Qua đáy, ngành thép vẫn… yếu
Dù đã qua đáy khủng khoảng khi kết quả kinh doanh quý I/2023 được cải thiện, nhưng ngành thép vẫn đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu về thép chưa phục hồi như mong đợi.
Những tín hiệu khả quan
Hai tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát, mã chứng khoán HPG) có mức lỗ thấp hơn dự kiến. Sang tháng 3, tình hình có nhiều cải thiện. Theo đó, quý I/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 383 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ. Kết quả này tốt hơn nhiều so với mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong 2 quý liên tiếp trước đó.
Trong tháng 1/2023, Hòa Phát đã khởi động lại 1 lò trong 4 lò cao phải đóng cửa từ cuối năm 2022. Công ty dự kiến sẽ mở lại tất cả các lò cao trong quý II/2023.
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) ước tính lỗ gần 50 tỷ đồng trong quý I/2023. Sản lượng tiêu thụ trong quý đầu năm 2023 đạt khoảng 194.000 tấn, giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng điểm sáng là sự phục hồi 6,2% so với quý liền trước, nhờ sản lượng xuất khẩu tăng 14,1%.
Thép Nam Kim kỳ vọng, lợi nhuận quý II/2023 sẽ được cải thiện do các đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng trở lại, với giá bán khá tốt so với chi phí đầu vào hiện tại. Sản lượng xuất khẩu hàng tháng có thể duy trì quanh mức 50.000 tấn như trong tháng 3/2023, cải thiện so với mức trung bình 30.000 tấn/tháng trong giai đoạn tháng 7/2022 đến tháng 2/2023. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Công ty là châu Âu, Canada và Mỹ.
Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen, mã chứng khoán HSG) cho biết, doanh nghiệp bắt đầu có lãi trở lại trong tháng 2/2023, ước đạt 50 tỷ đồng và tháng 3 lãi khoảng 100 tỷ đồng. Trước đó, từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, Hoa Sen lỗ tổng cộng hơn 800 tỷ đồng (tháng 1/2023 lỗ hơn 100 tỷ đồng).
Theo ông Vũ, thời điểm khó khăn nhất của Hoa Sen đã qua, lượng hàng tồn kho giá cao đã được xử lý, Công ty sẽ ghi nhận lợi nhuận tốt hơn trong các tháng tới.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong tháng 3/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, giảm 27,9% so với cùng kỳ, nhưng tăng 2,25% so với tháng liền trước; bán hàng thép các loại đạt hơn 2,21 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ, nhưng tăng 6,29% so với tháng liền trước.
Lũy kế quý I/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 6,69 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ; bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu hơn 1,65 triệu tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ).
Về các yếu tố đầu vào, quặng sắt loại 62% Fe ngày 6/4/2023 được giao dịch ở mức giá 120 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 5 USD/tấn so với đầu tháng 3/2023. Giá than cốc 62% CSR FOB Bắc Trung Quốc ngày 6/4/2023 là 401 USD/tấn, giảm khoảng 28 USD/tấn so với đầu tháng 3/2023. Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 9/4/2023 là 260 USD/tấn FOB, giảm 70 USD/tấn so với đầu tháng 3/2023.
Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép có xu hướng giảm, các doanh nghiệp đã giảm bớt áp lực chi phí và giảm nguy cơ thua lỗ do phải trích lập dự phòng giảm giá nguyên liệu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu, các doanh nghiệp thép liên tục có động thái giảm giá bán. Từ đầu tháng 4/2023 đến nay, giá thép trong nước có 3 đợt giảm, thép xây dựng hiện có giá từ 14,95 - 16,68 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, chủng loại.
Nhu cầu thấp vẫn là thách thức
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát cho rằng, giai đoạn khó khăn của ngành thép đã qua, nội lực ngành thép vẫn tốt. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành hoàn toàn phụ thuộc vào lực cầu, trong khi lực cầu về thép hiện ở mức thấp.
SSI Research dự báo, trong 1 - 2 quý tới, nhu cầu thép trong nước tiếp tục yếu. Giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực. Mức điều chỉnh giá thép trong nước gần đây giảm 5% (tương đương 700.000 đồng/tấn), thấp hơn nhiều so với mức giảm của giá phôi thép trong 2 tháng qua là 18% (tương đương 2,7 triệu đồng/tấn).
Thuế tự vệ 11,3% đối với phôi thép đã hết hiệu lực từ tháng 3/2023 cũng khiến áp lực cạnh tranh trong nước gia tăng. Do đó, các chuyên gia SSI nhận định, giá thép trong nước có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép trong quý II/2023.
Mặt khác, thị trường bất động sản chưa phục hồi, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn mới và rủi ro pháp lý hiện hữu là rào cản đối với ngành thép. Đặc biệt, số dự án cấp mới trong năm 2022 thấp kỷ lục, báo hiệu nhu cầu xây dựng năm 2023 rất yếu.
Trong khi đó, đầu tư công chưa thể hiện rõ vai trò là lực đỡ cho nền kinh tế. Tính đến cuối quý I/2023, giá trị giải ngân là 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch cả năm 2023, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 11,8%.
Đối với thị trường xuất khẩu, trước đây, Việt Nam xuất khẩu nhiều thép sang Trung Quốc, nhưng nhu cầu từ thị trường này đang chững lại, bởi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội Thép Thế giới dự báo, nhu cầu thép của Trung Quốc có khả năng chỉ phục hồi 2% trong năm nay, do diện tích sàn của các dự án bất động sản mới năm ngoái giảm 39%.
Trong khi đó, sản lượng sản xuất thép tại Trung Quốc trong quý I/2023 ước đạt 262 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Do cung tăng nhanh hơn cầu, các nhà sản xuất thép đã đẩy mạnh xuất khẩu, kim ngạch tăng 53% so với quý I/2022, gây áp lực với thị trường thép thế giới và Việt Nam.
Hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam đến nhiều thị trường khác như Mỹ, EU dự kiến tiếp tục ở mức thấp, do kinh tế nhiều nước có dấu hiệu suy yếu và vòng xoáy lạm phát vẫn còn.
Trong bối cảnh đó, Hòa Phát cho biết, doanh nghiệp sẽ chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác. Hòa Phát sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo cho ngành đóng tàu, ô tô.
Theo số liệu 2 tháng đầu năm 2023 của VSA, Hòa Phát vẫn dẫn đầu về thị phần thép xây dựng và ống thép, lần lượt là 34% và 27%. Do đó, chiến lược chuyển đổi sẽ giúp đầu ra của Hòa Phát gắn liền với các hoạt động sản xuất hàng hóa hơn, giảm sự phụ thuộc từ các ngành có tính chu kỳ cao như bất động sản. Các nhà sản xuất như VNSteel, Việt Đức, Hoa Sen, Thép Nam Kim, Fomosa Hà Tĩnh… sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/qua-day-nganh-thep-van-yeu-post320532.html