Quả đặc sản ở An Giang mọc chi chít, khách ăn đen răng vẫn lùng mua

Mọc thành chùm chi chít trên những cây cao, thân lớn, loại quả này được xem như đặc sản ở An Giang, vỏ màu đen bóng, căng mọng, vị ngọt xen lẫn chút chát nhẹ và hơi chua.

Cứ độ tháng 4 dương lịch hằng năm, đi dọc theo tỉnh lộ 943, hướng từ xã Núi Tô về thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), du khách sẽ bắt gặp cảnh hàng chục người dân bày bán những thúng đựng đầy loại quả vừa nhỏ vừa đen trông lạ mắt.

Đó là trâm - thứ quả đặc sản trứ danh của vùng Bảy Núi, ngon và được ưa chuộng không kém thốt nốt, dâu da (bòn bon) ở An Giang.

Cây trâm mọc thành hàng ven tỉnh lộ 943. Vào mùa trái chín, người dân bận rộn thu hái rồi ngồi bán ngay dưới gốc cây. Ảnh: Hoàng Dũng

Cây trâm mọc thành hàng ven tỉnh lộ 943. Vào mùa trái chín, người dân bận rộn thu hái rồi ngồi bán ngay dưới gốc cây. Ảnh: Hoàng Dũng

Theo người dân địa phương, cây trâm mọc hoang dại, nằm rải rác theo bờ ruộng, bờ sông, giữa cánh đồng hay ven tỉnh lộ. Các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ… cũng có cây trâm nhưng xã Núi Tô (Tri Tôn, An Giang) là nơi tập trung nhiều nhất loại cây này.

Trâm là loại cây thân gỗ, cao, khỏe, cành lá sum sê, không chỉ tạo bóng râm mát mà còn có giá trị về kinh tế vì quả của cây được sử dụng làm thức ăn.

Anh Hoàng Dũng (nhiếp ảnh gia địa phương) cho biết, mùa trâm chín thường bắt đầu từ giữa tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 6. Vào mùa, loại quả này được bán với giá khoảng 80.000-100.000 đồng/kg.

Mỗi năm chỉ có một mùa trâm. Cây cho trái hoàn toàn tự nhiên nên được xem như loại quả đặc sản sạch và lành. Ảnh: Phạm Kiều Ni

Mỗi năm chỉ có một mùa trâm. Cây cho trái hoàn toàn tự nhiên nên được xem như loại quả đặc sản sạch và lành. Ảnh: Phạm Kiều Ni

Quả trâm hình bầu dục, khi chín, lớp vỏ màu đen bóng, căng mọng, còn bên trong ruột màu tím lịm. Ảnh: Hoàng Dũng

Quả trâm hình bầu dục, khi chín, lớp vỏ màu đen bóng, căng mọng, còn bên trong ruột màu tím lịm. Ảnh: Hoàng Dũng

Quả trâm non có màu xanh, khi già thì màu đỏ. Thời điểm quả chuyển sang màu đen bóng là lúc chín mọng, kích cỡ gần bằng đầu ngón tay.

Loại quả này được thưởng thức ngay giống các loại trái cây tươi ngon quen thuộc khác. Do quả trâm có vị ngọt, hơi chua, xen lẫn chút chát nhẹ, nên có người thích chấm với muối ớt.

Dù là loại quả có phần cơm mỏng, hạt to, ăn vào tím rịm cả răng lẫn lưỡi nhưng quả trâm vẫn được yêu thích. Ảnh: Street Food Thảo Vy

Nhiều du khách đến vùng Bảy Núi vào mùa trâm chín rộ còn tìm mua quả này bằng được, tậu hẳn mấy cân mang về thành phố để chiêu đãi bạn bè, người thân. Ảnh: Hoàng Dũng

Nhiều du khách đến vùng Bảy Núi vào mùa trâm chín rộ còn tìm mua quả này bằng được, tậu hẳn mấy cân mang về thành phố để chiêu đãi bạn bè, người thân. Ảnh: Hoàng Dũng

Anh Dũng cho hay, khâu thu hoạch quả trâm khá vất vả và nguy hiểm. Bà con địa phương phải bắc thang, trèo lên ngọn cây cao từ 8-10m, cẩn thận hái từng quả, từng chùm vì quả trâm có phần cơm mỏng, dễ dập nát.

Theo kinh nghiệm của người dân, quả trâm đạt chất lượng hay không phần lớn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời nắng quá, quả trâm nhỏ, ngọt, còn mưa nhiều thì quả to nhưng nhạt. Đặc biệt, lá trâm càng xanh thì quả trâm chín càng dày cơm và ngọt.

Cây trâm mọc hoang dại khắp nơi ở An Giang, không chỉ tạo bóng mát mà còn mang đến nguồn thu nhập cho người dân nhờ việc thu hoạch quả đem bán. Ảnh: Lang thang An Giang

Cây trâm mọc hoang dại khắp nơi ở An Giang, không chỉ tạo bóng mát mà còn mang đến nguồn thu nhập cho người dân nhờ việc thu hoạch quả đem bán. Ảnh: Lang thang An Giang

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 2.000 gốc trâm, tập trung nhiều ở xã Núi Tô và thị trấn Cô Tô.

Theo ông Văn, tuy là loài cây mọc hoang dã, hiệu quả kinh tế không bằng cây thốt nốt hay nhiều loại trái cây khác nhưng cây trâm gắn liền với đời sống của người Khmer ở Tri Tôn, tạo dấu ấn riêng cho vùng Bảy Núi An Giang.

Thảo Trinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/qua-dac-san-o-an-giang-moc-chi-chit-khach-an-den-rang-van-lung-mua-2395990.html