Quả măng cụt được Nữ hoàng Victoria tìm kiếm từ thế kỷ 18 đến nay lại 'gây sốt' có gì đặc biệt?

Măng cụt xanh không chỉ là từ khóa được tìm kiếm nhiều mà loại quả này còn được săn lùng rần rần trong những ngày này. Loại quả này có gì khác biệt so với măng cụt chín?

NỘI DUNG

1. Măng cụt xanh được săn tìm
2. Măng cụt xanh và măng cụt chín khác nhau thế nào?
3. Lợi ích của quả măng cụt

Măng cụt là một loại quả ngon được trồng nhiều ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Măng cụt còn là vị thuốc trong y học cổ truyền của châu Á từ rất lâu đời.

Từ thế kỷ 18, măng cụt đã nổi danh là loại quả tuyệt vời có nhiều lợi ích cho sức khỏe và tương truyền, Nữ hoàng Victoria lúc đó hứa sẽ phong tước hiệp sĩ đồng thời tặng thưởng 100 đồng Bảng Anh (giá trị lúc đó rất lớn) cho người mang về cho bà loại quả có màu tím sậm này.

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, măng cụt còn gọi là sơn trúc tử, có tên khoa học Garcinia mangostana L. (Mangostana garcinia Gaertn.), thuộc họ bứa Clusiaceae (Guttiferae).

Nhân quả măng cụt xanh được rao bán với giá phổ biến là 500 nghìn đồng/1kg. Ảnh minh họa: Phương Thy Thy

Nhân quả măng cụt xanh được rao bán với giá phổ biến là 500 nghìn đồng/1kg. Ảnh minh họa: Phương Thy Thy

1. Măng cụt xanh được săn tìm

Măng cụt chín ăn rất ngon, với lớp ruột trắng, vị ngọt xen lẫn chút chua nhè dìu dịu vốn là loại quả quá phổ biến, được trồng và tiêu thụ rất nhiều ở nước ta. Tuy nhiên, những ngày gần đây khi trên mạng xã hội Tik Tok lan truyền clip về gọt trái măng cụt xanh để làm món gỏi trộn gà đã thu hút nhiều lượt tương tác và khiến măng cụt xanh trở nên 'hot' rần rần, tạo thành trend. Thậm chí măng cụt còn có một 'Hội măng cụt Việt Nam' trên Facebook, hiện có 14,5 nghìn thành viên tham gia. Nội dung chính của Hội là trao đổi thông tin mua bán sỉ lẻ măng cụt từ xanh đến chín.

Nhiều người tìm mua thì sẽ có nhiều người tìm nguồn để bán. Theo chị Phùng Hoa L. người bán hoa quả ở chợ khu vực phố Phan Văn Trường (Hà Nội), một kg măng cụt chín giá khoảng 50 – 100 nghìn đồng một kg (tùy theo thời điểm và chất lượng). Mấy ngày gần đây, khách hàng của chị cũng hỏi măng cụt xanh không nhưng các hàng buôn bán hoa quả ngoài chợ ít nhập loại này vì quá mới mẻ, buôn về cũng rủi ro cao nếu bán chậm. Chưa kể loại quả xanh bị "thổi giá" lên rất cao, không phù hợp với nhiều người tiêu dùng.

Trên mạng xã hội, nhiều người bán hàng online cũng rao giá khác nhau từ 45 nghìn đến 120 nghìn/ 1 kg măng cụt xanh. Một người bán hàng măng cụt xanh ở Phước Long (Bình Phước) rao bán hàng chuẩn size 8-10 trái/1 kg có nhận ship đi các tỉnh với giá là 45 nghìn/ 1kg.

Còn măng cụt xanh đã được làm sạch, nhân quả được rao bán với giá phổ biến là 500 nghìn đồng/1kg.

Với nhiều người nhất là người dân miền Nam, món gỏi gà trộn măng cụt xanh hay măng cụt xanh chấm muối ớt không có gì lạ. Anh Phạm Văn H. (Bến Tre) cho biết, món ăn này rất hấp dẫn nhất là với khí hậu miền Nam thường nóng bức nên món gỏi gà măng cụt rất dễ ăn, chỉ có điều là sơ chế quả măng cụt xanh cũng rất mất thời gian, muốn nhân quả măng trắng phải có bí quyết vì loại quả này rất dễ bị thâm màu khi bổ ra. Khi gọt ngâm nước muối loãng + chanh, sau đó ngâm đá lạnh còn muốn để lâu thì bỏ vào tủ lạnh ngăn mát.

2. Măng cụt xanh và măng cụt chín khác nhau thế nào?

Măng cụt (Garcinia mangostana) là loại trái cây nhiệt đới được trồng chủ yếu ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, măng cụt là loại trái cây được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ và là loại quả được yêu thích.

Măng cụt xanh đang được tìm mua nhiều vì chế biến được món ăn lạ, hấp dẫn.

Măng cụt xanh đang được tìm mua nhiều vì chế biến được món ăn lạ, hấp dẫn.

Trái măng cụt non có màu xanh lục nhạt hoặc gần như trắng trong bóng râm của tán. Khi quả lớn lên trong vòng hai đến ba tháng tiếp theo, màu sắc bên ngoài chuyển dần sang màu xanh đậm hơn. Trong giai đoạn này, quả tăng kích thước cho đến khi đường kính ngoài của nó khoảng 6 - 8 cm (2,4–3,1 in), vỏ cứng cho đến khi chín. Khi trái măng cụt đang phát triển ngừng nở ra, quá trình tổng hợp chất diệp lục sẽ chậm lại khi giai đoạn màu tiếp theo bắt đầu. Ban đầu có vệt đỏ, sắc tố ngoài chuyển từ xanh sang đỏ sang tím sẫm báo hiệu giai đoạn chín cuối cùng. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong khoảng thời gian mười ngày khi chất lượng ăn được của trái cây đạt đến đỉnh điểm.

Măng cụt chín có hương vị chua ngọt tinh tế tuyệt vời, được một nhà báo nước ngoài ví như gần giống với hỗn hợp của dâu tây, dứa, vải thiều và đào; các đoạn của chúng có thịt màu trắng, mọng nước, giống như quả mận và một số đoạn có hạt bên trong. Măng cụt xanh (chưa chín) có kết cấu mọng nước, hơi giòn.

Măng cụt chín thường được dùng làm sinh tố, món tráng miệng và salad trái cây còn măng cụt xanh còn được dùng như một loại rau, có thể ăn sống hoặc trộn gỏi gà, gỏi tôm giống như cách kết hợp xoài xanh và đu đủ xanh với đậu phộng, ớt, cà rốt bào sợi, cốt chanh...

Món gỏi gà măng cụt xanh được trình bày hấp dẫn. Ảnh: Trang Ng.

Món gỏi gà măng cụt xanh được trình bày hấp dẫn. Ảnh: Trang Ng.

3. Lợi ích của quả măng cụt

Măng cụt đã được chứng minh là chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển khỏe mạnh và sức khỏe dinh dưỡng tổng thể. Các bộ phận khác nhau của quả và cây được sử dụng để điều trị các bệnh theo kinh nghiệm và bài thuốc y học cổ truyền.

Quả măng cụt có lợi vì giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh hương vị thơm ngon, nó còn là một nguồn giàu chất xơ và carbohydrate. Nó cũng có hàm lượng vitamin A và vitamin C cao cũng như sắt, canxi và kali. Loại quả này là nguồn cung cấp vitamin B phức hợp rẻ tiền như thiamin, niacin và folate. Những vitamin này đóng vai trò là đồng yếu tố giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo. Quan trọng nhất quả măng cụt là một nguồn xanthones tuyệt vời.

Măng cụt rất ít calo (63 calo trên 100g) và không chứa chất béo bão hòa hoặc cholesterol lại rất giàu chất xơ (100 g cung cấp khoảng 13% nhu cầu khuyến nghị). Quả măng cụt còn là nguồn vitamin C dồi dào, chứa khoảng 12% nhu cầu khuyến nghị trên 100g. Là một chất chống oxy hóa hòa tan trong nước mạnh mẽ, vitamin C cung cấp khả năng chống lại các tác nhân truyền nhiễm giống như cúm và loại bỏ các gốc tự do gây viêm nhiễm có hại. Do đó, tiêu thụ trái cây giàu vitamin C là rất quan trọng để phát triển sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Trong những năm gần đây, do các thông tin về lợi ích sức khỏe của quả măng cụt được truyền thông rộng rãi và loại quả này được ví là một 'siêu thực phẩm'. Một số nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy măng cụt có đặc tính chống oxy hóa mạnh có tác dụng hỗ trợ chống ung thư, chống viêm, chống dị ứng, chống vi khuẩn và chống sốt rét (Gutierrez-Orozco và Failla 2013). Xanthone và vitamin trong măng cụt được coi là thành phần hoạt động chính.

Quả măng cụt là một nguồn xanthones tuyệt vời.

Quả măng cụt là một nguồn xanthones tuyệt vời.

Nghiên cứu khoa học đã tiết lộ rằng măng cụt có chứa một loại hợp chất polyphenol tự nhiên được gọi là xanthones. Xanthones và các dẫn xuất của chúng đã được chứng minh là có một số lợi ích, bao gồm cả khả năng chống viêm. Xanthones là một phương thuốc hiệu quả chống lại các bệnh tim mạch khác nhau. Những chất chống oxy hóa này có đặc tính chữa bệnh giúp chữa lành các tế bào bị tổn thương bởi các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa cũng như suy giảm thể chất và tinh thần.

Trong nghiên cứu của các tác giả Trác Hồng Xie, Marsha, Tony Chang, Boxin Ou đăng tải trên trang web của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Hoa Kỳ) xác định tác động của nước giải khát làm từ măng cụt đối với các dấu ấn sinh học chống oxy hóa, chống viêm và miễn dịch trong huyết tương của những người trưởng thành khỏe mạnh. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã được tiến hành với 60 người tham gia, 30 nam và 30 nữ, tuổi từ 18–60.

Những người tham gia được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, nhóm giả dược và nhóm măng cụt, với số lượng nam và nữ tham gia trong mỗi nhóm như nhau, có thời gian dùng thử là 30 ngày. Người ta phát hiện ra rằng sau 30 ngày thử nghiệm, nhóm được uống công thức đồ uống làm từ măng cụt cho thấy khả năng chống oxy hóa trong máu cao hơn 15% so với nhóm dùng giả dược và không có tác dụng phụ nào đối với chức năng gan, thận của con người. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng công thức dựa trên măng cụt làm tăng đáng kể khả năng chống oxy hóa và có lợi ích chống viêm mà không có tác dụng phụ đối với hệ thống miễn dịch, gan.

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/qua-mang-cut-duoc-nu-hoang-victoria-tim-kiem-tu-the-ky-18-den-nay-lai-gay-sot-co-gi-dac-biet-169230512153534639.htm