PVFCCo đồng hành thiết thực cùng nhà nông với chương trình 'Bác sĩ nông học'
Chương trình 'Bác sĩ nông học' được PVFCCo duy trì từ năm 2016 đến nay đã mang lại các lợi ích cho nhà nông, đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Vào những ngày cuối tháng 11/2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, phân bón Phú Mỹ) đã phối hợp với Hội nông dân tại các tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp tổ chức chương trình "Bác sĩ nông học".
Đây là diễn đàn ý nghĩa được Phú Mỹ duy trì từ năm 2016 đến nay nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận kiến thức khoa học, cải thiện hiệu quả sản xuất, đồng thời thúc đẩy mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế. Các chương trình vừa qua đã thu hút sự tham dự của trên 1000 đại biểu là lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương, Trung tâm khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Hội nông dân, chủ nhiệm các hợp tác xã, trang trại, nông dân sản xuất giỏi.
Ban tư vấn – “Bác sĩ nông học” của chương trình là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, gắn liền với bà con nông dân và địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: PGS.TS. Châu Minh Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ - Chuyên gia về cây trồng, thổ nhưỡng nông hóa; PGS.TS. Lê Thanh Toàn - Giảng viên khoa Bảo vệ thực vật, Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ - Chuyên gia về Bảo vệ thực vật; PGS.TS. Nguyễn Khởi Nghĩa - Phó trưởng Khoa Khoa học đất - Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, chuyên gia về đất, dinh dưỡng, cây trồng; Lãnh đạo các đơn vị quản lý chuyên môn địa phương, đại diện lãnh đạo các đơn vị Chi cục Thủy sản, Thú y…
Trong các chương trình, hàng trăm câu hỏi liên quan quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, phân bón, bảo vệ thực vật đã được bà con nông dân các huyện gửi tới các chuyên gia, nhà khoa học thông qua hình thức hỏi - đáp trực tiếp. Ban tư vấn chương trình đã giải đáp mọi thắc mắc của bà con nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chuyên gia còn giới thiệu cho bà con về các loại phân bón, hướng dẫn phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thật - giả cũng như tư vấn giải đáp các vấn đề liên quan hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường đối với các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, các chính sách mới liên quan đến nông nghiệp - nông thôn - nông dân, sản phẩm OCOP, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững cũng được các chuyên gia, cán bộ quản lý nhiệt tình chuyển giao đến bà con nông dân. Anh Lê Phước Tánh, nông dân tại huyện Cao Lãnh, chia sẻ cảm nhận khi tham gia chương trình: "Việc sử dụng phân bón không đạt chuẩn đã khiến tôi vừa mất tiền, vừa mất năng suất. Nhờ tham gia chương trình, tôi đã học được cách nhận biết sản phẩm thật, đảm bảo chất lượng."
Để chuẩn bị chương trình, các “Bác sĩ nông học” cũng biên soạn kỹ lưỡng các tài liệu phù hợp với tập quán sinh hoạt và chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi địa phương. Đây là nguồn tài liệu quý, giúp ích cho bà con nông dân trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi… giúp người nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi phương thức lao động, giảm tải chi phí đầu vào, hạn chế lao động thủ công. Đánh giá về chương trình, ông Lê Văn Chấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đồng Tháp “Chương trình Bác sỹ nông học rất thiết thực, đặc biệt đối với bà con ở vùng sâu, vùng xa – nơi khả năng tiếp cận kiến thức khoa học còn hạn chế. Nhân rộng chương trình này sẽ giúp nông dân cải thiện đời sống và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.”
Với vai trò “sẻ chia thịnh vượng” cùng nông dân vì một nền nông nghiệp bền vững, Phân bón Phú Mỹ luôn nỗ lực để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng nông nghiệp. Chương trình “Bác sĩ nông học” do Phân bón Phú Mỹ tài trợ không chỉ là một chương trình hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần mà còn là một cầu nối quan trọng, giúp nông dân Việt Nam nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy sản xuất và vươn lên mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số.
Những nỗ lực này đã và đang góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả và giàu tiềm năng cho tương lai.