Quà của đất trời

Khi đất trời đã sang xuân, không còn những cơn gió bấc lạnh lẽo lướt qua là báo hiệu mùa đót đã về. Trên khắp vùng đồi, len giữa cỏ cây là hàng triệu triệu thân đót còn lóng lánh sương mai vẫy nụ đón ánh nắng mùa xuân như đang chờ con người đến để giúp chúng hóa thân.

Trẻ em Tây Nguyên đi hái đót về bán. Ảnh: Đinh Dũng

Trẻ em Tây Nguyên đi hái đót về bán. Ảnh: Đinh Dũng

Cây đót có tên khoa học là Thysanolaena latifolia, nhiều vùng ở nước ta còn gọi đót là cây chít. Chúng có nguồn gốc ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Đót rừng thuộc họ lúa, giống sậy và lau, là loại cỏ sống lâu năm dạng búi, rất khỏe. Thân đót xốp to đường kính khoảng 5-8 mm, rắn chắc, mọc thẳng hoặc hơi xòe, cao đến hơn 3 mét. Bẹ lá có lông dọc mép ngoài, phiến lá hình mũi mác tương đối to, dài 35-60 cm và rộng 3-7,5 cm. Chùy hoa ở ngọn, mềm, lúc đầu dựng đứng rồi mọc tỏa ra dài 30-60 cm có nhánh mịn và rất nhiều. Bông nhỏ rất nhiều gồm nhiều cọng nhỏ, hình dải thuôn, dài 1-1,5 mm, chụm lại với nhau. Quả thóc nhỏ thuôn, hình cầu, nằm trong những mày nhỏ cứng. Đót có mặt hầu khắp các địa phương trên cả nước nhưng nhiều nhất vẫn là khu vực Tây Nguyên. Vào cuối năm, chúng nở rộ trên khắp các cánh rừng, triền đồi, khe suối, rẫy nương và cả trên các bờ đất vườn cà phê, vườn điều.

Bông đót. Ảnh: Văn Thanh

Bông đót. Ảnh: Văn Thanh

Sức sống của cây đót thật mãnh liệt. Giữa bao nhiêu cỏ cây mọc kín trên đất đồi, giữa rừng le dày như ma trận mà chúng vẫn len lỏi vươn lên, hay ngay trên các nương rẫy cũ đã bị đốt cháy, bạc màu, cây đót vẫn lặng lẽ sinh trưởng âm thầm trả lại màu xanh cho đất rừng. Như quy luật của tự nhiên, qua một mùa mưa, cây cối hoa lá lại phục hồi, sinh sôi trở lại, đến khi những bông hoa dã quỳ cuối mùa sẫm màu không còn vàng rực nữa thì cây đót bắt đầu lú nhú ra hoa. Xuân đã đến gần, những ngày này, người dân các tỉnh Tây Nguyên đang nông nhàn bởi thu hoạch cao su, cà phê đã xong, ngày ngày họ tranh thủ hái đót kiếm thêm thu nhập. Không như mấy chục năm trước, khi rừng còn xanh cây đót mọc khắp nơi, giờ thì phải đi xa, lên đồi, xuống suối, đi sâu vào rừng tìm đến những nơi đót mọc tập trung, hái những bông đót to, đẹp, vừa chớm nở. Và cũng chỉ hái được trong thời điểm này vì mặc dù đót ra hoa cho đến hết tháng 3 song khi ấy đót đã trổ bông sẽ không dùng được nữa. Người hái đót ít khi đi lẻ mà đi thành từng nhóm ba bốn người, thường là người trong gia đình. Mang theo cơm và nước uống, dao quắm. Ngày nào hái được nhiều thì khoảng ba bốn mươi cân, ít cũng được hơn hai chục. Với thời giá hiện nay 5-6 ngàn đồng/kg đót tươi, họ có thể kiếm được mỗi ngày không dưới 150 ngàn đồng.

Tôi còn nhớ những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, khi còn dạy học ở Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai (huyện Chư Păh cũ), cứ thi xong học kỳ I thì nhà trường lại tổ chức cho học sinh các lớp cuối cấp đi lao động tập thể hái đót về gây quỹ. Học sinh vùng kinh tế mới nên 10 tuổi đã làm quen với công việc vất vả rồi, buổi đi học, buổi gặt lúa, cuốc đất ruộng, đất vườn hoặc chăn bò… Được đi lao động chung với các bạn cùng lớp, cùng trường và công việc cũng nhẹ nhàng nên các em vui lắm. Thầy-cô giáo chủ nhiệm lớp nào thì phụ trách lớp ấy, tất nhiên là cũng mang theo cơm, nước uống và liềm. Xuất phát muộn, thầy trò đi bộ chừng 3 km, khoảng gần 9 giờ sáng thì đến khu vực thác Lệ Kim trên đường đi Ia Chía, Ia Dơk. Những năm ấy, vào mùa, đót mọc kín hai bên vệ đường, lan cả dọc suối. Một số cây trổ cờ sớm vươn cao lắt lay những nhành bông trắng trước gió như mời gọi. Hái khoảng hai tiếng đồng hồ thì cho các em nghỉ, xuống suối tắm mát rồi lên ăn cơm nghỉ trưa. Một số em đi cắt dây buộc. Chừng 2 giờ chiều, thầy trò ra về, mỗi người vác một bó trên vai, tiếng cười đùa vang cả núi đồi. Tiền bán đót tươi sau đó được nhà trường dành mua quả bóng chuyền, bóng đá và lưới, cầu lông cho học sinh… Bây giờ thì những em học sinh năm đó hầu hết đã lên chức ông, chức bà và việc hái đót vào mùa có lẽ cũng đã nhường lại cho con cháu…

Sản xuất chổi đót. Ảnh: Sỹ Hòa

Sản xuất chổi đót. Ảnh: Sỹ Hòa

Chổi đót thành phẩm. Ảnh: Văn Thanh

Chổi đót thành phẩm. Ảnh: Văn Thanh

Mùa đót không chỉ tạo việc làm cho người đi hái và thương lái mà còn giúp nhiều người khác cũng có thêm thu nhập, chẳng hạn như người phơi đót, làm chổi đót và nhiều sản phẩm khác nữa cũng từ cây đót. Đót thu hoạch về phải trải ra sân phơi khô ít nhất 3 nắng, sau đó lột bỏ hết những nang vỏ, chỉ để lại cành rồi bó lại. Bông đót để làm chổi đạt chất lượng phải khô, dài và có màu trắng xanh. Sau khi chẻ tuốt mây, lựa chọn và sắp xếp các nhánh đót dài bằng nhau thành từng bó rồi làm quấn cổ trước, sau đó dùng dây mây buộc chặt vào cán chổi rồi đan thành hai đường chân rết làm thân và hoàn thiện. Để có được cây chổi đẹp, chắc chắn và bền thì đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo ở công đoạn vào cán và bện. Trước kia làm cán chỉ đơn giản là bó chắc thân đót lại nhưng giờ đây người ta còn làm thêm chổi cán gỗ, cán nhựa để đáp ứng yêu cầu thị trường. Thường 3 tấn đót tươi sau khi phơi xong còn 1 tấn đót khô, làm ra được gần 2 ngàn cây chổi. Cứ vào những ngày cuối tháng Chạp thì hầu như nhà nào cũng mua sắm chuẩn bị Tết. Do vậy, người làm chổi luôn tất bật không nghỉ tay để kịp cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Bây giờ, người ta đã sản xuất nhiều loại chổi công nghệ nhưng cây chổi đót vẫn luôn hiện diện trong đời sống của mỗi ngôi nhà Việt. Đất rừng nhiều nơi dẫu có đổi thay nhưng cây đót vẫn thủy chung bám rễ để rồi cứ mỗi mùa xuân về lại mang đến cho mọi người niềm vui: người thì hái đót về làm chổi, người cắt lá gói bánh chưng, người vạch tìm sâu đót làm thuốc (tác dụng như đông trùng hạ thảo) và còn nhiều công dụng khác nữa cũng từ cây đót… Quả là món quà của đất trời!

NGUYÊN ANH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202202/qua-cua-dat-troi-5766173/