PV Drilling (PVD): Biên lợi nhuận từ Lô B - Ô Môn chỉ ở mức thấp, giá thuê giàn khoan có thể tăng 45%
Theo chia sẻ của đại diện PV Drilling (mã cổ phiếu PVD) giá thuê giàn khoan tự nâng khu vực Đông Nam Á trong năm nay có thể tăng 45% so với năm 2022. Về triển vọng kinh doanh từ Lô B – Ô Môn, VCBS đánh giá biên lợi nhuận của PV Drilling sẽ chỉ ở mức thấp.
Hiệu suất hoạt động đạt trên 95%, giá thuê giàn khoàn có thể tăng 45%
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 2.637 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng lãi ròng đạt tới 207 tỷ đồng, so với mức lỗ 149 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lãi ròng của PV Drilling đã gấp đôi kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng đầu năm. Biên lợi nhuận gộp dịch vụ khoan & kỹ thuật giếng cải thiện giúp cho lợi nhuận PV Drilling tăng trưởng mạnh. Đáng chú ý, hiệu suất hoạt động các giàn khoan của PV Drilling đã đạt trên 95% và cả 06 giàn khoan của doanh nghiệp hiện nay (PV Drilling I, II, III, VI, PV Drilling 11 và TAD Drilling V) đều đã có việc làm xuyên suốt năm.
Trong đó, giàn khoan đất liền Land-rig đang thỏa thuận ký hợp đồng khoan cho giai đoạn cuối năm 2023 tại Algeria. Giàn khoan PV Drilling III đã ký hợp đồng với đối tác Hibicus đến giữa năm 2024, sau thời gian đó giàn có thể về Việt Nam để khoan cho dự án trong nước. Mặc dù giàn khoan PV Drilling I phía bên khách hàng Thái Lan ngưng hợp đồng, nhưng giàn khoan này đã tái ký hợp đồng mới với khách hàng Thăng Long và NGP.
Theo đánh giá mới nhất của Vietcombank Securities (VCBS), bên cạnh các hợp đồng mà PV Drilling đã ký hết năm 2023 với mức giá thuê giàn khoan tự nâng trung bình khoảng 82.000 USD/ngày, dự kiến các hoạt động khoan thăm dò và khai thác dầu khí sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới khi giá dầu thô neo cao trên ngưỡng 80 USD/thùng, tạo ra khối lượng công việc lớn và tiềm năng tăng giá thuê giàn khoan cho PV Drilling.
Dự kiến kể từ cuối năm 2023 cho đến 3 - 4 năm tiếp theo, nhu cầu giàn khoan trong nước sẽ tăng cao. Cụ thể, dự kiến trong năm 2024, nhu cầu giàn khoan trong nước sẽ tăng trưởng đến từ các dự án: 12 giếng khoan Đại Hùng JOC; 8 giếng khoan Lạc Đà Vàng (Murphy), Cá Tầm & Kình ngư trắng (Vietsopetro), Phú Quốc JOC, Sư tử trắng thuộc Cửu Long JOC. PV Drilling hiện dự kiến nhu cầu giàn khoan tự nâng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 sẽ vào khoảng 7- 8 giàn khoan và trong năm 2024 sẽ tăng lên 9 giàn.
Vào tháng 7/2023, hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit dự phóng giá thuê giàn khoan tự nâng khu vực châu Á và Đông Nam Á sẽ có sự tăng trưởng ổn định trong năm 2023 và có thể chạm mốc 175.000 USD/ngày vào cuối năm 2023, so với mức giá đỉnh khoảng 100.000 USD/ngày vào năm 2022.
Đại diện PV Drilling chia sẻ, giá thuê trung bình giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 dự báo khoảng ở mức 120.000 USD/ngày, tăng 45% so với năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung giàn khoan đóng mới hạn chế, và các giàn khoan hiện tại đều có việc làm.
Xem thêm: "Giải mã đà tăng “nóng” của cổ phiếu OCB – Ngựa ô mới của nhóm cổ phiếu ngân hàng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Biên lợi nhuận của PV Drilling từ Lô B - Ô Môn có thể chỉ ở mức thấp
PV Drilling hiện đang sở hữu một số lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là việc sở hữu đội giàn khoan có độ tuổi khai thác trẻ nhất so với các đối thủ trong khu vực. Cụ thể, độ tuổi khai thác trung bình của các giàn khoan của PV Drilling hiện chỉ khoảng 11 năm (tuổi thọ trung bình các giàn khoan vào khoảng 35-40 năm), trong đó giàn khoan lớn tuổi nhất là PV Drilling I được bắt đầu khai thác từ năm 2007.
PV Drilling có dự định sẽ đầu tư thêm giàn khoan, tuy nhiên doanh nghiệp chưa xác định được kế hoạch cụ thể do toàn bộ giàn khoan sắp ra thị trường đều đã có bên đặt mua. Ngoài ra, thời gian đóng mới giàn khoan trên 2 năm và chi phí cao (trên 200 triệu USD).
Liên quan đến dự án Lô B - Ô Môn, theo kế hoạch từ Chính phủ chuỗi dự án này dự kiến sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong năm 2023. Điều này được kỳ vọng cung cấp khối lượng công việc tiềm năng cho mảng dịch vụ khoan & kỹ thuật giếng của PV Drilling trong những năm tới. Dự án bao gồm một giàn xử lý trung tâm (CPP), 46 giàn đầu giếng (WHP), một giàn nhà ở, một tàu chứa condensate (FSO) và 750 giếng khai thác.
Xem thêm: "BVSC: Liên doanh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) trúng gói thầu hơn 1 tỷ USD của dự án Lô B - Ô Môn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Với kế hoạch phát triển hơn 700 giếng khai thác, PV Drilling sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng thông qua cung cấp dịch vụ cho dự án trên. Tuy nhiên, VCBS lưu ý, các giàn khoan hiện tại của PV Drilling chưa phù hợp để sử dụng cho dự án Lô B – Ô Môn do đây là khu vực nước nông, sử dụng giàn khoan tự nâng sẽ không hiệu quả. Do đó, PV Drilling có thể lựa chọn phương án thuê giàn khoan dẫn đến việc thu hẹp biên lợi nhuận.
Theo chia sẻ của đại diện PV Drilling, biên lợi nhuận gộp đối với hoạt động thuê giàn khoan chỉ khoảng 1,5% và doanh nghiệp này đang chờ lộ trình chính thức của Lô B – Ô Môn để cân nhắc việc dùng gian khoan cho dự án.