QR code công dân
Mỗi người dân Đà Nẵng có một mã QR (QR code) duy nhất theo chuẩn quốc gia, đại diện cho hồ sơ công dân số, để sử dụng trong các giao dịch thực hiện hằng ngày.
Thông tin trên được Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng ngày 13-9 cho biết, sau một thời gian thí điểm nền tảng công dân số My Portal.
Theo mô tả thì thấy rất tiện lợi cho người dân lẫn chính quyền, cụ thể: với QR code cá nhân, người dân sử dụng cho các hoạt động và dịch vụ vào/ ra nơi làm việc, thực hiện các dịch vụ công, thanh toán tiền điện/ nước, chi trả phí dịch vụ môi trường, y tế, giáo dục, ngân hàng. Thông tin được bảo mật theo mô hình 4 lớp do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, xác thực đăng nhập sử dụng qua OTP.
Bước đi mới của Đà Nẵng là một cột mốc quan trọng trên lộ trình thực hiện chuyển đổi số của thành phố này. My Portal không chỉ vận hành đồng thời tại hai địa chỉ web mà còn tích hợp trên app DaNang Smart City, dễ sử dụng khi mà thời nay hầu như ai cũng đã sở hữu điện thoại thông minh, thao tác thành thạo trên các nền tảng số.
Thiết lập chính quyền số, triển khai một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến… là những phần việc mà các tỉnh, thành đang triển khai nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Phương châm hành động là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển, sự đổi mới và quyết tâm từ các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án này. Nhưng thực tế cho thấy không phải bộ, ngành nào cũng chuyển đổi nhanh, kịp thời; không phải tỉnh, thành nào cũng sốt sắng thực hiện. Có tình trạng "từ từ tính" hoặc nhìn nhau mà làm. Do vậy, chuyển động của Đà Nẵng có thể là cú hích, là lực đẩy thúc kéo nhiều địa phương khác tăng tốc chuyển đổi số.
Giảm phiền hà cho người dân, thêm thuận lợi cho doanh nghiệp, bạch hóa trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ thông qua số hóa, cụ thể như cách làm của Đà Nẵng - chỉ cần với một QR code công dân - thì không riêng địa phương này mà rồi đây các tỉnh - thành khác cũng đều có thể làm được. Nhưng bên cạnh tiện lợi thì một vấn đề khác phải tính tới, ngay từ đầu, đó là an toàn thông tin. Làm thế nào để thông tin cá nhân của công dân không bị lộ, lọt gây nhiều hệ lụy? Chẳng hạn, khi mọi dữ liệu cá nhân được tích hợp trong code, như số CCCD, ngày tháng năm sinh, sinh trắc học, tài khoản ngân hàng, sổ bảo hiểm mà lọt vào tay kẻ xấu thì có thể bị lợi dụng để kê khai hồ sơ doanh nghiệp "ma", hack tài khoản chiếm đoạt tiền… Nguy cơ này dễ xảy ra trong thực tế vì không phải công dân nào cũng có đủ ý thức và kiến thức, kỹ năng về bảo mật; các trang web và nền tảng còn nhiều lỗ hổng trong khi thủ đoạn của tội phạm mạng ngày càng tinh vi.
Đừng để khi trở thành công dân số rồi lại phải nhọc nhằn ứng phó với mặt trái của số hóa hoặc gánh chịu hậu quả tai hại từ bọn tin tặc!
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/qr-code-cong-dan-20220913222806418.htm