PVN chú trọng thực hiện an toàn, bảo vệ môi trường từ những mũi khoan dầu đầu tiên

Công tác an toàn, bảo vệ môi trường được quan tâm ngay từ khi PVN có hoạt động dầu khí đầu tiên và tiếp tục duy trì, thống nhất trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Đây là một trong những trách nhiệm hàng đầu của tất cả các cấp quản lý...

Sớm nhận thức các vấn đề về an toàn, bảo vệ môi trường, ngay từ khi mới thành lập, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề xuất nhiều giải pháp về công tác an toàn, môi trường trong quá trình hoạt động. Ngay từ những mũi khoan thăm dò đầu tiên được thực hiện năm 1992, trong bối cảnh Việt Nam chưa có Luật Bảo vệ môi trường, Tập đoàn đã chủ động lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hoạt động khoan này. Theo thời gian phát triển, hoạt động của Tập đoàn mở rộng từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Công tác an toàn, môi trường cũng thay đổi, hoàn thiện phù hợp với hoạt động của Tập đoàn.

PVN chú trọng thực hiện an toàn, bảo vệ môi trường từ những mũi khoan dầu đầu tiên

PVN chú trọng thực hiện an toàn, bảo vệ môi trường từ những mũi khoan dầu đầu tiên

Đầu những năm 2000, hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường được xây dựng và áp dụng. Đến nay Tập đoàn là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành Công Thương, đã xây dựng và hoàn thiện Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường đồng bộ từ Tập đoàn tới các đơn vị với những quy định/hướng dẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp luật, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, với đội ngũ cán bộ/tổ chức chuyên trách đáp ứng yêu cầu quản lý, với lực lượng/phương tiện hiện đại để kiểm soát ô nhiễm, phòng chống sự cố chuyên nghiệp, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp/sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động.

Tập đoàn không ngừng nâng cao hệ thống quản lý An toàn sức khỏe môi trường (ATSKMT) của mình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn, có những giải pháp kỹ thuật để hạn chế nguy cơ do hoạt động của mình gây ra; nâng cao các biệp pháp khoa học công nghệ gắn liền với công tác an toàn và môi trường để đảm bảo hoạt động một cách an toàn – hiệu quả. Tập đoàn sẽ áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại trừ hoặc giảm thiểu các rủi ro gây tác hại đối với sức khỏe và tính mạng con người, gây thiệt hại tài sản hoặc môi trường.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã tổ chức bộ máy quản lý công tác ATSKMT thống nhất và xuyên suốt từ Công ty Mẹ đến các đơn vị cơ sở, do một Phó Tổng giám đốc Tập đoàn trực tiếp điều hành. Ban Công nghệ An toàn Môi trường được tổ chức thành 04 phòng: Phòng Khoa học Công nghệ, Phòng Bảo vệ môi trường, Phòng An toàn và Sức khỏe lao động; và Văn phòng trực Tình huống khẩn cấp.

Các đơn vị cơ sở đều thành lập phòng/bộ phận ATSKMT và phân công cán bộ chuyên trách. Công tác ATSKMT tại các tổ đội thuộc nhiệm vụ của các cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh viên. Số lượng cán bộ làm công tác ATSKMT trong toàn Tập đoàn khoảng 700 người. Tập đoàn thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành, huấn luyện nâng cao kiến thức về ATSKMT cho các đơn vị; tổ chức trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý ATSKMT giữa các đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng đến các nội dung: nâng cao kiến thức về công tác ATSKMT, đào tạo xây dựng đội ngũ tư vấn và tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đơn vị thành viên cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về ATSKMT cho người sử dụng lao động, cán bộ ATSKMT và người lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Các khóa đào tạo tăng dần cả về số lượng, chất lượng, thời lượng và đa dạng về hình thức qua các năm đã góp phần nâng cao ý thức của người cán bộ quản lý và người lao động về công tác BVMT, đảm bảo ATSKMT trong các hoạt động của Tập đoàn.

Có thể nói, công tác ATSKMT luôn phát triển, đồng hành với sự phát triển của Tập đoàn và liên tục được đổi mới. Trải qua quá trình phát triển, với mục tiêu ban đầu tuân thủ các quy định pháp luật về ATSKMT, tới nay công tác ATSKMT đã vươn lên một tầm cao mới, không chỉ đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, Tập đoàn còn đang tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế về công tác này, được các đối tác nước ngoài đánh giá cao.

Đến nay, công tác ATSKMT đã đạt được những thành tựu nhất định. Để phù hợp hoạt động hiện nay, trong bối cảnh nhiều khó khăn do phải triển khai các dự án ở vùng nước sâu, xa bờ, giá dầu giảm, các công trình dầu khí đã vận hành trong thời gian dài, công tác ATSKMT được thay đổi, tập trung vào các nội dung: Quản lý an toàn sức khỏe; Quản lý an toàn công nghệ; Phòng cháy chữa cháy; Bảo vệ môi trường; Ứng phó với điều kiện thiên tai; ứng cứu sự cố và Phát triển bền vững.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/pvn-chu-trong-thuc-hien-an-toan-bao-ve-moi-truong-tu-nhung-mui-khoan-dau-dau-tien-574287.html