'Quả ngọt' đến từ các đội tuyển trẻ quốc gia

Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã có bước tiến bộ vượt bậc, khi Đội tuyển quốc gia Việt Nam giành nhiều thành tích ấn tượng ở đấu trường châu lục, là 'lá cờ đầu' của bóng đá Đông Nam Á. Góp phần làm nên thành công đó có dấu ấn đậm nét của công tác đào tạo trẻ.

Những cầu thủ trưởng thành từ các lò đào tạo trẻ như Quang Hải, Tiến Linh chính là hạt nhân quan trọng giúp Đội tuyển quốc gia Việt Nam tạo nên dấu ấn trong những năm gần đây. Ảnh: Minh Dân

Những cầu thủ trưởng thành từ các lò đào tạo trẻ như Quang Hải, Tiến Linh chính là hạt nhân quan trọng giúp Đội tuyển quốc gia Việt Nam tạo nên dấu ấn trong những năm gần đây. Ảnh: Minh Dân

Đội tuyển quốc gia Việt Nam từng vào tứ kết Asian Cup 2007 và vô địch AFF Cup 2008. Đó là đỉnh cao chói lọi của bóng đá Việt Nam với dấu ấn đậm nét đến lứa cầu thủ tài năng như Công Vinh, Minh Phương, Hồng Sơn, Việt Thắng... Mặc dù thành công, nhưng thành công đó không mang tính bền vững, khi các lứa cầu thủ tiếp theo không thể giúp bóng đá Việt Nam đạt được dấu ấn tại các giải đấu lớn.

Tại sân chơi châu lục, Đội tuyển quốc gia Việt Nam không vượt qua được vòng loại Asian Cup 2011 và Asian Cup 2015, bị loại sớm ở vòng loại World Cup 2010 và World Cup 2014. Cùng với thành tích kém cỏi ở đấu trường châu lục, Đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng sa sút ở giải đấu khu vực khi thất bại trước Malaysia tại bán kết AFF Cup 2010. Còn tại AFF Cup 2012, Đội tuyển quốc gia Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng bảng, khi chỉ giành được 1 điểm sau 3 trận đấu.

Khi mà bóng đá Việt Nam đã “chạm đáy” khủng hoảng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các câu lạc bộ đã chú trọng hơn vào phát triển bóng đá trẻ với chiến lược cụ thể. Những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như Viettel, PVF, Hoàng Anh Gia Lai đã được đầu tư với cơ sở vật chất hiện đại và mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ như Hà Nội và Sông Lam Nghệ An đã tiếp tục làm tốt công tác đào tạo trẻ. Qua đó, góp phần cung cấp cho các đội tuyển của bóng đá Việt Nam những lứa cầu thủ trẻ chất lượng, có kỹ thuật, chiến thuật được đào tạo bài bản, hiện đại.

Từ năm 2015 đến nay, Đội tuyển U15/U16 Việt Nam đã 1 lần vô địch Đông Nam Á vào năm 2017 và 2 lần về nhì vào năm 2016 và 2022. Đội tuyển U15/U16 Việt Nam cũng là đại diện thường xuyên tại sân chơi châu lục với 3 lần góp mặt, trong đó, dấu ấn đậm nét nhất là việc lọt vào tứ kết Giải U16 châu Á 2016, sau khi vượt qua nhiều đối thủ nặng ký như Australia và Kyrgyzstan tại vòng bảng.

Đối với Đội tuyển U18/U19/U20 Việt Nam, dù chưa giành được nhiều thành công tại sân chơi khu vực, nhưng tại sân chơi châu lục, chúng ta luôn có mặt tại vòng chung kết. Trong đó, nổi bật là chiến tích vào đến bán kết Giải U19 châu Á 2016, kết quả đã góp phần đưa bóng đá Việt Nam lần đầu góp mặt tại Giải FIFA U20 World Cup vào năm 2017.

Ở cấp độ gần nhất với đội tuyển quốc gia là U22/U23, các đội tuyển của Việt Nam đã giành được nhiều thành công nhất từ trước đến nay ở cả sân chơi khu vực và châu lục. Dù Đội tuyển U23 Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2017, nhưng đó cũng là bài học để lứa cầu thủ sinh từ năm 1995-1998 trưởng thành hơn và tạo nên “kỳ tích Thường Châu” sau này.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Đội tuyển U23 Việt Nam đã 4 lần giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á, trong đó, 1 lần giành hạng Nhì (năm 2018) và 1 lần vào tứ kết (năm 2022). Bên cạnh đó, các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo cũng tạo nên lịch sử khi giành hạng 4 tại ASIAD 2018. Còn tại sân chơi khu vực, Đội tuyển U22/U23 Việt Nam đã giành được những danh hiệu cao quý nhất, đó là 2 tấm Huy chương Vàng SEA Games 2019 và SEA Games 2021.

Thành tích của các đội tuyển trẻ tại sân chơi châu lục cũng đánh dấu sự trưởng thành về tư duy, mục tiêu dài hạn của bóng đá Việt Nam so với trước. Nếu từ năm 2016 trở về trước, các đội tuyển trẻ Việt Nam đều không thường xuyên dự vòng chung kết châu lục, hoặc nếu có tham dự cũng sớm bị loại, thì hiện nay, các đội tuyển trẻ của Việt Nam đang từng bước tạo nên “ấn tượng” trước các đối thủ ở sân chơi châu lục.

Bên cạnh đó, các đội tuyển trẻ Việt Nam cũng là môi trường tốt để các cầu thủ trẻ rèn luyện và trưởng thành. Qua các giải đấu, các đội tuyển trẻ Việt Nam đã giới thiệu nhiều gương mặt nổi bật cho các đội tuyển ở tuyến trên. Tiêu biểu như tại Đội tuyển U23 Việt Nam thành công nhất của bóng đá Việt Nam (2017-2018) đã được xây dựng dựa trên sự kết hợp của lứa cầu thủ U19 (2013-2014) và lứa U19 (2015-2016). Hiện nay, họ cũng là trụ cột của Đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Với nền móng vững chắc đến từ các đội tuyển trẻ, Đội tuyển quốc gia Việt nam đã gặt hái được nhiều thành công từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo, Đội tuyển quốc gia Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018 đầy thuyết phục, sau đó, tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi vào tứ kết Asian Cup 2019, thành tích ngang với giai đoạn 2007-2008. Dẫu vậy, thành công lần này đã bền vững và tiếp tục phát triển hơn.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam giành quyền góp mặt tại vòng loại 3 World Cup 2022 cùng các đội tuyển hàng đầu châu Á, đồng thời giành vé trực tiếp dự Asian Cup 2023. Đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng nằm trong top 100 thế giới trên Bảng xếp hạng FIFA từ tháng 11/2018 đến nay, thường xuyên nằm trong top 15 châu Á.

Những thành tích ấn tượng của bóng đá Việt Nam tại các sân chơi châu lục là thành tích mà các nền bóng đá hàng đầu khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia không thể chạm tới. Thái Lan bị loại tại vòng 16 đội - Asian Cup 2019, còn Malaysia và Indonesia không vượt qua nổi vòng loại. Tại vòng loại 2 World Cup 2022, các đối thủ trên đều không thể đánh bại Đội tuyển quốc gia Việt Nam và bị loại.

Tại World Cup 2026, giải đấu sẽ được mở rộng từ 32 lên 48 đội và khu vực châu Á sẽ có 8 suất, là cơ hội để bóng đá Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Với nguồn lực hiện tại của bóng đá Việt Nam được đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng. Bên cạnh đó, các đội tuyển trẻ cần giới thiệu thêm những gương mặt sáng giá để bổ sung sức mạnh cho Đội tuyển quốc gia Việt Nam.

World Cup là mục tiêu khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu World Cup, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các câu lạc bộ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để nâng cao chất lượng đào tạo trẻ một cách đồng bộ, bền vững, thay vì trông đợi vào số ít trung tâm đào tạo trẻ hiện nay.

Trọng Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/qua-ngot-den-tu-cac-doi-tuyen-tre-quoc-gia-post455806.html