Qua kiểm toán, huyện Đăk Tô muốn đề xuất tháo gỡ khó khăn cho Chương trình nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của huyện không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng sống, bảo tồn các giá trị văn hóa và tạo nền tảng phát triển bền vững cho người dân nơi đây.

Ông Tưởng Văn Khanh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Ảnh: A.TUẤN

Ông Tưởng Văn Khanh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Ảnh: A.TUẤN

Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc phỏng vấn ông Tưởng Văn Khanh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum về nội dung này.

Xin ông cho biết một số kết quả đáng chú ý trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Đăk Tô đến thời điểm này?

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cơ quan thường trực về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện với những mục tiêu cụ thể hằng năm và trong cả giai đoạn 2021-2025 để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Qua một thời gian thực hiện, kết quả đến nay đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Kết quả nổi bật thứ nhất là việc Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có đường giao thông, thủy lợi, trường học và các công trình nước sinh hoạt. Đến nay, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản đảm phục vụ cho người dân phát triển sản xuất và an sinh xã hội.

Kết quả nổi bật thứ hai là việc phát triển những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có liên kết gắn với việc chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Tính đến thời điểm này, về phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại huyện Đăk Tô đã có trên 30 sản phẩm được cấp chính quyền cấp chứng nhận từ 3 sao trở lên, đồng thời đã hình thành lên 4 chuỗi giá trị, trong đó có chuỗi giá trị mắc ca, mía, gừng và cây dành dành. Việc sản xuất của người dân cơ bản đảm bảo.

Ông Tưởng Văn Khanh

Huyện Đăk Tô chuẩn bị phát triển vùng trồng mắc ca mới. Ảnh: H.THOAN

Huyện Đăk Tô chuẩn bị phát triển vùng trồng mắc ca mới. Ảnh: H.THOAN

Đối với nội dung xóa đói, giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Đăk Tô đã giảm mạnh, hiện chỉ còn dưới 12% và thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân của hộ dân trên địa bàn huyện đến năm 2025 ước đạt khoảng hơn 70 triệu đồng. Đời sống của người dân đã được thay đổi từng ngày.

Ngoài những nội dung thực hiện xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương thì tỉnh ủy, huyện ủy cũng đã triển khai thực hiện các giải pháp để xây dựng thôn làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và thôn làng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến hết năm 2024, trên địa bàn huyện Đăk Tô đã có 04 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 09 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của UBND tỉnh Kon Tum.

Hiện địa phương còn đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới?

Ngoài các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới mà huyện đã tập trung triển khai thực hiện, tuy kết quả ban đầu đạt được khá tích cực, tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện Chương trình này.

Thứ nhất là bộ tiêu chí. Cụ thể là giai đoạn 2021-2025 có nhiều tiêu chí cao hơn so với bộ tiêu chí cũ gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện, nhất là với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới phải tiếp tục duy trì là xã nông thôn mới. Thực tế một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nay phải thực hiện được một số tiêu chí quá cao, nên có thể bị rớt tiêu chí như tiêu chí về thu nhập.

Nội dung thứ hai là về xóa nhà tạm, nhà dột nát. Do đời sống của người dân trên địa bàn huyện còn gặp rất nhiều khó khăn nên tiêu chí về nơi ở của người dân chưa đạt chuẩn theo hướng dẫn mới của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, với việc cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát thì huyện đang phấn đấu sẽ hoàn thành tiêu chí xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 theo chỉ đạo của Trung ương.

Mục tiêu thứ ba là kinh phí. Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận, ngoài các chế độ chính sách, cho người dân sẽ bị cắt hết thì việc đầu tư kinh phí cho xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ ít hơn, trong khi nguồn lực của địa phương rất hạn chế, khó ưu tiên cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt được trong thời gian vừa rồi.

Thông qua cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Kon Tum, địa phương có mong muốn gì, thưa ông?

Qua đợt kiểm toán này, chúng tôi muốn đề nghị Trung ương xem xét và quan tâm đến một số vấn đề.

Thứ nhất là tạo điều kiện cho các địa phương thông qua việc Trung ương tiếp tục duy trì một số cơ chế chính sách đối với những xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới ở khu vực 3 sau khi đạt chuẩn thì tiếp tục có cơ chế tiếp tục duy trì một thời gian giúp ổn định cuộc sống của người dân.

Thứ hai là ưu tiên nguồn lực cho xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu./.

H.THOAN thực hiện

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/qua-kiem-toan-huyen-dak-to-muon-de-xuat-thao-go-kho-khan-cho-chuong-trinh-nong-thon-moi-39929.html