PVS: Thấy trước lợi nhuận 338 triệu USD nhưng cần 70.000 tỷ để đầu tư

Theo kế hoạch tài chính giai đoạn 2024 - 2030, TCT CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) cần 70.640 tỷ đồng để tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển dự án.

PVS cần 70.000 tỷ vốn để đầu tư

PVS cần 70.000 tỷ vốn để đầu tư

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) mới đây đã công bố tài liệu cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 17/6 tới.

Về kế hoạch kinh doanh, PVS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 15.500 tỷ đồng, giảm gần 29% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 660 tỷ đồng, giảm gần 38%.

Một số tổ chức tài chính đánh giá rằng kế hoạch kinh doanh này là “tương đối thận trọng” so với triển vọng hiện tại của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.

Kết thúc quý 1/2024, doanh thu thuần của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đạt 3.710 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 305 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, tổng công ty đã hoàn thành 24% mục tiêu doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận cả năm theo kế hoạch đề ra.

Hội đồng Quản trị PVS đề xuất mức cổ tức cho năm 2024 là 7%, tương đương 700 đồng cho mỗi cổ phiếu. Với gần 478 triệu cổ phiếu đang niêm yết, PVS dự kiến trích hơn 334 tỷ đồng từ ngân sách để phân phối lợi nhuận cho cổ đông.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, PVS dự kiến trình cổ đông về việc sáp nhập Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khảo sát và Công trình ngầm PTSC (KSCTN).

KSCTN là công ty con do PVS sở hữu 100% vốn điều lệ (300 tỷ đồng), chuyên cung cấp dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình, công trình ngầm và các công việc liên quan đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, nhu cầu về dịch vụ khảo sát và công trình ngầm trong ngành dầu khí trong nước đã giảm mạnh. Cùng với biến động giá dầu và xung đột địa chính trị, các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty KSCTN.

PVS đề xuất giải pháp chấm dứt hoạt động độc lập của KSCTN và chuyển sang hoạt động dưới hình thức chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, tuân thủ quản lý trực tiếp và hệ thống quản lý chung của PVS.

Việc này đảm bảo hoạt động của chi nhánh được hỗ trợ bởi các nguồn lực bao gồm tài chính, năng lực tổng hợp, đối tác và thương hiệu của PVS. Đồng thời, PVS sẽ có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính, sản xuất kinh doanh, đầu tư vào trang thiết bị và phương tiện, hợp tác và phát triển,...

Ban lãnh đạo của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, công ty đã thành công trong việc giành được nhiều gói thầu lớn trong các dự án phát triển mỏ khí Lô B - Ô Môn, dự án chế tạo chân đế điện gió và trạm biến áp ngoài khơi thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, công ty cũng đã tham gia chào thầu và dự kiến sẽ đạt được kết quả tích cực đối với các dự án lớn khác trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Hơn nữa, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng dự định tiếp tục tham gia dự án đầu tư và xây dựng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nhằm xuất khẩu điện sạch sang Singapore qua hệ thống tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển.

 Kế hoạch đầu tư của PVS trong tài liệu ĐHĐCĐ 2024

Kế hoạch đầu tư của PVS trong tài liệu ĐHĐCĐ 2024

 Kế hoạch đầu tư của PVS trong tài liệu trình ĐHĐCĐ tổ chức ngày 17/6/2024

Kế hoạch đầu tư của PVS trong tài liệu trình ĐHĐCĐ tổ chức ngày 17/6/2024

Hồi đầu tháng 6, PTSC M&C - công ty con của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, nắm 100% vốn, đã thành công trong việc giành được hợp đồng Tổng thầu EPCIC cho dự án phát triển mỏ dầu Lạc Đà Vàng ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Khối lượng công việc bao gồm các giai đoạn từ thiết kế chi tiết, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối đến chạy thử cho Giàn xử lý trung tâm LDV-A, với phần thượng tầng nặng hơn 6.000 tấn và phần chân đế, cọc có khối lượng hơn 5.000 tấn.

Mặc dù không tiết lộ chi tiết hợp đồng, nhưng theo đánh giá của các tổ chức tài chính hiện tại, giá trị ước tính cho hợp đồng của giàn xử lý trung tâm và các công trình phụ trợ tại dự án mỏ Lạc Đà Vàng là hơn 100 triệu USD.

PVS cần một nguồn vốn lớn để phục vụ các gói thầu và dự án đã đề cập trong giai đoạn 2024-2030. Theo kế hoạch được công bố, để tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển dự án, tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 70.640 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu về vốn chủ sở hữu của PVS là 17.641 tỷ đồng, bao gồm 4.720 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2025 và 12.921 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030.

Trong giai đoạn này, PVS dự kiến sẽ sử dụng các nguồn lực nội bộ như sau: lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 3.586 tỷ đồng, thu hồi các khoản đầu tư dài hạn khoảng 776 tỷ đồng, nguồn từ khấu hao 5.100 tỷ đồng, các khoản phân bổ tài sản dài hạn khác 689 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu chưa sử dụng để đầu tư là 1.149 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023.

 Kế hoạch sử dụng nguồn lực của PVS trong tài liệu trình ĐHĐCĐ năm 2024

Kế hoạch sử dụng nguồn lực của PVS trong tài liệu trình ĐHĐCĐ năm 2024

Theo tính toán của PVS, doanh nghiệp cần rót thêm khoảng 8.919 tỷ đồng vào vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2024-2030.

Hiện phương án cụ thể để gia tăng vốn chủ sở hữu vẫn chưa được PVS lên kế hoạch, tuy nhiên, doanh nghiệp đang xem xét các phương án như không chi cổ tức bằng tiền và sử dụng toàn bộ lợi nhuận hàng năm (sau khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi và thưởng ban điều hành) để bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển; thực hiện phát hành cổ phiếu để huy động vốn, và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, …

Quỳnh Ái

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/pvs-thay-truoc-loi-nhuan-338-trieu-usd-nhung-can-70000-ty-de-dau-tu-213733.html