Qua miền thánh đường
Những ngày giáp Tết, trời hửng nắng ấm, chúng tôi cùng vài nhiếp ảnh gia trẻ tuổi du ngoạn tới một số nhà thờ trong tỉnh. Với trên 600 nhà thờ lớn nhỏ nằm rải rác ở nhiều xứ đạo, không quá khi nói rằng Nam Định là
Những ngày giáp Tết, trời hửng nắng ấm, chúng tôi cùng vài nhiếp ảnh gia trẻ tuổi du ngoạn tới một số nhà thờ trong tỉnh. Với trên 600 nhà thờ lớn nhỏ nằm rải rác ở nhiều xứ đạo, không quá khi nói rằng Nam Định là “thủ phủ” của các nhà thờ đẹp, độc đáo. Vẻ đẹp rực rỡ, bề thế nhưng cũng hết sức riêng biệt của những thánh đường này đang dành trọn sự mến yêu của du khách gần xa.
Điểm xuất phát đầu tiên của cuộc hành trình là Nhà thờ Khoái Đồng (còn gọi là Khói Đồng) ở thành phố Nam Định. Được khởi công xây dựng năm 1934 cùng với Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Alberto Cả (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ) và Trường Sư phạm Saint Thomas (nay là Trường THPT Nguyễn Khuyến), Nhà thờ Khoái Đồng được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic cổ, một trong những kiến trúc độc đáo bậc nhất tại Việt Nam với mái vòm cong được nâng đỡ bằng hệ thống dầm bê tông uốn lượn theo mái tạo thế vững trãi. Trên những bức tường là những cột trụ được tạc công phu tượng các vị thánh như: thánh Patrick, thánh Peter, GiuSe… Điều đặc biệt, Nhà thờ Khoái Đồng là một trong hai nhà thờ duy nhất của Việt Nam thờ thánh Nicolais, một vị thánh theo truyền thuyết của Thiên Chúa giáo chính là ông già Noel. Sau 87 năm xây dựng, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, thời gian, Nhà thờ Khoái Đồng vẫn là điểm “nhấn” trong cảnh quan thành phố. Từ góc công viên hồ Vị Xuyên nhìn sang nhà thờ thấy sừng sững ngọn tháp chuông cao vút, mái vòm chính cong cong, nghe tiếng chuông trong ngân giữa phố phường nhộn nhịp, lòng người như được thêm an tĩnh, thanh lọc.
Rời thành phố Nam Định, hành trình của chúng tôi tiếp tục đến với những nhà thờ tuyệt đẹp khác trên địa bàn tỉnh. Điểm dừng chân kế tiếp chính là Nhà thờ Mình Thánh Thánh Thể Báo Đáp (còn gọi là nhà thờ Mình Thánh) xã Hồng Quang (Nam Trực). Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm Thành Thái 1901. Lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức vào tháng 10 năm Mậu Thân 1908 và hoàn thành vào tháng Chạp năm Quý Sửu - Thành Thái 1913, sau đó nhiều lần được mở rộng và cải tạo thêm. Đến năm 2011, Linh mục Gioakim Nguyễn Văn Tường cho hạ giải nhà thờ cũ và xây dựng mới (xây theo mẫu cũ), khánh thành vào năm 2015. Nhà thờ Mình Thánh là một quần thể được xây cất hài hòa, ăn khớp với nhau từ nhà xứ, Thánh Đức Mẹ Lộ Đức, nhà hội quán, ao hồ, đường kiệu, cây cảnh và hoa lá thiên nhiên... tạo thành bức tranh thủy mặc lung linh huyền ảo. Nhà thờ Mình Thánh cũng chính là trung tâm quy tụ các sinh hoạt, nơi nuôi dưỡng và phát triển Đức Tin của người dân Báo Đáp “sáng lễ, chiều kinh”.
Trên hành trình qua miền thánh đường tỉnh Nam Định, một trong những công trình kiến trúc tôn giáo mà tôi “tự hào” giới thiệu với nhóm bạn nhiếp ảnh là Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai. Và khi những người bạn được “mục sở thị” công trình này, chốc chốc họ lại thốt lên những tiếng xuýt xoa nức lòng: đẹp quá, quá đẹp… Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai là nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam và cũng là 1 trong những nhà thờ lớn nhất ở Đông Nam Á. Vương cung thánh đường Phú Nhai tọa lạc tại xã Xuân Phương (Xuân Trường), có kích thước dài 80m, rộng 27m, cao 30m. 2 tháp chuông cao 44m đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng từ 100kg đến 2.000kg. Mặt tiền Nhà thờ Phú Nhai nhìn từ ngoài vô cùng rộng lớn, bên phải có tượng đài Thánh Đa Minh cao 17m, riêng phần tượng cao 2,3m. Bên trái có Lăng lưu trữ hài cốt của 83 người tử đạo thuộc họ đạo xứ Phú Nhai cao 15m. Tường hay vườn nhà thờ đều được chạm khắc và mô tả lại những điển tích của Thiên Chúa giáo rất công phu, đẹp mắt, sinh động. Phía trong trần nhà thờ, trên những cánh cửa gỗ, các bậc cửa ra vào đều được chạm khắc những tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, tạo cảm giác xa hoa, kỳ vĩ. Không chỉ ấn tượng bởi độ to lớn, thiết kế cầu kỳ, xa hoa, Vương cung thánh đường Phú Nhai với màu sơn bạc, giữa trưa nắng mà nhìn từ xa không khác gì một hòn núi màu xám bạc vươn lên kiêu hãnh. Rời Xuân Trường về vùng đất bồi Hải Hậu. Tại đây, du khách không thể bỏ qua Nhà thờ Hưng Nghĩa (xã Hải Hưng) - một địa điểm du lịch khá hút khách trong thời gian gần đây. Đến nơi này, chúng ta có cảm giác lạc giữa trời Âu với không gian rộng rãi, kiến trúc cổ kính bắt mắt. Hành trình cuối cùng của chúng tôi dừng chân tại Nhà thờ Trái Tim (hay còn được gọi là Nhà thờ đổ Hải Lý). Nhà thờ do một kiến trúc sư người Pháp xây dựng vào năm 1943. Nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc phương Tây mới lạ và độc đáo, thờ thánh Maria Madalena. Chính nhờ kiểu thiết kế với những đường nét uốn lượn uyển chuyển tại phần mái đã tạo nên một vẻ đẹp trang nghiêm nhưng cũng không kém phần tinh tế. Sự tinh tế ấy được biểu hiện qua những cửa vòm mái mềm mại, những chiếc cột cao cùng các bức tường được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ. Từ năm 1966, nhà thờ bắt đầu bị nước biển xâm thực ảnh hưởng ít nhiều đến kiến trúc, đặc biệt là phần thiết kế nội thất bên trong. Dù vậy, nhìn từ phía ngoài hầu như mọi đường nét thiết kế ban đầu của Nhà thờ đổ vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Trải qua năm tháng, biến thiên của trời đất, con người, Nhà thờ đổ vẫn đứng chân bên bờ biển rộng, là chứng tích mạnh mẽ nhất, chống chọi với thiên nhiên. Tham quan Nhà thờ đổ, du khách không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp của nhà thờ mà còn có dịp trải nghiệm cuộc sống bình dị, hoạt động lao động của ngư dân vùng biển. Trong ánh tà dương, tạm biệt Nhà thờ đổ Hải Lý, hành trình của chúng tôi khép lại với những ấn tượng mạnh mẽ, đẹp đẽ và tự hào về các công trình tôn giáo trên qua chuyến đi.
Trong miền thánh đường nguy nga tráng lệ, nghe thăm thẳm tiếng chuông nguyện ngân vang, lòng bỗng dưng thảnh thơi, an tĩnh, để rồi thêm yêu những công trình kiến trúc tôn giáo kỳ vĩ mà không kém phần độc đáo, tinh tế./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5092/202201/qua-mien-thanh-duong-2548986/