Quả đắng từ những án kinh tế

Khi đại án Vạn Thịnh Phát vừa nổ ra hồi đầu tháng 10-2022, tôi nhận được vài cuộc gọi điện thoại của mấy người quen, nhờ 'tư vấn': Đã đổ tiền tỉ vào trái phiếu doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tập đoàn này, bây giờ làm sao thu về?

Tôi nói ngay là không có cách nào, vì lúc này giao dịch của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị phong tỏa. Nghe xong ai cũng thở dài. Có người tiết lộ khoản đầu tư này "giấu vợ con" vì trước đó bị cản, do lãi cao thấy ham mà xuống tiền, nay gần đáo hạn bỗng bị "lock", đối diện cảnh trắng tay, gia đình bất hòa.

Một thời gian sau, số nạn nhân công khai của Vạn Thịnh Phát tăng chóng mặt, ngoài các nhà đầu tư trái phiếu còn có rất đông trường hợp bị lừa chuyển tiền gửi sang bảo hiểm, rốt cuộc mất trắng. Hồi đầu tháng 10-2023, tại một cuộc họp báo, đại diện C03 cho hay có khoảng 42.000 nhà đầu tư bị Vạn Thịnh Phát lừa đảo chiếm đoạt 30.000 tỉ đồng. Chừng đó nghe đã thấy choáng, nhưng mới đây, khi kết luận điều tra được công bố, theo đó tổng số tiền bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng bọn gây thiệt hại là hơn 415.000 tỉ đồng, thì dư luận xã hội dậy sóng, sốc nặng vì quá khủng khiếp.

Ngoài một số đối tượng bỏ trốn bị truy nã thì có tới 86 bị can bị đề nghị truy tố các tội danh "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"... Con số này nhiều khả năng sẽ không dừng lại.

Điều mà người dân rất sốt ruột là làm thế nào để thu hồi tài sản thất thoát. Bà cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước ăn hối lộ 5,2 triệu USD (118 tỉ đồng), nuốt không trôi, đã nộp lại toàn bộ số tiền đó. Còn chồng bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại hơn 9.100 tỉ đồng nhưng nộp… 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Không thể để công lý bị coi thường như vậy! Toàn bộ tài sản của tập đoàn tội phạm này bị kê biên, liệu có đủ để thi hành án khắc phục khoản thiệt hại siêu khổng lồ hơn 415.000 tỉ đồng kia không? Tổn thất của hàng chục ngàn nạn nhân, hạnh phúc của biết bao gia đình và niềm tin xã hội…, những hậu quả này ai gánh?

Từ đó mới thấy vai trò giám sát hiện nay ở nhiều nơi còn bị xem nhẹ, buông lỏng. Một tập đoàn tư nhân lập ra hơn 1.000 công ty, vậy mà các cơ quan hữu trách chẳng mảy may nghi ngờ. Vì không hay biết hay bởi lý do gì khác? Một nhóm cán bộ thanh tra thôi mà thừa quyền năng biến đen thành trắng để mở đường cho một ngân hàng cỡ nhỏ gây sai phạm rúng động khu vực. Thói quen dùng tiền mặt trong xã hội ta còn phổ biến là một lẽ, một lẽ khác có thể thấy qua đại án này là khâu giám sát dòng tiền mặt của ngành ngân hàng chưa chặt. Nhìn rộng ra, có thể nhận diện nguyên nhân căn cốt chính là khâu giám sát, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa được tiến hành thực chất, đầy đủ.

Những nguồn cơn ấy nếu cứ tồn tại thì chuyện thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án kinh tế sẽ vẫn còn loay hoay, lúng túng.

THỊ DÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/qua-dang-tu-nhung-an-kinh-te-20231121222426243.htm