'Quả chuối dán tường' đã bán được 6,2 triệu USD
Tác phẩm nghệ thuật 'chuối dán tường', với tên gọi 'Comedian' (Diễn viên hài), đã được bán với giá 6,2 triệu USD trong một buổi đấu giá của Sotheby's vào ngày 20/11.
Buổi đấu giá hôm 20/11 kết thúc trong 5 phút. Trong số 7 người tham gia, doanh nhân tiền điện tử người Trung Quốc Justin Sun đưa ra mức giá cao nhất, New York Times đưa tin.
Quả chuối là “ngôi sao” trong tác phẩm nghệ thuật mang tính khái niệm của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan. Với số tiền bỏ ra, người trả giá cao nhất sẽ nhận được một cuộn băng keo và một quả chuối, cũng như giấy chứng nhận và hướng dẫn lắp đặt tác phẩm để chủ sở hữu thay thế quả chuối khi nó bị thối.
Các chuyên gia nhận định động thái này cho thấy dù thị trường đang gặp khó khăn, người mua vẫn sẽ sẵn sàng chi cho những tác phẩm mang tính biểu tượng.
"Lợi nhuận trên thị trường đi ngang hoặc giảm trong thập niên qua", Michael Moses - người theo dõi tiềm năng đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật - cho biết. "Đây là tài sản hấp dẫn vì bạn có thể nhận được rất nhiều niềm vui từ nó đến mức mọi người sẵn sàng chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn. Niềm vui không phải thứ để đùa giỡn".
Sun cho biết tác phẩm “đại diện cho một hiện tượng văn hóa kết nối thế giới nghệ thuật, meme và cộng đồng tiền điện tử". Vị doanh nhân này nói thêm “trong những ngày tới, tôi sẽ đích thân ăn quả chuối như một phần của trải nghiệm nghệ thuật độc đáo này, tôn vinh vị trí của nó trong cả lịch sử nghệ thuật và văn hóa đại chúng”.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Sun dự đoán kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và giá trị tiền điện tử tăng, “cộng đồng tiền điện tử sẽ mạnh tay mua các tác phẩm nghệ thuật”.
Châm biếm hay nghệ thuật?
Ông Sun đã chi hàng triệu USD cho nghệ thuật truyền thống và kỹ thuật số. Bộ sưu tập của doanh nhân này có một tác phẩm điêu khắc năm 1947 của Alberto Giacometti mua đấu giá 78,4 triệu USD vào năm 2021, cũng như một NFT đá thú cưng gần 600.000 USD.
Ông Moses - nhà phân tích tài chính - cho biết việc mua “chuối dán tường” là canh bạc rủi ro xét về góc độ đầu tư, bởi ít tác phẩm nghệ thuật nào gây sốc chứng kiến lợi nhuận tích cực trong các lần đấu giá tiếp theo.
“Chuối dán tường” lần đầu xuất hiện tại sự kiện Art Basel Miami Beach, nơi Phòng trưng bày Perrotin bán 3 phiên bản với giá 120.000-150.000 USD/phiên bản. Tác phẩm thu hút sự chú ý tới mức phòng trưng bày phải gỡ quả chuối xuống sau khi nghệ sĩ David Datuna lấy chuối và ăn ngay tại chỗ. Tại Sotheby's, tác phẩm được định giá 1-1,5 triệu USD, nhưng cuối cùng được bán với giá cao gấp 6 lần ước tính ban đầu.
Tác phẩm trở thành hiện tượng truyền thông, thậm chí còn xuất hiện trên trang bìa tờ New York Post. Một số nhà phê bình đã phân tích ý nghĩa của “chuối dán tường”. Viết trên tờ The New York Times, cây bút Jason Farago giải thích tên gọi “Diễn viên hài” mang tính mỉa mai, “vì ông Cattelan, giống tất cả chú hề giỏi nhất, là một bi kịch gia, người làm cho những điều chúng ta tin chắc trơn trượt như vỏ chuối”.
Khi đó, ông Cattelan cho biết ý tưởng hình thành tác phẩm như cú châm biếm nhắm vào sự đầu cơ trên thị trường, với câu hỏi: “Dựa trên cơ sở nào một vật thể có được giá trị trong hệ thống nghệ thuật?”.
Hồi năm 2016, người nghệ sĩ 64 tuổi này từng thiết kế một chiếc bồn cầu bằng vàng 18-carat có tên "America", trưng bày ở Bảo tàng Blenheim, Anh. Ông là người thường chỉ trích thị trường nghệ thuật khi cho rằng các buổi đấu giá không công bằng với các nghệ sĩ.
“Điều khiến tôi bận tâm là sau lần bán đầu tiên, nghệ sĩ không còn được hưởng lợi khi tác phẩm đổi chủ”, ông Cattelan chia sẻ. “Các nhà đấu giá và nhà sưu tập được hưởng lợi, trong khi người sáng tạo, người tạo ra chính tác phẩm thúc đẩy thị trường, lại bị bỏ lại phía sau".
Quả chuối giá 35 xu
Quả chuối tại buổi đấu giá của Sotheby’s tối 20/11 được mua vào đầu ngày tại một quầy trái cây gần đó ở Upper East Side, Manhattan với giá 35 xu. Chủ cửa hàng là một người đàn ông đến từ Bangladesh, chia sẻ rằng ông không biết quả chuối đã được bán lại với giá gấp hàng nghìn lần giá gốc.
“Tôi cá đội ngũ nhân viên Sotheby’s không thể ngừng nghe những câu chuyện cười xoay quanh quả chuối và giả vờ như đây là lần đầu họ nghe thấy”, cố vấn nghệ thuật David Norman cho biết. “Chuyện này hẳn phải đau đớn lắm!”.
Đầu tháng 11, “Comedian” cũng thu hút sự chú ý của Michael Bouhanna - Giám đốc điều hành Sotheby’s - khi ông phát hành ẩn danh một loại tiền điện tử được đặt tên theo tác phẩm nghệ thuật châm biếm này. Một số người cáo buộc ông sử dụng thông tin nội bộ để hưởng lợi về mặt tài chính khi đồng token tăng giá.
Ông Bouhanna phủ nhận những cáo buộc này, khẳng định “đã phát hành token ẩn danh, không liên kết với hồ sơ cá nhân hoặc các mối quan hệ chuyên môn”.
Hai người đàn ông đã đầu tư 2,5 triệu USD. Một người gọi tác phẩm này là “ý tưởng ai cũng có thể ủng hộ” và có ý định tặng cho tỷ phú Elon Musk.
“Bản chất khái niệm của tác phẩm nghệ thuật này đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng sưu tập truyền thống lẫn cộng đồng tiền điện tử”, Karina Sokolovsky - phát ngôn viên của Sotheby - chia sẻ. “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu thanh toán bằng tiền điện tử từ những người đấu giá tiềm năng”.