'Quả bom nổ chậm' đe dọa hàng loạt quốc gia giàu có
Xu hướng tỷ lệ sinh sụt giảm - được ví như quả bom nổ chậm' - đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Cơn sóng thần “màu bạc” ở Italy, tỷ lệ sinh giảm trong giới trẻ Hàn Quốc, dân số tại Trung Quốc thu hẹp dần… Các quốc gia xuất hiện trong những bài báo trên đều đang đối mặt với chung một vấn đề. Đó là khủng hoảng nhân khẩu học.
Và cuộc khủng hoảng đó không chỉ gói gọn trong 3 nước này. Theo New York Times, trong số 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ có 2 quốc gia - Israel và Mexico - có tổng tỷ lệ sinh ở mức sinh thay thế.
Mức sinh thay thế là mức mà tại đó số trẻ mới sinh đủ để duy trì dân số ổn định.
Theo cuốn sách “8 Billion and Counting: How Sex, Death and Migration Shape Our World” của nhà nhân khẩu học Jennifer Sciubba, trong khi dân số toàn cầu vẫn đang tăng lên do nhiều quốc gia có “dân số trẻ và tăng nhanh”, vào cuối thế kỷ, “70% các nước phát triển và 65% các nước kém phát triển sẽ có dân số giảm”.
Xu hướng mới
Bà Sciubba, thành viên của tổ chức nghiên cứu độc lập Wilson Center, giải thích có một mô hình chung mà các xã hội tuân theo trong lịch sử. Khi thu nhập và chất lượng cuộc sống tăng lên, con người chuyển “từ sinh nhiều, chết nhiều sang sinh ít hơn, tuổi thọ cao hơn”.
Xu hướng này có thể thấy trong giai đoạn trước đây, khi các gia đình giảm từ 5-6 con xuống còn 2-3 con/hộ.
Theo bà Sciubba, xu hướng mới là mức sinh siêu thấp mà chúng ta đang chứng kiến ở các quốc gia giàu có, vì phụ nữ nhìn chung bắt đầu muốn sinh con muộn hơn. Họ muốn có ít con hơn và không muốn có nhiều con.
Kết quả là tốc độ già hóa dân số ở các quốc gia này khá nhanh. Trong cuốn sách của mình, bà Sciubba lưu ý: “Vào năm 2020, độ tuổi trung bình của các nước phát triển là 42”, tăng từ 29 vào năm 1950.
Sciubba nói lý do khiến chúng ta thấy nhiều phương tiện truyền thông chú ý hơn đến chủ đề này là vì nhiều người đang nhận thức được thực tế rằng đây không phải là sự tình cờ và không chỉ ảnh hưởng đến một số quốc gia.
“Đây là một hiện tượng lâu dài và toàn cầu”, bà lập luận.
Trên thực tế, tỷ lệ sinh giảm ở các quốc gia phát triển thường được coi là một cuộc khủng hoảng do cách thức cấu trúc của nền kinh tế.
Ở Mỹ, ít người trong độ tuổi lao động đóng tiền An sinh xã hội khiến hệ thống của nước này kém bền vững hơn. Ít người Mỹ trong độ tuổi lao động hơn cũng có nghĩa là có khả năng thiếu người chăm sóc cho dân số già.
Trong khi đó, tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh của Hàn Quốc trong 3 thập kỷ qua đã đặt áp lực lên hệ thống hưu trí của quốc gia này, theo Nikkei Asia.
Như bà Sciubba viết, có 4 lựa chọn để khắc phục vấn đề này: “tăng nhập cư, tăng tuổi nghỉ hưu, cắt giảm trợ cấp hoặc giúp thêm người đang ở trong nước có việc làm”.
Hầu hết giải pháp đều không khả thi về mặt chính trị. Pháp là một minh chứng tiêu biểu. Đầu năm nay, hơn 1 triệu người Pháp đã biểu tình trên đường phố Paris và các thành phố khác trong bối cảnh toàn quốc đình công phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, AP đưa tin.
Trong bối cảnh đó, nhiều bài viết về “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học” này cho rằng giải pháp khả thi nhất là để công dân của các quốc gia trên sinh thêm con.
Đi tìm giải pháp
Một số quốc gia đã đưa ra các chính sách thân thiện với gia đình nhằm giúp tăng tỷ lệ sinh.
Trong số đó bao gồm Hungary, quốc gia có khoảng 10 triệu người, gần bằng dân số của bang Michigan hoặc Bắc Carolina ở Mỹ.
Vào tháng 12/2022, cố vấn về các vấn đề chính trị của thủ tướng Hungary, ông Balazs Orban, viết trên Twitter rằng: "Phụ nữ làm mẹ trước 30 tuổi sẽ được miễn nộp thuế thu nhập cá nhân".
Động thái này nằm trong một loạt sáng kiến nhằm tăng số lượng trẻ sơ sinh Hungary. Những sáng kiến khác bao gồm cho phép các bà mẹ có 4 con trở lên được miễn thuế vĩnh viễn, kế hoạch trả nợ thế chấp cho gia đình có 2 con trở lên và chương trình trợ cấp cho gia đình đông người mua ôtô 7 chỗ.
Theo nhà ngoại giao Hungary Andras Doncsev, chính phủ nước này đang chi tiêu hơn 5% GDP để hỗ trợ các gia đình.
Ông cho biết Hungary đang chi số tiền cho gia đình gấp 3 lần so với quân đội.
Tuy nhiên, bà Sciubba lưu ý rằng dù đã đưa ra những lợi ích đi kèm và tỷ lệ sinh ở Hungary tăng từ 1,2 lên 1,5, con số này vẫn còn cách xa mức sinh thay thế. Một quốc gia phải đạt tỷ lệ sinh 2,1 để đảm bảo dân số tăng trưởng ổn định.
Theo bà Sciubba, Hungary chỉ đơn thuần là “quản lý để nâng mức sinh siêu thấp của mình lên mức sinh thấp bình thường”.
Trong cuộc trò chuyện với New York Times, bà cũng nhận định dường như khi tỷ lệ sinh của một quốc gia rơi xuống dưới mức sinh thay thế, cho dù có bao nhiêu chính sách thân thiện với gia đình được ban hành, thì nó cũng không thể phục hồi trở lại.
“Tôi nghĩ chúng ta cần tìm hiểu thêm về điều này”, bà nói.
Về cốt lõi, theo nhà nghiên cứu của Wilson Center, dường như không có khoản hỗ trợ tài chính bổ sung nào có thể khiến một người không muốn sinh con thay đổi ý định.
Một số người không muốn trở thành cha mẹ khi họ được phép đưa ra lựa chọn và đó không phải là điều có thể thay đổi.
Trong trường hợp đó, biện pháp khả thi hơn là khuyến khích những người đã là cha mẹ sinh con thứ 2,3 trong điều kiện tốt hơn, hoặc khuyến khích lập gia đình sớm để có nhiều thời gian sinh thêm con.
Điều đó không có nghĩa là chính sách thân thiện với gia đình - bao gồm nghỉ phép có lương - không quan trọng.
Trong thời gian tới, việc giữ cho phụ nữ trong độ tuổi lao động gắn với lực lượng lao động là một phần quan trọng để đảm hệ thống kinh tế hoạt động tốt.
Như bà Sciubba đã chỉ ra, nếu một người phụ nữ mất việc khi có con, cô ấy sẽ không đóng tiền cho An sinh xã hội và đất nước sẽ tự “loại bỏ nguồn nhân lực lớn khỏi lực lượng lao động”.
Nhưng nếu một phụ nữ vừa có thể bổ sung thêm dân số, vừa tham gia lực lượng lao động, điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho toàn xã hội. Các chính sách thân thiện với gia đình cũng có xu hướng làm cho công dân hạnh phúc hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-bom-no-cham-de-doa-hang-loat-quoc-gia-giau-co-post1406116.html