'Lửa lựu lập lòe' trong văn hóa!
Là tác giả bài thơ 'Quả lựu' (1961): 'Nửa mưa nửa nắng, là em/ Nắng thưa mưa nhặt, vườn thêm bùi ngùi/ Lòng anh: quả lựu chín mùi/ Lắm khi vừa vỡ vừa cười - đó em', trên cơ sở nhận xét tính cách thất thường, khó đoán của 'em', thay mặt cánh đàn ông, Xuân Diệu 'trần tình' lòng 'anh' thật thà như quả lựu chín, phô rõ hay dở ra bên ngoài.
Ai cũng thuộc câu Kiều thật hay: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. Trước đó, trong “Cảnh ngày hè”, Nguyễn Trãi tả hoa lựu: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”. Có thể câu thơ Ức Trai đã ánh xạ vào truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ”: “Đua chen thu cúc xuân đào/ Lựu phun lửa hạ, mai chèo gió đông”.

Các thiên thần dâng hoa, trái lựu - tranh minh họa.
Được trồng ở nhiều mảnh đất văn hóa thế giới đã hàng ngàn năm, cây lựu trở thành biểu tượng của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Quả màu đỏ tía, lớp vỏ cứng bên ngoài, lớp trung bì xốp bao bọc bên trong hàng trăm hạt nhỏ. Hạt lựu màu đỏ, mọng nước được coi là biểu tượng của năng lực tái sinh, sức khỏe, của nhiều cộng đồng.
Thần thoại Hy Lạp kể cây lựu đầu tiên được nữ thần Aphrodite trồng trên đảo Kypros để lấy quả làm thức ăn. Quý mến, nữ thần gọi trái lựu là “trái gợi tình”. Cũng là trái thiêng với nữ thần Hera, quả lựu dần trở thành biểu tượng cho hôn nhân và sinh sản, vòng quay sự sống. Nhờ ăn hạt lựu mà nữ thần Persephone mới có thể từ thế giới ngầm của Diêm vương mang mùa xuân trở về dương gian đất Mẹ.
Đi vào nhiều nền văn hóa, có nơi coi màu đỏ của hạt lựu là biểu tượng của huyết trinh nữ. Việc ăn lựu mang ý nghĩa về sự tiếp nhận đời sống hôn nhân. Coi quả lựu là biểu tượng cho sự sung túc, công bằng và những việc làm tốt, màu sắc quả lựu được văn chương Do Thái giáo đặc tả người phụ nữ đẹp: “Môi thắm chỉ hồng, miệng duyên dáng, má đỏ hây hây màu thạch lựu thấp thoáng sau tấm mạng the”. Ấn Độ giáo quan niệm quả lựu tượng trưng cho khả năng sinh sản và sự đa dạng, phong phú nên được coi là lễ vật quý dâng lên nữ thần Durga - một hóa thân của Nữ thần Mẹ.
Quả lựu là một trong số ít trái cây biểu trưng may mắn trong Phật giáo. Truyền thuyết kể Đức Phật chữa cho quỷ dữ Hariti không còn thói quen ăn thịt trẻ em bằng cách cho nó ăn một quả lựu. Với văn hóa Ba Tư, quả lựu là biểu tượng của sự sống, sức sống và năng lực sinh sôi. Trong lễ cưới, cô dâu, chú rể sẽ được tặng một quả lựu với ý chúc vợ chồng thịnh vượng, sung túc, đông con nhiều cháu (nhiều như hạt lựu). Điều này góp phần lý giải, các tấm thảm tuyệt đẹp xứ Ba Tư cổ thường mang màu quả lựu và có nhiều những hình ảnh cây lựu hoa đỏ, quả sai lúc lỉu. Không chỉ thế, trên ngọn giáo của các chiến binh Ba Tư cũng luôn có hình những quả lựu vàng với ý cầu mong sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn, may mắn…
Chiếm vị trí đặc biệt trong Kitô giáo, hình ảnh quả lựu gắn liền với tình thương lớn lao của Đức Mẹ Mary. Màu đỏ mọng nước của hạt gợi về tinh thần tử vì đạo của Đức Chúa. Không ít truyền thuyết Kitô coi trái lựu chính là Trái cấm trong Vườn Địa đàng mà Adam và Eva đã ăn để trở thành tổ tiên của con người trần tục. Lại có sách nói hành động mở lớp vỏ để nhìn thấy những hạt lựu long lanh như những hạt ngọc, là ẩn dụ về Cuộc khổ nạn của Chúa. Con người nói chung cũng vậy, để có kho báu (vật chất, tinh thần), phải có hành động mạnh mẽ, dứt khoát, có khi phải chịu đau đớn.
Nhiều vùng Kitô giáo lấy hình ảnh Chúa Hài Đồng cầm một quả lựu làm biểu tượng cho sự trù phú, sinh sôi. Lại có nhiều nơi coi hạt lựu tượng trưng cho sự đổi mới và tiếp tục nảy nở của cuộc sống thông qua việc chế biến một món ăn làm từ lúa mì cùng với hạt lựu. Có vùng dùng hạt lựu trong các nghi lễ chôn cất người thân để thể hiện lòng biết ơn, chia sẻ, tiếc thương, thấu cảm sự mất mát...
Yêu mến đến mức có quốc gia lấy tên quả lựu làm tên gọi cho địa danh. Tây Ban Nha có thành phố Granada, có nghĩa là quả lựu. Trong thành phố này, mô hình quả lựu được dùng để trang trí, mô phỏng ở đủ mọi sự vật có thể: đài phun nước, nhà thờ, trường học… Cổng thành phố cũng phải mang tên “Cổng quả lựu”, tất nhiên mang hình quả lựu. Hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn giữ tục đêm giao thừa, người ta tách quả lựu với ý cầu mong năm mới được sung túc.
Là một trong những sự vật để nhận diện văn hóa Armenia, hình tượng quả lựu có ở mọi nơi chốn, trong các sách văn chương, trong hội họa, nhiều nhất trong kiến trúc chạm khắc tượng đá, cả ở gạch lát sàn... Các cửa hàng lưu niệm có hàng dãy những quả lựu gốm, kim loại, vải cùng những đồ trang trí, họa tiết hình quả lựu. Tượng trưng cho sự sinh sôi và may mắn, chống lại con mắt ác quỷ, trong đám cưới ở Armenia, cô dâu sẽ ném một quả lựu cho vỡ thành nhiều mảnh. Những hạt lựu tung ra mang ý nghĩa lan tỏa sự may mắn. Để có con trai, cô dâu sẽ ăn bánh mì có nhân hạt lựu.

Cây lựu.
Có hình dáng như một cái đèn lồng đỏ - một sự vật gần gũi, được ưa chuộng, quý mến, quả lựu là một mã cơ bản trong văn hóa Trung Quốc, mà tái sinh là nét nghĩa cơ bản. Tiếp biến vào cả trong “Truyện Kiều” của ta với câu “Nước vỏ lựu, máu mào gà/ Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên”. Nhiều sách chép “thủ thuật” của nghề “thanh lâu” là giã vo lựu lấy nước, pha với máu mào gà để “rửa” thì trở về vẫn như “còn nguyên”. Tức “tái sinh”. Hẳn nhiên đấy là tín ngưỡng cổ xưa. Trong văn hóa Đạo giáo (Trung Hoa), quả lựu tượng trưng cho sự bất tử, thường được dâng lên các vị thần.
Xuyên suốt lịch sử cho đến tận ngày nay, quả lựu vẫn được người Trung Quốc coi là biểu tượng cho khả năng sinh sản, thịnh vượng. Lấy đó làm quà tặng các cặp vợ chồng mới cưới, trang trí trong lễ khánh thành, lễ động thổ… với ý nghĩa may mắn, sinh sôi, từ một hóa thành trăm (một quả có hàng trăm hạt). Trong quan niệm phong thủy, tượng trưng cho sự kiên cường, vững chãi, tài lộc; xua đuổi khí xấu, cây lựu được trồng trước nhà sẽ giúp gia chủ thu tài hút lộc, mang đến sức sống, điềm lành.
Hoa đỏ tươi thường nở vào tháng 5 âm lịch, nên trong văn chương lấy hoa lựu làm biểu trưng cho mùa hè. Người Việt coi lựu là loại cây quý phái, đáng kính trọng, những loại hoa bình dân, quê mùa “không cùng đẳng cấp”: “Có đâu sen, ấu một bồn/ Có đâu chanh, khế sánh phần lựu, lê”. Một triết lý “môn đăng hộ đối”, thẳm sâu thoáng một chút buồn. Lựu “xứng đôi” với cây đào, như cặp tình nhân: “Bùn xa bèo, bùn khô bèo héo/ Lựu xa đào, lựu ngã đào nghiêng”. Quý phái vậy nên được nhân hóa như những người đẹp, nhất là cô nào có “hàm răng hạt lựu” (phương ngữ) thì càng nhiều anh trai mê: “Lựu lê anh cũng muốn trồng/ Hai em anh cũng thương đồng cả hai”; “Cây lê, cây lựu, cây đào/ Ba cây anh cũng muốn rào cả ba”. Một tiếng cười vui giễu những anh trai nào tham lam. Nhưng cũng lại là tiếng khen “lựu, lê, đào”, tức cả ba cô đẹp quá!
Hẳn nhiên hoa lựu nở đỏ trong thơ hiện đại. Bài “Trưa hè” của nữ thi sĩ Anh Thơ (Vương Kiều Ân) rất tiêu biểu cho phong cách trữ tình miêu tả thiên nhiên xứ Bắc khoáng đạt: “Trời trong biếc không qua mây gợn trắng/ Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa/ Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng/ Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua”. Bốn câu thơ vẽ lên bức tranh mùa hè với không gian viễn cảnh màu trời xanh biếc vô tận, bồng bềnh một đám mây trắng, điểm xuyết một cánh diều nhỏ xa xa. Cận cảnh là màu đỏ hoa lựu pha với màu của nắng, ngơ ngác một lũ bướm vàng. Luật viễn cận cổ điển nhưng sao vẫn thấy mới. Phải chăng nhờ tài năng hòa sắc ngôn ngữ vào không gian… (?!).
Nữ sĩ Xuân Quỳnh tả đảo xa qua những sắc hoa như kéo đảo ngoài biển về đất liền. Trong “Những bông hoa đầu tiên ra đảo” (tên bài thơ) có hoa lựu, tuy “ra” muộn nhưng thật ấn tượng: “Giờ mới thêm hoa lựu/ Như đốm lửa vừa nhen”.
Nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa có bài thơ “Hoa lựu” (1967) kể lại quá trình trồng, chăm cây lựu: “Em trồng cây lựu xanh xanh/ Cuốc kêu chưa dứt mà cành đầy hoa/ Hoa lựu như lửa lập lòe…”. Tả cây lựu, hoa lựu, quả lựu để đi đến cái kết ca ngợi chú bộ đội bắn máy bay Mỹ: “Đêm về đạn chú bắn lên/ Đỏ như hoa lựu trên nền trời xanh”. Một liên tưởng bất ngờ, tinh tế, tả những đường đạn đỏ rực như những cánh hoa lựu khổng lồ đan lên trời để vít cổ những máy bay Mỹ. Nhưng dùng trạng ngữ “trên nền trời xanh” thì không chính xác, vì “đêm” thì “đen” chứ không thể “xanh” được. Tứ hay, hình ảnh gợi, mạch thơ hồn nhiên đã “che” đi nhược điểm này!?
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lua-luu-lap-loe-trong-van-hoa--i769159/