'Quả ngọt' từ mầm xanh nơi biên cương
Với Đàm Thị Thu, cô sinh viên người dân tộc Nùng đến từ tỉnh Cao Bằng, tốt nghiệp Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam không chỉ là niềm vui, hạnh phúc vô bờ, mà còn là dấu mốc quan trọng để em viết tiếp những ước mơ, hoài bão của mình trong tương lai. Có được 'quả ngọt' này, không thể không nhắc đến những 'bố nuôi' Biên phòng đã đỡ đầu, hỗ trợ em từ Chương trình 'Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng'.
Lật từng trang ký ức, Đàm Thị Thu không tránh khỏi sự bồi hồi, xúc động khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ. Thu tâm sự, ngay từ bé, em đã thích tìm hiểu những bài thuốc dân gian của các dân tộc, tự mày mò, quan sát tìm hiểu công dụng của từng loại thuốc. Ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng của cô học trò nghèo bắt đầu từ đây và cứ thế lớn dần lên từng ngày. Thế nhưng, quê hương em, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, một xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn, hệ thống điện, đường, trường trạm chưa được đầu tư, xây dựng cơ bản, điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục - đào tạo lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, nhìn vào hoàn cảnh gia đình lúc ấy, Thu biết rằng mình cơ hội mình được học hết lớp 12 còn muôn vàn khó khăn chứ đừng nói đến việc học đại học. Song, như một phép màu kỳ diệu, vào năm 2016, BĐBP triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” hỗ trợ kinh phí cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến hết lớp 12, qua chia sẻ, giới thiệu của cấp ủy, chính quyền địa phương, em đã nhận được sự hỗ trợ, đỡ đầu từ bác Trung tướng Đỗ Danh Vượng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP.
Từ khi được bác Trung tướng Đỗ Danh Vượng nhận đỡ đầu, Thu như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, em có nhiều thời gian dành cho việc học tập hơn, bố mẹ cũng thường xuyên được các cô, chú ở đồn Biên phòng đến phụ giúp, chăm lo sức khỏe, hỗ trợ y tế. Thu nhớ lại: "Thời gian đó, nhiều hôm trời mưa, đứng vào một góc nhà nhìn ra ngoài trời, em tự nhủ lòng mình càng phải cố gắng học tập để không phụ lại tình yêu thương, sự giúp đỡ của các bác, các cô, các chú BĐBP. Dù trời mưa hay nắng thì đôi chân em vẫn phải bước tiếp, đối đầu với mọi thử thách, vì trong hành trình đó có bác Trung tướng Đỗ Danh Vượng và các cô, các chú BĐBP luôn đồng hành và hỗ trợ em".
Đến cuối năm lớp 12, Thu đặt ra mục tiêu là phải đỗ vào Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Khi ấy, Thu đã xin phép gia đình xuống thành phố Cao Bằng để ôn thi, quyết tâm thi đỗ vào ngôi trường ước mơ ấy trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người bố quanh năm ốm đau và những người dân nghèo quê hương mình... Nhưng hoàn cảnh gia đình em thời điểm đó vẫn rất khó khăn, bố không có khả năng lao động, nhà có bà nội và 2 em nhỏ, đất canh tác rất ít, tất cả nguồn thu để nuôi gia đình đều do 1 mình mẹ em vất xả xoay sở nên mẹ đành ngậm ngùi khuyên Thu gác ước mơ vào đại học lại vì gia đình không có khả năng lo cho Thu. Tuy nhiên, khi biết tin Thu thi đỗ đại học, Trung tướng Đỗ Danh Vượng đã gọi điện động viên cô "con nuôi" và quyết định tiếp tục hỗ trợ Thu toàn bộ chi phí học tập. Đồng thời, qua kết nối của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, biết được câu chuyện về hoàn cảnh của Thu, ông Phan Trường Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đã nhận hỗ trợ sinh hoạt phí để cháu yên tâm theo học.
Thay đổi môi trường sinh sống cũng như học tập, thời gian đầu khiến Thu gặp không ít khó khăn. Những lúc như thế, điều đầu tiên là Thu nghĩ đến "bố nuôi" và gọi điện cho "bố" để bố hướng dẫn, chỉ dạy cô. Qua giới thiệu của "bố nuôi", Thu quen nhiều cô chú BĐBP công tác tại Thủ đô Hà Nội hơn, trong đó, có Thiếu tá Trần Thị Lan, Trưởng phòng Truyền thông - Tổ chức sự kiện, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội. Thiếu tá Trần Thị Lan cùng với các cô chú BĐBP đã ân cần hướng dẫn cho Thu làm quen với môi trường sống, học tập tại Thủ đô. Nhận xét về Thu, Thiếu tá Trần Thị Lan chia sẻ: "Thu là một cô sinh viên rất chịu khó, năng nổ trong học tập. Thu đã vượt qua tất cả những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống để trở thành một tấm gương sáng cho các bạn cùng trang lứa học tập và noi theo. Ở Thu có đức tính cần mẫn, biết lắng nghe và quan tâm người khác. Tôi quý mến Thu như người thân và thường xuyên chia sẻ tâm tư, tình cảm để em yên tâm học tập, hoàn thành tốt chương trình đào tạo tại học viện".
Nói về cô sinh viên nghèo dân tộc Nùng mang theo ước mơ trở thành bác sĩ, Thạc sĩ Đoàn Hữu Xuyến, Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Đàm Thị Thu không chỉ là tấm gương sáng cho sinh viên học tập, mà còn là nguồn năng lượng mạnh mẽ cho những bạn trẻ khác cũng đang trong hoàn cảnh tương tự noi theo. Và Thu chính là minh chứng cho câu nói "mọi khó khăn đều có thể vượt qua và ước mơ có thể trở thành hiện thực, nếu bạn luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày".
Giờ đây, cô học sinh nhỏ bé năm nào đã có thể tự đứng vững trên chính đôi chân của mình, tiếp tục viết tiếp những trang tươi sáng của cuộc đời. Từ nghị lực phi thường của Đàm Thị Thu và sự giúp đỡ tận tình của những người lính quân hàm xanh cùng những tấm lòng thơm thảo của các mạnh thường quân, đã chắp cánh cho em thêm nghị lực, quyết tâm, kiên định theo đuổi mục tiêu. Tin tưởng rằng, dưới vòng tay che chở của những người "bố nuôi", "mẹ nuôi" BĐBP, Đàm Thị Thu sẽ "chân cứng, đá mềm", trở thành một bác sĩ tài đức vẹn toàn, mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn nơi vùng biên giới Cao Bằng.
Được biết, ngay sau khi cháu Đàm Thị Thu nhận bằng tốt nghiệp, Ban Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã quyết định tiếp nhận cháu vào thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh và miễn toàn bộ chi phí học tập trong thời gian 12 tháng tại đây.