Quả ngọt của một nghệ sĩ tay ngang

Không học nghệ thuật ngay từ nhỏ, nhưng Lê Trung Kiên rất nhanh trở thành một trong những cái tên nổi bật trong lớp nghệ sĩ trẻ của mỹ thuật Cố đô. Để lại ấn tượng tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII, Lê Trung Kiên (sinh năm 1993) là một trong những 'nhân tố trẻ' được các 'cây đa, cây đề' của giới văn nghệ sĩ Cố đô tin tưởng sẽ là 'trái ngọt' của mỹ thuật Thừa Thiên Huế.

Lê Trung Kiên giới thiệu tác phẩm tại Triển lãm Gốm nghệ thuật đương đại

Lê Trung Kiên giới thiệu tác phẩm tại Triển lãm Gốm nghệ thuật đương đại

Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, học xong 12, Trung Kiên chọn trở thành đầu bếp. Với máu nghệ sĩ có sẵn trong mình, anh học cắt, tỉa rau củ, để lại dấu ấn của bản thân tại nhiều cuộc thi cắt tỉa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Làm bếp một thời gian, Kiên quyết định chuyển hướng, tìm học về triết học tại Thái Lan. Anh bỏ ra hơn 2 năm “lang thang” trên đất Thái, tìm hiểu về các tôn giáo như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo… Năm 2015, Trung Kiên về lại Huế với tâm thế tập trung làm kinh tế và đạt được khá nhiều thành công. Chia sẻ về khoảng thời gian ấy, anh tự nhận là mình “ăn may” chứ “không giỏi giang”. Thế rồi việc lao đầu vào kiếm tiền dần khiến anh thay đổi, trở thành gắt gỏng, nóng nảy... Tự nhận ra bản thân đang theo chiều hướng tiêu cực, năm 2020 Kiên quyết định bỏ công việc đang làm để “rẽ” qua một hướng đi mới là đi theo nghệ thuật. Khéo tay, chịu khó, không dừng ở năng khiếu “cắt, tỉa”, anh theo học điêu khắc tại Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Làm sinh viên năm nhất ở tuổi 27 là một trải nghiệm mới lạ với Trung Kiên. Nhưng có lẽ vì nghệ sĩ không phân biệt tuổi tác, cùng đam mê nên rất dễ hòa đồng, yêu nghệ thuật thì ai cũng là anh em, là bạn bè. Khi đến trường, anh được các bạn cùng lớp cập nhật xu hướng, “gu” nghệ thuật của giới trẻ. Ra ngoài đường, là cộng tác viên của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, được giao lưu trò chuyện cùng các nghệ sĩ lão thành của đất Cố đô, Kiên lại hiểu thêm về góc nhìn nghệ thuật của… người già. Bên cạnh đó, bản thân anh có một “thầy đỡ đầu” tại Mỹ, người đã dạy anh rất nhiều về nghệ thuật, đồng thời giới thiệu các địa điểm nghệ thuật, văn hóa đặc sắc ở các nước để anh đến tham quan, học hỏi. Kết hợp kinh nghiệm của bản thân trong suốt 2 năm “đi bụi” ở Thái Lan, nghệ sĩ Lê Trung Kiên tự tạo phong cách riêng, xen lẫn nét đặc trưng trong và ngoài nước. Những “đứa con tinh thần” ẩn chứa cả nghệ thuật “trẻ” lẫn nghệ thuật “già”, cả những hàm ý tôn giáo, triết học thấm đẫm trong anh.

Với sở trường là điêu khắc kim loại, hiện các tác phẩm của Kiên được giới chuyên môn đánh giá cao. Cái tên Lê Trung Kiên trở thành quen thuộc với những người yêu nghệ thuật tại các triển lãm ở Huế như Triển lãm Mỹ thuật Hương Sen, Triển lãm Gốm nghệ thuật, các triển lãm khu vực và còn xuất hiện ở Giải thưởng Điêu khắc trẻ tại nước Mỹ xa xôi. Ở Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) năm 2022, 2024 và Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024, Kiên vinh dự được vinh danh và trở thành gương mặt triển vọng cho nghệ sĩ trẻ Cố đô nói chung và chuyên ngành Mỹ thuật Huế nói riêng.

Lần đầu tham gia, tác phẩm “Di” của Lê Trung Kiên đoạt giải C tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII chuyên ngành Mỹ thuật. Anh chia sẻ: “Ban đầu mình không có ý định tham gia, vì cảm thấy bản thân chưa đủ giỏi. Được anh em bạn bè cổ vũ bảo cứ thử đi nên mình mới quyết định đem “Di” đi dự thi. Việc đoạt giải khiến mình rất bất ngờ và cảm thấy rất vinh dự, biết ơn những đàn anh, đàn chị trong nghề đã luôn hỗ trợ mình”.

“Di” mang hình tượng 4 bàn chân ở các tư thế khác nhau, mỗi tư thế biểu đạt một cảm xúc riêng. Trung Kiên đã kết hợp 4 tấm phù điêu tạo nên một chuỗi suy nghĩ, hành động, thể hiện sự đắn đo, lo âu và quyết định. Mang ý nghĩa phản ánh cuộc đời với những bước ngoặt quan trọng, Kiên đặt tên tác phẩm là “Di” (trong tiếng Hán có nghĩa là thanh bình, là di chuyển) để nói lên mong ước “mỗi bước nhấc chân là chúng ta đều đang di chuyển với sự bình an trong tâm”. Tác phẩm “Di” đã để lại ấn tượng cho Hội đồng chung khảo Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ VII và tác giả được xem là “nhân tố trẻ đang độ chín, là mùa quả ngọt cho tương lai”.

Phạm Phước Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/qua-ngot-cua-mot-nghe-si-tay-ngang-146174.html