PV GAS góp phần kiến tạo tương lai năng lượng bền vững cho Việt Nam

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tiên phong kiến tạo ngành năng lượng bền vững thông qua nghiên cứu, kinh doanh các nguồn năng lượng sạch, đồng thời 'xanh hóa' hệ thống sản xuất vận hành.

Đối mặt với hiện tượng nóng lên toàn cầu cùng nhu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp khí - lĩnh vực từ lâu đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thiên nhiên - đang từng bước chuyển mình theo hướng thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, PV GAS đang đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất và vận hành, không chỉ để góp phần giảm thiểu tác động môi trường mà còn là cam kết của PV GAS đối với sự phát triển bền vững và tương lai xanh của quốc gia.

PV GAS thúc đẩy kiến tạo nguồn năng lượng sạch

Cũng như các doanh nghiệp năng lượng khác, một trong những thách thức lớn nhất PV GAS phải đối mặt là làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao của người tiêu dùng, vừa duy trì cam kết với các giải pháp năng lượng sạch.

Để giải quyết vấn đề này, PV GAS dần tập trung vào phát triển mô hình kinh doanh tích hợp, cung cấp một hệ sinh thái năng lượng ngày càng được đa dạng hóa, bao gồm khí khô, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG), và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Mô hình này không chỉ giúp PV GAS đáp ứng nhu cầu đa dạng của các khách hàng công nghiệp mà còn đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ của công ty luôn tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về bảo vệ môi trường.

 PV GAS đang cung cấp một hệ sinh thái năng lượng ngày càng được đa dạng hóa.

PV GAS đang cung cấp một hệ sinh thái năng lượng ngày càng được đa dạng hóa.

Dự án quan trọng nhất phải kể đến chính là Kho cảng LNG Thị Vải với công suất 1 triệu tấn, nhằm bổ sung cho nguồn khí nội địa đang ngày càng suy giảm.

Chuyến hàng LNG đầu tiên nhập khẩu thành công đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển chuỗi giá trị LNG của PV GAS, đưa công ty trở thành một trong những đơn vị chiếm thị phần đáng kể trên thị trường LNG tại Việt Nam.

Đến nay, PV GAS đã đón 5 chuyến tàu LNG về Việt Nam với tổng khối lượng nhập khẩu khoảng 300.000 tấn. Điều này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam.

Với mô hình kinh doanh tích hợp, PV GAS không chỉ cung cấp giải pháp năng lượng bền vững mà còn đảm bảo giá cả cạnh tranh và chất lượng dịch vụ cao, từ đó mang lại giá trị gia tăng lâu dài cho khách hàng

Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV GAS

"Việc cung cấp LNG cho sản xuất công nghiệp là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển chuỗi giá trị LNG của PV GAS, cam kết mang đến giải pháp năng lượng xanh, sạch và thân thiện hơn với môi trường, cùng đồng hành với Chính phủ thực hiện cam kết về Net Zero từ năm 2050", ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV GAS nhấn mạnh.

Ngoài ra, PV GAS và Tập đoàn Siemens Energy (Đức) đang hợp tác triển khai dự án khí hydrogen xanh tại Việt Nam, với mục tiêu cung cấp nguồn năng lượng sạch cho các khu công nghiệp và nhà máy điện. Đầu năm nay, hai bên đã thành công đưa vào vận hành tua-bin khí sử dụng hoàn toàn bằng hydrogen tái tạo.

Dự án này nằm trong kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam nhằm sản xuất 100.000-500.000 tấn hydrogen mỗi năm vào năm 2030, với mục tiêu dài hạn là tăng sản lượng lên 10-20 triệu tấn vào năm 2050.

Hiện hai doanh nghiệp cũng đang trong quá trình xin cấp phép và phê duyệt từ các cơ quan quản lý tại Việt Nam để hoàn thiện pháp lý cho dự án amoniac xanh và đã thành công trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Đây là những giải pháp năng lượng được đánh giá cao về tính thân thiện với môi trường và tiềm năng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai.

Ông Phạm Văn Phong khẳng định: "Với mô hình kinh doanh tích hợp, PV GAS không chỉ cung cấp giải pháp năng lượng bền vững mà còn đảm bảo giá cả cạnh tranh và chất lượng dịch vụ cao, từ đó mang lại giá trị gia tăng lâu dài cho khách hàng".

PV GAS chủ động "xanh hóa" hệ thống vận hành nội bộ

Bên cạnh việc phát triển năng lượng sạch, PV GAS cũng chủ động "xanh hóa" hệ thống vận hành nội bộ thông qua nâng cấp và hiện đại hóa các nhà máy xử lý khí nhờ áp dụng chuyển đổi số.

Qua đó, Tổng công ty tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu khí thải, xây dựng các hệ thống quản lý khí thải tiên tiến để giám sát và kiểm soát chất lượng không khí tại các cơ sở sản xuất.

Hệ thống giám sát khí thải hiện đại tại các nhà máy đã giúp PV GAS theo dõi và quản lý lượng khí thải một cách hiệu quả, đảm bảo rằng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường luôn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Các dự án như hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 cũng được chú trọng, với các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn dưới nước và cải tiến công nghệ để giảm thiểu tác động đến môi trường.

 Sáng kiến tối ưu hóa năng lượng tiêu hao của Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) đã giúp tiết kiệm hơn 8 tỷ đồng khi áp dụng vào sản xuất.

Sáng kiến tối ưu hóa năng lượng tiêu hao của Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) đã giúp tiết kiệm hơn 8 tỷ đồng khi áp dụng vào sản xuất.

Đặc biệt, công trình Bộ giải pháp tối ưu hóa năng lượng tiêu hao của Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) cũng đã đạt giải Khuyến khích VIFOTEC từ Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam.

Sáng kiến bao gồm 3 giải pháp: Tối ưu hóa sử dụng chất hấp phụ, điều chỉnh vận hành máy nén RGC, và cải hoán hệ thống sản xuất nitơ, đã giúp tiết kiệm hơn 8 tỷ đồng khi áp dụng vào sản xuất.

Qua đây, PV GAS khẳng định cam kết của công ty trong việc bảo vệ môi trường và quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chuẩn quốc tế.

"Tập thể PV GAS đang nỗ lực đạt được những mốc son mới để phát triển bền vững, mang đến những giá trị thiết thực cho doanh nghiệp và cộng đồng trong năm 2024 cũng như giai đoạn tiếp theo", Chủ tịch HĐQT PV GAS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/pv-gas-gop-phan-kien-tao-tuong-lai-nang-luong-ben-vung-cho-viet-nam-post1494585.html