Quá khứ gây tranh cãi của nhóm phiến quân vừa chiếm thủ đô Syria

Nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đóng vai trò chính trong chiến dịch chiếm thủ đô Damascus của Syria từng có quá khứ dính líu chặt chẽ với khủng bố al-Qaeda.

Cách đây hai tuần, cái tên HTS rất ít xuất hiện trên truyền thông Nhóm này được biết đến là một tổ chức phiến quân hoạt động co cụm tại một nửa tỉnh Idlib phía Tây Bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chỉ sau 10 ngày từ khi mở chiến dịch tấn công, HTS gây bất ngờ khi có thể dẫn dắt các nhóm phiến quân chiếm đóng hàng loạt thành phố lớn, bao gồm thủ đô Damascus.

Phiến quân di chuyển trên xe tăng và xe máy trên một tuyến đường ở Syria. Ảnh: GettyImages

Phiến quân di chuyển trên xe tăng và xe máy trên một tuyến đường ở Syria. Ảnh: GettyImages

Thông tấn Nga RiaNovosti cho biết, ngày 8/12, nhiều tay súng đi lại tự do xung quanh dinh Tổng thống ở Damascus mà không có ai canh gác. Bên trong tòa nhà, các bức ảnh bị gỡ xuống, khung cảnh tan hoang. Chưa rõ vị trí của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng truyền thông và các quan chức Syria xác nhận ông đã rời Damascus trên một chuyến bay.

Theo truyền thông Trung Đông, tiến trình chuyển giao quyền lực dường như đang diễn ra ở thủ đô của Syria. Thông tấn RiaNovosti của Nga đăng tải video cho thấy Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali đang trên đường gặp thủ lĩnh các nhóm phiến quân để chuyển giao quyền lực. Ông al-Jalali được "hộ tống" bởi các tay súng có vũ trang.

Chưa rõ các nhóm phiến quân sẽ phân chia quyền lực ra sao, nhưng vai trò dẫn dắt của HTS kể từ khi họ mở chiến dịch tấn công cuối tháng trước cho thấy nhóm sẽ là bên kiểm soát chính, ít nhất là tại thủ đô Damascus cũng như các thành phố then chốt mà họ chiếm được.

Xe tăng mà quân đội Syria bỏ lại trong quá trình rút lui. Ảnh: GettyImages

Xe tăng mà quân đội Syria bỏ lại trong quá trình rút lui. Ảnh: GettyImages

HTS tự tuyên bố mình là lực lượng vũ trang đối lập chống chính phủ Syria của Tổng thống Assad, nhưng nhóm này bị Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia coi là một tổ chức khủng bố. Mỹ năm 2013 đưa thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Jolani vào danh sách đen và treo thưởng 10 triệu USD cho bất cứ ai bắt được ông ta.

Theo New York Times, lịch sử của HTS gắn chặt với người sáng lập của nhóm al-Jolani. Ông ta sinh năm 1982 ở Arab Saudi với tên Ahmed Hussein al-Shara, có cha mẹ là người gốc Syria. Cuối thập niên 1980, gia đình al-Jolani chuyển từ Arab Saudi sang Syria và sinh sống tại quận Mazzeh giàu có ở trung tâm thủ đô Damascus.

Thủ lĩnh HTS al-Jolani. Ảnh: GettyImages

Thủ lĩnh HTS al-Jolani. Ảnh: GettyImages

Tờ Middle East Eye tin rằng al-Jolani lún sâu vào tư tưởng thánh chiến Hồi giáo cực đoan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 do al-Qaeda thực hiện. Năm 2003, al-Jolani đến Iraq và gia nhập al-Qaeda và từng chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ.

al-Jolani phải ngồi tù nhiều năm trong một nhà tù của Mỹ trên lãnh thổ Iraq. FinancialTimes nói rằng, al-Jolani được thả năm 2011, khi làn sóng "Mùa xuân Arab" làm bùng nổ nội chiến ở Syria.

Ông ta sau đó vượt biên về Syria "với những chiếc túi chứa đầy tiền mặt và nhiệm vụ mở rộng al-Qaeda". Tại đây, al-Jolani thành lập Mặt trận al-Nusra, một chi nhánh trực thuộc trực tiếp al-Qaeda. Truyền thông Trung Đông khẳng định thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi có tham gia quá trình thành lập Mặt trận al-Nusra.

Thomas Pierret, một chuyên gia về Hồi giáo chính trị, nói với Guardian rằng, al-Jolani ở "đỉnh cao của chủ nghĩa cực đoan" vào năm 2014, cùng thời điểm IS mở rộng ảnh hưởng và chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq.

Đám đông ủng hộ HTS ăn mừng ở Hama ngày 7/12. Ảnh: Guardian

Đám đông ủng hộ HTS ăn mừng ở Hama ngày 7/12. Ảnh: Guardian

Thời điểm đó, Mặt trận al-Nusra trở thành nhóm phiến quân manh động và nguy hiểm nhất đối với Tổng thống Assad. Tổ chức này từng bị cáo buộc tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu và giành được quyền kiểm soát khu vực lãnh thổ rộng lớn ở phía Tây Bắc Syria.

Khi Nga và các nhóm dân quân thân Syria bắt đầu chiến dịch tấn công khủng bố ở Syria theo đề nghị của Tổng thống Assad năm 2015, Mặt trận al-Nusra nhanh chóng bị đẩy lùi.

Guardian mô tả al-Jolani là "một người thực tế trong mắt đồng minh, một kẻ cơ hội trong mắt kẻ thù". Năm 2015, al-Jolani dường như nhìn thấy trước kết cục của IS và ông ta đã tuyên bố mình không theo đuổi con đường giống IS, không có ý định tấn công phương Tây, động thái nhằm hạn chế nguy cơ bị Mỹ và đồng minh tấn công.

Năm 2016, al-Jolani tuyên bố ly khai khỏi al-Qaeda và lập ra HTS với nòng cốt là các thành viên Mặt trận al-Nusra cùng các nhóm phiến quân mà họ đã thiết lập được quan hệ. Nhóm sau đó tập hợp lực lượng tại tỉnh Idlib phía Tây Bắc Syria, nơi họ nắm giữ lãnh thổ một nửa tỉnh.

Những năm sau đó, HTS giao tranh quyết liệt với quân đội Syria ở Idlib. Năm 2020, theo thỏa thuận giảm căng thẳng do Nga-Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, HTS và quân đội Syria cam kết dừng giao tranh. Tuy nhiên, hai bên sau đó nhiều lần cáo buộc đối phương vi phạm ngừng bắn.

Theo SkyNews, HTS hiện có khoảng 30.000 binh sĩ. Song song với nỗ lực cắt đứt liên hệ với al-Qaeda, HTS giới hạn mục tiêu lại thành thiết lập "chế độ Hồi giáo chính thống" ở Syria thay vì thành lập một nhà nước Hồi giáo rộng lớn hơn, như cách IS từng nỗ lực và không thành công.

Nhiều người so sánh tình cảnh ở Damascus giống như Kabul cách đây 3 năm. Ảnh: Guardian

Nhiều người so sánh tình cảnh ở Damascus giống như Kabul cách đây 3 năm. Ảnh: Guardian

France24 thông tin thêm, al-Golani rất cố gắng gạt bỏ quá khứ cực đoan của HTS. Sau khi chiếm thành phố Aleppo, thủ lĩnh HTS yêu cầu các tay súng "đối xử tốt" với các động đồng tôn giáo thiểu số. "HTS đã đối xử tốt với những người theo đạo Cơ đốc ở Idlib và Aleppo – các bạn không có gì phải sợ cả", al-Golani nói.

Tuy vậy, nhiều nhà quan sát vẫn lo ngại việc HTS sẽ áp đặt các điều luật Hồi giáo hà khắc với công chúng tại những nơi nhóm kiểm soát, khiến cuộc sống của người dân ngột ngạt.

Sau khi tiến vào Damascus, Cơ quan Quản lý Chính trị, một nhánh của phiến quân Syria, hứa sẽ hành động vì lợi ích của toàn thể người dân sau khi nắm quyền. "Đây là chiến thắng của tất cả", nhóm này nêu. "Chúng tôi cam kết tăng cường đoàn kết xã hội, đảm bảo công lý và phẩm giá cho mọi thành phần trong xã hội Syria".

Trong một tuyên bố khác, phiến quân Syria thông báo "mong muốn thắt chặt quan hệ với tất cả các quốc gia anh em và hữu nghị trên cơ sở tôn trọng lợi ích". "Chúng tôi đặt mục tiêu đóng vai trò xây dựng ở khu vực và thế giới để đạt được an ninh và ổn định", tuyên bố nêu.

Các tuyên bố của phiến quân gây nhiều hoài nghi. Một số nhà quan sát so sánh tình thế ở Damascus hiện nay với thủ đô Kabul của Afghanistan khi Taliban tiếp quản hồi tháng 8/2021 với những lời hứa về việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Sau hơn 3 năm, Taliban đã không giữ cam kết, còn nữ giới Afghanistan bị tước bỏ quyền học tập, làm việc.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/qua-khu-gay-tranh-cai-cua-nhom-phien-quan-vua-chiem-thu-do-syria-i752686/