Quá khứ mến thương

Ở cái thời nền nông nghiệp lúa nước truyền thống lạc hậu, khoa học kĩ thuật chưa phát triển, con người bị lấy đi rất nhiều sức lực cơ bắp. Từ khâu cày, bừa, nhổ mạ, cấy, làm cỏ, bón phân, tát nước, gặt hái, đến khâu cuối cùng là xay lúa, giã gạo và thổi cơm, khâu nào cũng tốn kém cơ man sức cơ bắp của người nông dân.

Lớn lên từ ruộng đồng, không một đứa trẻ nào có thể quên được những buổi nhổ mạ chiêm, mạ mùa nhọc nhằn, vất vả; những trưa tháng 6 “nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy” (Trần Đăng Khoa); những chiều tháng Chạp, cắm cây mạ xuống ruộng mà tay cứng đờ, mất cảm giác vì cóng lạnh; những buổi tát nước lên ruộng cao vã mồ hôi hột; những gánh lúa đầy nóc quang qua những máng xẻ, qua con đường đất xa tít từ ruộng về nhà đứt cả hơi; những buổi tối tranh thủ đập lúa, trục lúa vòng quanh sân chóng tít mặt mũi, thở qua tai; những lúc xay lúa, giã gạo ngại ngùng, mệt vã; những trưa, chiều thổi cơm, đun nước bằng bếp rạ nóng nực trong gian bếp tối om.... Tất cả chỉ có thể diễn tả bằng một từ: mệt nhọc.

Nhưng việc vẫn trôi phăng phăng, mùa vẫn nối mùa, vụ vẫn nối vụ hối hả; người người vẫn hồn nhiên vui sống, trưởng thành và thích nghi giữa cái mệt nhọc, nghèo khó ấy. Cái sức mạnh của người nông dân quê mình ngày ấy chỉ có thể dùng một từ để diễn tả, một từ: kì diệu.

Những buổi lao động công ích đào mương, đắp đê của người đến tuổi dân công; của những thanh niên trai tráng trong đội chủ lực 202 của làng, của xã... đã làm nên những con mương sâu dẫn nước mát tới ruộng đồng, làm nên những con đê cao sừng sững dọc các bờ sông; làm nên những công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải kì vĩ... Tất cả đều được đánh đổi toàn bằng cơ bắp nguyên bản, bằng sức lực tươi xanh, bằng ý chí, nghị lực phi thường của người nông dân quê mình.

Những chiếc xe thồ “cởi truồng” huyền thoại chở lương thực ra tiền tuyến, những trận kéo pháo lên đồi trong bí mật giữa núi rừng; những nẻo đường hành quân xuyên rừng trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử... Tất cả cũng được dệt nên bằng sức mạnh thủ công của cơ bắp, bằng ý chí sắt đá và sự sáng tạo tuyệt đỉnh của cha ông. Cái sức mạnh ấy cùng những chiến công, kì tích để đời của cha ông mình, chỉ có thể diễn tả bằng một từ: Phi thường và Huyền thoại.

Trong những trải nghiệm gian khổ ấy, cái mà người ta được đổi lại, đem về chính là sự tôi luyện rắn rỏi, là kinh nghiệm sống, kĩ năng sống thích nghi, là ý chí sắt đá, là sự sáng tạo không ngừng, là khát vọng vươn lên mãnh liêt, là những kỉ niệm khó quên đi cùng năm tháng rộng dài, thương nhớ. Đó là tài sản quý báu, là hành trang vô giá của những người đã kinh qua một thời gian khổ.

Xin được ôn lại, thương quý và tỏ lòng biết ơn, trân trọng thật nhiều trước quá khứ “mệt nhọc, kì diệu, phi thường và huyền thoại” đó của cha ông mình. Để rồi thấu hiểu, phấn đấu để tạo dựng cơ đồ tươi sáng, vững mạnh cho mọi nhà trong hiện tại và tương lai.

Theo Chuyện quê

Hiền Hòa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/qua-khu-men-thuong-a6128.html