PVN sẵn sàng cung cấp khí cho dự án nhiệt điện Ô Môn II
Khi Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn II đi vào hoạt động sẽ sản xuất bình quân khoảng 6.300GWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẵn sàng cung cấp khí cho dự án này.
Ký thỏa thuận cung cấp khí
Dự án NMNĐ Ô Môn II do liên danh Marubeni Corporation (Nhật Bản) và Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (WTO) làm nhà đầu tư, có tổng mức đầu tư sơ bộ 30.560 tỷ đồng. Trong đó, dự án có kế hoạch vay thương mại 24.443 tỷ đồng, tương đương 80% tổng mức đầu tư. Được biết, đã có 4 ngân hàng đến từ Nhật Bản có thư xác nhận quan tâm tới Dự án. Tuy nhiên, quyết định tài trợ sẽ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện do ngân hàng nước ngoài yêu cầu.
Dự án NMNĐ Ô Môn II đang được khởi động lại một cách mạnh mẽ. Mới đây nhất, PVN đã ký kết với đối tác là nhà đầu tư dự án trên thỏa thuận khung hợp đồng bán khí cho dự án. Theo PVN, khí cung cấp cho dự án này sẽ được cung cấp bởi dự án khí Lô B. Theo đó, tiến độ nhận khí của NMNĐ Ô Môn II sẽ đồng bộ với tiến độ phát triển mỏ của Dự án khí Lô B.
Cụ thể, theo PVN, mỏ khí Lô B nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400km, với độ sâu nước biển khoảng 77m.
Toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cung cấp khí cho các NMNĐ Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810MW). Trong giai đoạn bình ổn nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỷ kWh điện, đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Dự án NMNĐ Ô Môn II có quy mô công suất thiết kế khoảng 1.050MW. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026-2027, phù hợp với tiến độ Dự án khí Lô B.
Theo tính toán, khi NMNĐ Ô Môn II đi vào hoạt động sẽ sản xuất bình quân khoảng 6.300GWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, nhà máy còn giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.
PVN sẽ sớm triển khai dự án Lô B
Việc NMNĐ Ô Môn II có được vận hành khai thác thương mại vào năm 2026-2027 hay không còn phụ thuộc vào dự án khí Lô B của PVN. Theo tìm hiểu, chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn đã chậm tiến độ hơn 10 năm nay. Ngày 4/1/2023, Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí đã có kết luận đốc thúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PVN và các đơn vị liên quan sớm khởi động lại dự án Lô B.
Hiện PVN đang nỗ lực thực hiện các thủ tục để triển khai dự án này. “Những vướng mắc cơ bản của dự án đã được tháo gỡ”, đại diện PVN nói và cho biết, PVN là đơn vị nắm giữ gần 42,9% vốn dự án này và là nhà điều hành chuỗi dự án. Đơn vị này mới đây đã được Chính phủ yêu cầu thống nhất với các nhà đầu tư khác để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Quyết định đầu tư cuối cùng” vào tháng 6/2023. Sau khi hoàn tất các đàm phán, thỏa thuận thương mại thì dự án sẽ chuyển sang giai đoạn thi công. Việc này nhằm đạt mục tiêu dự án khí lô B có dòng khí đầu tiên vào quý IV/2026 – đúng thời điểm dự kiến dự án NMNĐ Ô Môn II đi vào vận hành thương mại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc PVN, PVN coi việc đưa Dự án Lô B vào khai thác là nhiệm vụ rất quan trọng và cần được triển khai mạnh mẽ trong năm 2023. Việc phát triển Dự án Lô B là cơ sở để NMNĐ Ô Môn II có thể hoạt động. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán chi tiết với đối tác để hoàn tất hợp đồng bán khí cho NMNĐ Ô Môn II trong năm 2023” - ông Hùng cho biết.
Dự án khí 11 tỷ USD
Dự án phát triển mỏ khí Lô B được dự tính có trữ lượng khí thu hồi ước tính 107 tỷ m3 trong 20 năm, tổng chi phí hơn 11 tỷ USD và cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (Cần Thơ). Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí tại mỏ này được ký năm 1996 và 1999.
Năm 2015, PVN đã mua lại tài sản của Chevron, sau khi tập đoàn này rút lui khỏi dự án. Các đối tác tham gia ban đầu trong dự án phát triển khí Lô B là MOECO (Nhật Bản, chiếm gần 22,6% vốn), Chevron (Mỹ), Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP, đơn vị của PVN xấp xỉ 26,8%) và Công ty Dầu khí Thái Lan (PTTEP, hơn 7,74%). Hiện nay, với việc đã mua lại của Chevron, PVN nắm gần 42,9% vốn dự án.