Qua 1 tháng triển khai xác thực sinh trắc học giao dịch chuyển tiền

Xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền là giải pháp công nghệ, tiện ích tiện lợi và hiệu quả nhằm phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng, người dân trên không gian mạng. Thực hiện tốt giải pháp này không chỉ là trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ, các tổ chức tín dụng (TCTD), cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của khách hàng.

Nhân viên Vietcombank Nam Định hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền.

Nhân viên Vietcombank Nam Định hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền.

Thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán bằng thẻ ngân hàng, kể từ ngày 1/7/2024, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học (bằng thông tin khuôn mặt) bao gồm: Chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản/chuyển tiền liên ngân hàng trong nước/nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; Chuyển tiền ra nước ngoài; Thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định, khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng. Nếu thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học có thay đổi, khách hàng cần cập nhật bổ sung (không hạn chế số lần cập nhật). Đồng thời, Chi nhánh lưu ý khách hàng, chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng VCB Digibank hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo. Để hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học trên VCB Digibank, trong tháng 7/2024, Chi nhánh đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên tại hội sở chính và 3 phòng giao dịch Ý Yên, Hải Hậu, Giao Thủy tích cực thực hiện làm việc ngoài giờ hành chính từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ để phục vụ khách hàng. Ngoài ra, nhân viên Vietcombank Nam Định còn tăng cường làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để hỗ trợ khách hàng một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng trong hệ thống được thông suốt. Qua hơn 1 tháng triển khai thực hiện Quyết định 2345, Chi nhánh đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học cho 26 nghìn khách hàng. Với các nền tảng sẵn có và việc chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời, Vietcombank Nam Định đã phục vụ khách hàng cập nhật và xác thực bằng sinh trắc học thuận tiện, giúp khách hàng giao dịch trực tuyến an toàn, đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chị Trần Thị Thu, chủ cửa hàng nội thất Thanh Tâm trên đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện nay, cửa hàng chủ yếu thực hiện giao dịch chuyển khoản trực tuyến, trong đó, có nhiều giao dịch thanh toán trên 10 triệu đồng. Do đó, khi biết quy định mới về nhận diện khuôn mặt để bảo đảm an toàn khi thực hiện các giao dịch này, tôi đã nhanh chóng đến trụ sở Vietcombank Nam Định để thao tác cài đặt. Sau khi cài đặt thành công tôi cảm thấy an tâm hơn mỗi khi giao dịch chuyển khoản trong bối cảnh tình trạng tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang ngày càng gia tăng”.

Trong tháng 7/2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo người dân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: pa-nô, áp phích, website, ứng dụng điện thoại thông minh để người dân hiểu, hưởng ứng cùng đồng hành với ngân hàng. Đồng thời, huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên trực làm việc cả ngày cuối tuần để kịp thời phục vụ nhu cầu khách hàng. Tính đến hết ngày 29/7/2024, theo số liệu báo cáo của 20/25 ngân hàng trên địa bàn, số khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công là 251.185 khách hàng trên tổng số hơn 1,322 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển tiền trực tuyến.

Theo chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay) là một lớp xác thực bổ sung bên cạnh lớp xác thực hiện tại bằng tin nhắn OTP (SMS OTP) hoặc Smart OTP (khi thực hiện giao dịch với giá trị theo quy định, khách hàng phải xác thực sinh trắc học thành công mới có thể tiếp tục chuyển tiếp sang bước xác thực bằng SMS OTP hoặc Smart OTP). Việc triển khai Facepay giúp gia tăng công cụ để bảo vệ khách hàng trước các diễn biến phức tạp của tình trạng gian lận lừa đảo, đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Với việc áp dụng Facepay, kể cả trong trường hợp dùng thủ đoạn đánh cắp thông tin của khách hàng thì kẻ gian lừa đảo cũng khó có khả năng thực hiện hành vi tẩu tán tài sản thông qua việc chuyển tiền giá trị lớn sang các tài khoản khác. Do đó, Facepay sẽ góp phần quan trọng giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Bên cạnh đó, với yêu cầu phải xác thực khuôn mặt cho một số giao dịch giá trị lớn, ngoài việc hạn chế tối đa rủi ro tội phạm chiếm đoạt tài khoản khách hàng thì còn giúp các ngân hàng “dọn dẹp” các tài khoản “ảo”, tài khoản “rác” gây khó khăn cho các ngân hàng trong công tác quản lý tài khoản khách hàng. Thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp Căn cước công dân mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển nhượng lại cho các đối tượng này sử dụng. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố… Vì thế, việc thực hiện quy định phải xác thực khuôn mặt với giao dịch giá trị lớn tuy chưa “quét” được hết với các giao dịch giá trị nhỏ, nhưng cũng đã hạn chế đáng kể tình trạng lạm dụng tài khoản “rác”. Qua đó, các tài khoản “rác” nếu vốn tồn tại thì cũng sẽ chỉ chuyển được các món tiền giá trị nhỏ, sẽ khó lạm dụng cho các hoạt động lừa đảo, phi pháp có tính chất nghiêm trọng. Đây là bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, từ đó tạo dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sâu rộng và bền vững.

Thời gian tới, các TCTD tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thực hiện xác thực sinh trắc học, mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đảm bảo hệ thống giao dịch chuyển tiền trực tuyến thông suốt, an toàn, bảo mật.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/qua-1-thang-trien-khai-xac-thuc-sinh-trac-hoc-giao-dich-chuyen-tien-c422407/