Quá khứ đen tối của công ty dược phẩm nổi tiếng Bayer
Mọi người đều đã nghe nói về Bayer, công ty dược phẩm điều hành quảng cáo aspirin trên truyền hình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về quá khứ đen tối của Bayer.
Tập đoàn dược phẩm IG Farben là nhà tài trợ lớn cho chiến dịch bầu cử Hitler và ủng hộ Đức Quốc xã. IG Farben hợp tác chặt chẽ với đảng Quốc xã để tiếp quản các nhà máy sản xuất khi quân Đức xâm chiếm các nước châu Âu khác.
IG Farben cũng nắm giữ cổ phần và được đại diện trong hội đồng quản trị của công ty sản xuất khí gas sử dụng trong các buồng khí Holocaust. Một số nhà sử học cho rằng nếu không có IG Farben, Hitler không thể vươn lên nắm quyền và sẽ không có Chiến tranh thế giới lần hai.
Sau khi Chiến tranh thế giới lần 1 kết thúc, các công ty hóa chất ở Đức (bao gồm Agfa, BASF, Hoechst, Bayer và một số công ty nhỏ khác) đã sáp nhập để thành lập IG Farben. Họ sản xuất mọi thứ, từ dược phẩm đến sản xuất hóa chất và chất nổ.
Năm 1932, các đại diện của IG Farben đã gặp Hitler để xác định xem ông ta có ủng hộ những nỗ lực của họ hay không. Họ muốn mở rộng nhà máy và làm việc về một chương trình khí gas tổng hợp.
Khi Hitler chính thức lên nắm quyền, một hợp đồng chính thức giữa chính quyền Đức Quốc xã và IG Farben được ký kết để mở rộng nhà máy và sản xuất xăng (gọi là xăng IG Farben), thậm chí thiết lập mối quan hệ đối tác với cả quân đội và không quân.
Sự tham gia của trại tập trung
Auschwitz không chỉ là một trại tập trung. Đó cũng là một môi trường thí nghiệm y khoa lý tưởng cho IG Auschwitz, công ty con 100% của IG Farben. Đây là khu phức hợp lớn nhất trên thế giới sản xuất xăng và cao su. Đó cũng là nơi IG Farben thử nghiệm sản phẩm của mình.
Các tù nhân được coi là "ứng cử viên phù hợp" được gửi đến nhà máy IG Auschwitz. Ở đó, tù nhân trở thành đối tượng cho các thí nghiệm trên con người về các loại vắc-xin mới đang được phát triển. Các cá nhân không may mắn được gửi đến các buồng khí được giữ bí mật cho một phát minh khác của IG Farben - đó là khí gas tổng hợp gọi là Zyklon-B.
Nhà máy IG Auschwitz không phải là nơi duy nhất tiến hành những cuộc thử nghiệm trên người đối với tù nhân. IG Farben cũng có trại tập trung của riêng mình.
Ở đó, vắc-xin và hóa chất thử nghiệm trên cơ thể người ốm và người khỏe mạnh dưới mọi hình thức - thuốc tiêm, thuốc viên, thuốc bơm thụt vào ruột và thuốc bột. Nhiều người ngã bệnh nặng hoặc chết do các thí nghiệm vô nhân đạo này. IG Farben đã bỏ tiền ra "mua" số lượng lớn tù nhân này từ trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã.
Những bức thư viết tay được tìm thấy giữa trại tập trung và IG Farben tiết lộ sự thật về thỏa thuận mua 150 tù nhân nữ - những người sẽ được sử dụng để thử nghiệm một loại thuốc ngủ mới. Những tù nhân nữ này được mua với giá 170 RM (Reichsmark) mỗi người, và hồ sơ mật của IG Farben xác định họ là những đối tượng đáp ứng điều kiện thí nghiệm mặc dù họ đã gầy còm, hốc hác.
Sau đó, các thư tay tiếp theo cho thấy tất cả các tù nhân đã chết, và Farben cần phải mua một "số lượng tù nhân" khác. Một lời chứng thực của cư dân Auschwitz có một khu bệnh lớn "điều trị" cho tất cả các bệnh nhân lao. IG Farben đã gửi các loại thuốc không bao bì hay nhãn mác đến khu bệnh này.
Những thứ thuốc này được tiêm vào các đối tượng thử nghiệm, khiến tất cả đều chết. Các chi nhánh khác liên quan đến dược phẩm của IG Farben cũng tiến hành các thí nghiệm, bao gồm cả sốt phát ban.
Nhưng, họ đã không thành công. Vấn đề là các xét nghiệm trở nên vô hiệu do các đối tượng được thử nghiệm trong tình trạng sức khỏe quá kém, và điều kiện các phòng thí nghiệm được cung cấp là không lý tưởng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các phiên tòa Nuremberg đã kết án 24 thành viên hội đồng quản trị và các giám đốc điều hành của IG Farben với tội giết người hàng loạt và chiếm hữu nô lệ, trong số các tội ác khác.
Tuy nhiên, không ai trong số những người này nhận án tù dài, và tất cả đều được thả ra để tiếp tục công việc của họ trong ngành dược phẩm Đức. Trong khi đó, Bayer ngày nay cũng đã làm việc có thiện chí với chính phủ Đức để thành lập một quỹ giúp đỡ những tù nhân đã chịu đựng đau khổ. Công ty đóng góp cho quỹ này lên tới hơn 50 triệu USD.
Câu chuyện nạn nhân sống sót
Trong nhiều năm, một người sống sót ở Auschwitz đã cố gắng giành được tiền bồi thường từ gã khổng lồ dược phẩm đã thực hiện các thí nghiệm y tế trên cơ thể bà. Zoe Polanska Palmer không bao giờ tưởng tượng mình sẽ sống sót sau một loạt thí nghiệm của "bác sĩ tử thần" Josef Mengele ở trại tập trung Auschwitz.
Trong hai năm ở trại, Zoe (lúc đó chỉ mới 13 tuổi) đã buộc phải uống thuốc và thuốc như một phần của một loạt các thí nghiệm dược lý và được cho là một phần của các xét nghiệm kiểm soát sinh sản sớm.
Nhưng Zoe may mắn không chết mà được cứu bởi một bác sĩ người Nga. Sau khi hồi phục, Zoe định cư ở Scotland. Vào đầu thập niên 1970, Zoe đã đấu tranh đòi bồi thường và một lời xin lỗi từ công ty dược phẩm Đức Bayer.
Zoe kể lại ký ức kinh hoàng: "Tôi vẫn cảm thấy khó khăn khi uống aspirin. Tôi nhớ một trong những bác sĩ SS giữ cho hàm của tôi mở ra để thuốc trôi xuống cổ họng. Tôi vẫn rất cảnh giác với những người đàn ông mặc áo khoác trắng".
Những chứng cứ được tìm thấy trong kho lưu trữ của trại tập trung Auschwitz khẳng định vị bác sĩ Quốc xã ép Zoe uống thuốc làm việc cho công ty dược phẩm Bayer khi nó là một phần của tập đoàn IG Farben. Tên vị bác sĩ đó là Victor Capesius. Đó là một cái tên mà Zoe không bao giờ có thể quên.
Ông ta giúp "bác sĩ tử thần" Mengele tiến hành các thí nghiệm di truyền, thường là ở trẻ em, và cũng chọn hàng ngàn tù nhân tại trại tử thần khổng lồ, chọn ra những người có thể hữu ích và số tù nhân còn lại sẽ phải chết ngay lập tức. Bác sĩ Capesius bị xét xử ở Frankfurt vì tội ác chiến tranh năm 1963 và phải ngồi tù.
Một nhân viên lâu năm khác của Bayer tên là Helmut Vetter cũng từng làm việc tại Auschwitz. Ông ta tham gia vào việc thử nghiệm vắc-xin và thuốc trên các tù nhân và sau chiến tranh đã bị xử tử vì tiêm thuốc gây tử vong cho tù nhân. Mặc dù Chiến tranh thế giới lần 2 đã kết thúc từ rất lâu nhưng đối với những người sống sót như Zoe thì hậu quả của cuộc chiến vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sau chiến tranh, Zoe kết hôn và định cư ở Scotland. Ở đó, Zoe đã trải qua một số phương pháp điều trị để chữa những tổn thương cơ thể. Zoe đã phải chịu đựng nhiều ca phẫu thuật để cố gắng đảo ngược những tổn hại cơ thể do thí nghiệm của Đức Quốc xã gây ra, nhưng bà vẫn vô sinh và còn mắc bệnh ung thư. Cuối cùng, Zoe cũng đã nhận được một tấm séc trị giá hơn 3.000 USD từ quỹ bồi thường của chính phủ Đức.
Zoe Polanska Palmer phát biểu với báo chí: "Tôi muốn đảm bảo mọi người nhớ những gì đã xảy ra với những người như tôi khi tôi còn là một đứa trẻ ở Auschwitz, Tôi chỉ là một trong số hàng ngàn trẻ em được đối xử theo cách này. Nhưng tôi là một trong số rất ít người may mắn sống sót". Zoe Polanska Palmer qua đời bình yên vào ngày 16-2-2017 tại Bệnh viện Ninewells và được chôn cất tại Nghĩa trang Barnhill.
Một câu chuyện sống sót kỳ diệu khác cũng được thế giới biết đến. Eva Mozes Kor và người chị sinh đôi Miriam, lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở Romania vào những năm 1940. Chị em song sinh chỉ mới 9 tuổi khi bị đưa đến trại tập trung Auschwitz. Hai chị em là một trong số 1.500 cặp sinh đôi trải qua các thí nghiệm do "bác sĩ tử thần" Josef Mengele quản lý.
Không giống như hầu hết các nạn nhân, hai chị em sống sót sau những cuộc thí nghiệm tàn nhẫn kéo dài 10 tháng và được quân đội Liên Xô giải thoát vào tháng 1-1945, nhưng chị gái của Eva là Miriam đã chết ở Israel sau nhiều năm bị bệnh tật hành hạ.
Hơn 1.500 cặp song sinh như Eva và Miriam phải chịu đựng những thí nghiệm đau đớn nhưng chỉ có hơn 300 người sống sót. Josef Mengele quan tâm đặc biệt về mặt khoa học đối với các cặp sinh đôi bởi ông ta muốn tăng tỉ lệ sinh con cho phụ nữ Aryan - chủng tộc được mệnh danh là "Người da trắng thượng đẳng".
Mengele tiêm một loại virus chết người vào cơ thể của một trong hai người song sinh rồi sau đó sẽ so sánh kết quả quan sát với người khỏe mạnh còn lại.
Ngoài ra, Mengele cũng thực hiện thí nghiệm về việc thay đổi màu mắt của cặp sinh đôi bằng cách tiêm nhiều loại hóa chất vào mắt và vào cơ thể. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng mắt vô cùng đau đớn, nhiều đứa trẻ đã bị mù vĩnh viễn.
"Bác sĩ tử thần" Mengele là người nhận học vị tiến sĩ Nhân chủng học và Y học tại Đại học Munich, Đức. Khi bắt đầu làm việc tại trại tập trung Auschwitz, Mengele tìm thấy cơ hội để tiến hành di truyền học trên người.
Năm 1950, hai chị em Eva định cư tại thành phố Haifa miền bắc Israel và phục vụ trong quân đội nước này. Năm 1960, Eva kết hôn với một người Mỹ tên là Michael Kor - cũng là nạn nhân sống sót từ cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã.
Sau đó, hai chị em chuyển đến sinh sống tại Mỹ. Trong quãng đời còn lại của mình, Miriam mắc một căn bệnh quái ác về thận do hậu quả từ những thí nghiệm trong thời thơ ấu. Dù đã nhận được một quả thận hiến từ Eva, bà vẫn qua đời vào năm 1993 lúc 59 tuổi. Hai năm sau khi chị gái qua đời, Eva Mozes Kor thành lập bảo tàng CANDLES - nơi trưng bày những thí nghiệm của Đức Quốc xã về trẻ em.
Năm 2017, Eva điều hành viện bảo tàng Holocaust của riêng mình ở Terra Haute bang Indiana (Mỹ) để tưởng nhớ chị gái Miriam. Eva tích cực tham gia các hoạt động giáo dục và hướng dẫn du lịch. Bà đã xuất bản 2 cuốn tự truyện và tham gia diễn xuất trong một số phim tài liệu.
Năm 2016, Eva trở thành vai nữ chính của bộ phim tài liệu của Anh tựa "The girl who forgave the Nazis" (tạm dịch: Cô gái tha thứ cho Đức Quốc xã). Năm 2018, hãng Ted Green Films cũng cho ra đời bộ phim tài liệu "Eva".