Quả đặc sản sóng sánh mật, sai trĩu từ gốc đến ngọn, ăn kèm thịt luộc càng ngon
Loại quả này khi chín có màu đỏ thẫm, bên trong nhiều mật, ăn ngọt thơm. Còn quả xanh được sơ chế, thái lát mỏng, ăn kèm thịt luộc hoặc đem trộn chua ngọt, trở thành đặc sản hấp dẫn được ưa chuộng từ Bắc vào Nam.
Vả là loại cây thân gỗ nhỏ, mọc tự nhiên trong các khu rừng hay ven sông suối, khe nước, phân bổ chủ yếu ở các tỉnh miền núi từ Bắc vào Nam. Rễ của cây vả được sử dụng làm dược liệu, còn lá và quả là nguyên liệu chế biến món ăn.
Không chỉ được khai thác từ tự nhiên, cây vả còn được người dân một số nơi trồng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó nổi bật nhất là ở Huế. Quả vả của vùng đất này từng lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam 2020-2021.


Quả vả to, hình cầu dẹt. Lúc còn xanh, quả có nhiều nhựa, đẫm nước bên trong và ăn rất chát. Ảnh: Hoài Phương, Nhi Trương
Thoạt nhìn, quả vả (hay còn gọi là quả ngõa) trông giống như quả sung. Tuy nhiên, quả vả to hơn nhiều, cỡ bằng nắm tay người lớn.
Vỏ quả màu xanh, lông mịn, có lớp cơm màu trắng hoặc màu hồng, tùy từng loại. Khi chín, quả chuyển sang màu đỏ thẫm, bên trong chứa đầy mật, vị ngọt thơm.
Chị Mỹ Chi (ở TP Huế) cho biết, mùa quả vả kéo dài từ tháng 12 đến tháng 7 hằng năm. Những tháng khác trong năm, cây vẫn ra quả rải rác. Quả mọc thành từng chùm sai trĩu ở gốc hoặc trên những cành riêng không có lá.
Khi quả chín, người ta có thể hái ăn ngay giống như nhiều loại trái cây khác. Phần thịt quả mềm, ngọt dịu, bên trong là lớp mật trong như thạch, sóng sánh, vừa ngọt mát vừa thơm.


Quả vả chín có màu đẹp mắt, bên trong sóng sánh mật, ăn ngon. Ảnh: Phương Khen
Quả vả chín cũng được bà con đem ngâm rượu hoặc sáng tạo thành món mứt tươi ngon. “Quả vả chín tuy ngon nhưng không nên ăn quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói để tránh bị say”, chị Chi lưu ý.
Đối với người dân xứ Huế và một số địa phương khác trên cả nước, quả vả xanh là nguyên liệu chế biến món ăn quen thuộc, có thể sáng tạo thành nhiều phiên bản hấp dẫn như muối chua ngọt, kho cá, nấu canh tôm, hầm sườn non, làm gỏi,…
Trong đó, vả trộn bánh tráng là món dân dã được ưa chuộng và phổ biến nhất vì dễ làm, dễ ăn mà hương vị lại tươi ngon, giúp giải nhiệt, giải ngấy rất tốt.

Vả trộn được xem như món đặc sản thanh mát, quen thuộc với người dân Huế. Ảnh: Thùy Huỳnh
Theo chị Chi, để làm món vả trộn ngon cần chọn những quả bánh tẻ, đem gọt sạch vỏ, ngâm nước muối loãng cho giòn và không bị thâm rồi thái thành các lát mỏng.
Tùy điều kiện từng nhà và sở thích của từng người mà món vả trộn có thể chế biến đơn giản với rau thơm, lạc rang giã nhỏ hoặc thêm thịt, tôm luộc.

Quả vả xanh có thể được sơ chế và sử dụng luôn như 1 loại gia vị ăn kèm hoặc luộc sơ rồi ngâm nước muối loãng vài lần cho bớt nhựa, giảm vị chát. Ảnh: Nhi Trương
Giống như các món gỏi khác, vả có thể trộn kèm nước mắm chua ngọt nhưng hấp dẫn hơn cả là cho mắm ruốc, thêm ớt, tỏi, nước cốt chanh và đường. Đây đều là những nguyên liệu quen thuộc ở cố đô.
Điều thú vị là món vả trộn của người Huế phải ăn kèm bánh tráng. Bánh tráng phải là loại bánh mè nướng vàng, giòn rụm. Cứ 1 miếng bánh tráng lại thêm 1 miếng vả trộn, đủ khiến thực khách cảm thấy kích thích mọi giác quan.

Vả trộn ăn kèm bánh tráng. Ảnh: Nhi Trương



Một số món ăn chế biến từ quả vả. Ảnh: Trần Thư, Quang Nguyen
Ngoài vả trộn, một món ăn khác từ loại quả này cũng được yêu thích không kém là vả ăn kèm thịt luộc chấm mắm ruốc hoặc mắm cá rò.
Món này ăn rất tốn cơm. Vị chát của vả xanh hòa quyện với vị mặn mòi của mắm và kết hợp chút béo ngậy, ngọt nhẹ của thịt luộc thành món giải ngấy hiệu quả trong những ngày hè.