớn nhất chi phối góc nhìn về trật tự thế giới hiện tại
"Cả ông Trump và ông Putin đều cho rằng đất nước họ (Mỹ và Nga) đã bị thế giới lợi dụng trong 2 thập niên qua", Bobo Lo, chuyên gia cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhận định.
Ông chủ Điện Kremlin coi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là "thảm họa chính trị tồi tệ nhất thế kỷ 20". Phương Tây đã lợi dụng sự suy yếu của Moscow để thu hẹp quyền lực và không gian sinh tồn của người Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Trump, xuất thân là doanh nhân, nhìn nhận Mỹ như một "siêu cường sẽ sớm phá sản nếu tiếp tục mang tiền đem cho các quốc gia cả giàu lẫn nghèo khắp thế giới".
Ông Trump buộc tội chủ nghĩa tự do mà những người tiền nhiệm theo đuổi đã đẩy nước Mỹ vào những mối quan hệ bất đối xứng, hệ quả là "thâm hụt thương mại không thể kiểm soát nổi" và những "thỏa thuận đáng xấu hổ" mà Washington phải gánh chịu.
"Ông Putin muốn khôi phục sức mạnh đã mất của nước Nga, còn ông Trump muốn 'làm nước Mỹ vĩ đại một lần nữa'. Đó là điểm mấu chốt sẽ chi phối chính sách của Moscow và Washington", ông Lo kết luận.
Cơn địa chấn dễ chịu cho Moscow
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 là cơn địa chấn cho phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, Moscow nhìn thấy lợi ích của Nga khi quyền lực tại Washington rơi vào tay vị tỷ phú 71 tuổi.
Trong 10 tháng cầm quyền, Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, cắt tài trợ cho UNESCO, đình chỉ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương với EU. Những bước đi này gây rạn nứt nghiêm trọng với các đồng minh châu Âu nhưng lại khiến Điện Kremlin cười thầm.
"Liên minh Mỹ - châu Âu rạn nứt có thể là cơ hội để Moscow tái khôi phục ảnh hưởng tại lục địa già", nhà phân tích Columb Strack từ Cơ quan tư vấn chính sách IHS Markit trụ sở London nói với Zing.
Ông Putin từng nhiều lần cáo buộc chính giới Mỹ luôn tìm cách kích động tâm lý bài Nga như một lá bài chính trị.
"Khi ông Trump xuất hiện trên vũ đài chính trị Mỹ với suy nghĩ thực dụng của một doanh nhân, Moscow tin là họ đã tìm ra chìa khóa để xóa bỏ tâm lý bài Nga", ông Strack nói.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Trump nhiều lần công khai thiện cảm dành cho Tổng thống Putin. Không dưới 1 lần ông Trump đề cập tới mối quan hệ "tốt đẹp" và "hiệu quả" mà ông duy trì với nhà lãnh đạo nước Nga.
"Chúng ta là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Ông ấy muốn điều tốt đẹp cho nước Nga, tôi muốn điều tốt đẹp cho nước Mỹ. Vậy sẽ hoàn toàn hợp lý nếu chúng tôi duy trì một mối quan hệ hữu hảo", Tổng thống Trump trả lời tạp chí Time hồi tháng 7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức tháng 7/2017. Ảnh: Getty.
10 tháng phiền não của Nhà Trắng và Điện Kremlin
Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump chứng kiến mối quan hệ băng giá giữa Moscow và Washington. Sau các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những đòn trừng phạt và trả đũa ngoại giao liên tiếp được đưa ra.
"Xung đột Mỹ - Nga hiện tại không xuất phát từ quyết định của ông Trump hay ông Putin, nó đến từ Capital Hill", ông Strack nhận định, ám chỉ Quốc hội Mỹ chịu trách nhiệm cho sự đi xuống của quan hệ Mỹ - Nga.
Nhận định của ông Strack là có cơ sở nếu nhìn vào thực tế Tổng thống Trump đã, theo cách gọi của Guardian, "miễn cưỡng phê chuẩn" các lệnh trừng phạt ngoại giao mà Quốc hội Mỹ áp đặt đối với Nga.
Sức ép từ Quốc hội Mỹ cùng cuộc điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 khiến Tổng thống Trump không thể cải thiện quan hệ với Moscow như đã nhiều lần tuyên bố trước ngày tiếp quản Nhà Trắng.
Điều này, bất thường thay, gây thất vọng cho cả Nhà Trắng và Điện Kremlin.
Nga muốn bình đẳng, Mỹ cần đối tác
"Moscow không muốn cạnh tranh vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Cái Tổng thống Putin theo đuổi là đảm bảo những lợi ích sống còn của Nga", ông Lo nhận định.
Chuyên gia người Pháp cho rằng Moscow muốn Washington công nhận vai trò của Nga trong không gian hậu Xô viết tương đương với vị thế của Mỹ ở Tây Âu, tức người lãnh đạo không thể xâm phạm.
Bên cạnh đó, vấn đề Syria và chính sách năng lượng toàn cầu cũng là hai trong số những ưu tiên Moscow mong chờ sự hợp tác từ Washington.
VIDEO: Những ngày cuối giao tranh ác liệt bên trong thành trì Raqqa của IS
Trận chiến giải phóng Raqqa khỏi tay IS ác liệt cho tới những phút cuối cùng. Sau 4 tháng giao tranh, thành phố Raqqa nay chỉ còn là đống đổ nát và không một bóng dân thường.
Ở chiều ngược lại, người ta không nhìn thấy rõ ràng mục tiêu cụ thể của Nhà Trắng trong quan hệ với Điện Kremlin.
10 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump bị phủ bóng trong các tranh cãi nội bộ và cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Đây có thể là một nguyên nhân khiến Nhà Trắng chỉ phản ứng thụ động trong mối quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chính quyền Tổng thống Trump đã nỗ lực, bất chấp chống đối từ chính giới Mỹ, biến Moscow trở thành một đối tác giải quyết các nhức nhối về an ninh đe dọa Washington.
"Mỹ đã chấm dứt vũ trang cho phe đối lập Syria. Các chính trị gia Mỹ đã nhận ra Assad là lựa chọn khả dĩ nhất có thể tại vũng lầy Syria. Mục tiêu của Washington hiện giờ chỉ là đánh bại IS", chuyên gia Strack trả lời Zing.
Chuyên gia từ IHS Markit cho rằng việc chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Assad tại Syria là một nhượng bộ lớn của Nhà Trắng để đổi lấy thiện chí của Nga trong những vấn đề quốc tế khác.
Một trong những gặt hái của Washington đó là cái gật đầu từ Moscow tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thông qua lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên. Mới đây, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng tuân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Cuộc khủng hoảng Triều Tiên là một trong số ít các vấn đề Mỹ - Nga đạt được sự nhất chí trong thời gian gần đây. Ảnh: Getty.
Băng giá khó tan trong một sớm một chiều
Mối quan hệ, dù có thân tình thế nào đi chăng nữa, giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ khó có thể xóa đi những rào cản đang đè nặng lên quan hệ Mỹ - Nga.
Ông Trump không thể qua mặt Quốc hội Mỹ để rút các hệ thống phòng thủ tên lửa Washington hiện triển khai ở các nước Baltic sát biên giới Nga. Moscow cũng sẽ không từ bỏ Crimea, vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga sáp nhập năm 2014, là căn nguyên của những lệnh trừng phạt kinh tế đã có từ thời Tổng thống Obama.
"Bất cứ tiến triển nào đều sẽ rất hạn chế và chậm chạp", chuyên gia Bobo Lo nhận định.
Những thông tin ban đầu từ bộ Ngoại giao Nga cho biết Tổng thống Putin và Tổng thống Trump sẽ thảo luận về tình hình Syria và cuộc khủng hoảng Triều Tiên trong cuộc gặp sắp tới tại Đà Nẵng. Đây có lẽ những lĩnh vực khả dĩ nhất có thể được thảo luận giữa hai vị tổng thống vào thời điểm hiện tại.
Những chủ đề "xương xẩu" và phức tạp hơn, như gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) hay duy trì Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đòi hỏi lòng tin nhiều hơn mức hiện tại.
Nhưng, lòng tin giữa Nga và Mỹ, vốn đã đổ vỡ từ sau Mùa xuân Arab và cuộc khủng hoảng Ukraine, sẽ khó có thể khôi phục trong một sớm một chiều.
VIDEO: Dàn xe của Tổng thống Trump lăn bánh ở Đà Nẵng
3 chiếc C-17 chở theo xe "Quái thú" Cadillac One và các xe bảo vệ Tổng thống Trump khác đã đáp xuống Đà Nẵng.
Vladimir Putin
Vladimir Vladimirovich Putin là một chính trị gia người Nga và là cựu Thủ tướng của Liên bang Nga, là Tổng thống thứ hai của Nga từ 7 tháng 5 năm 2000 cho đến 7 tháng 5 năm 2008, và một lần nữa, là Tổng thống thứ bốn của Nga từ 7 tháng 5 năm 2012.
Ngày sinh: 7/10/1952
Vợ: Lyudmila Putina (đã ly hôn)
Con: 2
Chiều cao: 1.7m
Duy Anh