Qua giám sát phải có đề xuất, góp ý cụ thể

Ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao'.

Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đề xuất phạm vi nội dung giám sát tập trung hai nhóm vấn đề cơ bản gồm: phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Phạm vi giám sát trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay).

Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; các Bộ gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan: Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nội dung giám sát tập trung vào 4 nội dung chính như: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội trong thời gian tới.

Đặc biệt, Đoàn giám sát tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, hiện nay các nước muốn phát triển đi lên đều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo, sự nghiệp khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, giám sát nhiều, đi thực tế nhiều nhưng cuối cùng sản phẩm giám sát phải kiến nghị chỉ ra cơ quan nào, ngành nào thực hiện, chưa thực hiện? Mỗi thành viên đoàn giám sát phải trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất của mình, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với việc sửa đổi các quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy...

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/qua-giam-sat-phai-co-de-xuat-gop-y-cu-the-10288399.html