Quá khứ của tương lai

Thời điểm chúng ta đang sống, đang tồn tại trong tính hiện thực của đời sống xã hội là thời điểm nào của chiều dài diễn tiến thời gian? Tất nhiên là hiện tại-là thời điểm đang diễn ra, đang có thực. Nhưng nếu gọi thời điểm chúng ta đang sống là 'tương lai của quá khứ' thì chẳng có gì sai cả. Hay có thể suy ra 'hiện tại là quá khứ của tương lai' vẫn hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Vậy là chúng ta đang sống ở hiện tại, chúng ta đang "ôn lại" quá khứ và "hướng tới" tương lai. Chúng ta xem quá khứ là lịch sử để làm "tấm gương soi" cho hiện thực, để chiêm nghiệm, nhận thức, cải biến nhằm phục vụ nhu cầu tồn tại và phát triển. Chúng ta hiểu rằng: Nếu không có quá khứ, chắc chắn sẽ không có hiện tại; không có sự sống vô sinh, hữu sinh... sẽ không có loài người; không có một nền nông nghiệp lúa nước, sẽ không có một nền đại công nghiệp; không có thời cổ đại, sẽ không có trung đại, cận đại, hiện đại; không có công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, chủ nghĩa tư bản thì chắc chắn cũng không có hình thái chủ nghĩa xã hội và mô hình xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới!... Vậy thì cái hiện tại bao giờ cũng "đứng trên vai" cái quá khứ và hiện tại là “sản phẩm” được con người cải biến, cải tạo từ quá khứ mà thành.

Thế nhưng, hiện có không ít cá nhân lại cam tâm hoặc cố tình phủ nhận lịch sử, xét lại, chê bai quá khứ. Trong đó, một bộ phận nhỏ giới trẻ vô tư lự cho mình cái quyền tự do soi mói quá khứ. Họ không biết rằng, chúng ta đang được sống với một hiện tại tươi đẹp-một đất nước thanh bình, thân thiện-một Việt Nam vững vàng trước bao biến cố, khủng hoảng và đại dịch toàn cầu- một quốc gia có vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế; tuổi trẻ được chăm lo, giáo dục, đào tạo đầy đủ về mọi mặt... Thế nhưng một bộ phận giới trẻ lại áp đặt, đòi hỏi giả định về việc thay đổi quá khứ: "Giá như quá khứ là thế này thì hiện tại và tương lai có phải tốt hơn không?".

Thế hệ hôm nay đang sống trong hiện tại và đang dốc hết sức lực, trí tuệ lo cho tương lai. Chúng ta kiếm đồng tiền, bát gạo là để con cháu mai sau ăn no, mặc đẹp, được học hành, vui chơi, tiến bộ; chúng ta tiết kiệm không chỉ để dành dụm cho một vài ngày ăn; chúng ta làm kinh tế không chỉ để nuôi sống một đời người; chúng ta kiến thiết đất nước không chỉ vì mục tiêu cho vài trăm năm; chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội không chỉ mang hạnh phúc trọn vẹn cho một dân tộc; chúng ta bảo vệ trái đất, chúng ta khám phá vũ trụ, đại dương không chỉ vì sự sống của 1.000 năm sau...

Cha ông của chúng ta trong quá khứ cũng làm điều đó. Lớp lớp thế hệ con người-bằng ta lứa tuổi, họ sống và chết cho tương lai. Trước tiếng gọi và yêu cầu khách quan, lịch sử đặt lên đôi vai của họ sứ mệnh phải chiến đấu giành lấy độc lập, tự do, vì bầu trời xanh, vì mảnh đất thanh bình, vì "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập...". Đó là trách nhiệm, lương tri và là mệnh lệnh của dân tộc và thời đại. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng của thế hệ cha anh dành cho tương lai. Cái tương lai của quá khứ là ngày hôm nay, là hiện tại những gì chúng ta đang có-rạng rỡ và hết đỗi tự hào. Như vậy, chắc chắn rồi, những người sống trong quá khứ không có lỗi và quá khứ lại càng không có lỗi.

Vậy tại sao một bộ phận giới trẻ lại trách cứ quá khứ, mà không dành hết thời gian trong thời điểm hiện tại để làm tròn trách nhiệm của những người kiến thiết tương lai. Xin hãy luôn khắc nhớ rằng: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác.

NGUYỄN SÔNG TRÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/qua-khu-cua-tuong-lai-655925