Qua giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Khảo sát kỹ để đạt hiệu quả
Giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến nay theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Trong đó, trước tình trạng đào tạo theo nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động chưa đạt hiệu quả cao..., các ngành chức năng cần khảo sát kỹ để bảo đảm công tác đào tạo nghề bám sát thực tiễn.
Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề, huyện Quốc Oai đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: Thái Hiền
Hơn 11% lao động sau đào tạo được tuyển dụng
Theo tổng hợp, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã đào tạo được 106.130 lượt lao động nông thôn với nguồn ngân sách hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp về nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho hơn 76.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 88,46%, trong đó, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng là 11,26%.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, mặc dù có nhiều cố gắng, song qua giám sát thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác điều tra, dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn cho người lao động ở một số địa phương trên địa bàn thành phố chưa thường xuyên, chưa sát với thực tế. Đặc biệt, việc đào tạo nghề theo nhu cầu người học hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh...
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp, chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động thấp, dẫn đến người lao động học nghề xong khó khăn trong tìm việc làm. Sau đào tạo nghề, trên địa bàn huyện chỉ có 2,7% lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, với lợi thế có khu công nghiệp và nhiều làng nghề, tỷ lệ người lao động nông thôn trên địa bàn huyện được doanh nghiệp tuyển dụng sau đào tạo chiếm 33,83%. Tuy nhiên, huyện có hơn 58% lao động được học nghề tự tạo việc làm, công việc không ổn định, có nhu cầu vay vốn để sản xuất nhưng chưa được đáp ứng.
Khảo sát kỹ nhu cầu đào tạo
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Hoàng Thị Tú Anh cho biết, qua giám sát, việc lao động sau đào tạo nghề khó tìm được việc làm có nhiều nguyên nhân. Song, lý do chính là công tác điều tra, dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn cho người lao động ở một số địa phương chưa kịp thời… “Hiện nhận thức về học nghề của một bộ phận không nhỏ người lao động nông thôn chưa cao, chưa hiểu đúng về chính sách. Việc chưa thấy hết lợi ích khi được học nghề khiến họ không định hướng rõ nghề cần học, đi học theo phong trào. Đây thực sự là một trở ngại cho lĩnh vực này”, bà Hoàng Thị Tú Anh nhận định.
Chị Chu Thị Liên ở thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) chia sẻ: "Đa số người lao động nông thôn đều muốn học nghề, có việc làm để tăng thu nhập bởi làm nông nghiệp thuần túy thì thu nhập rất thấp. Cũng có một số người học xong lại gặp khó khăn khi xin việc làm. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm phối hợp với doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau khi được học nghề".
Từ thực tế địa phương, Chủ tịch UBND thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Đức cho rằng, hiện một số doanh nghiệp thường áp dụng hình thức tự đào tạo cho lao động phổ thông để sử dụng, vì thế, số lao động nông thôn sau đào tạo nghề được tuyển dụng ít. Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của thành phố cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề tại chỗ khi đầu tư vào địa phương.
Qua giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình nhìn nhận, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, việc rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề phải sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong đó, cần chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm để hoạt động đào tạo nghề thực sự bền vững.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, sau đợt giám sát, Thường trực HĐND thành phố sẽ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và thành phố một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trước mắt, Thường trực HĐND thành phố đề nghị, các huyện, thị xã cần khảo sát kỹ nhu cầu của người lao động và thực tiễn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đăng ký các lớp đào tạo phù hợp, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Đồng thời thường xuyên nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Từ đó có biện pháp can thiệp giúp người lao động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế.