Quả ngọt từ nghị quyết tam nông - Bài 2: Nâng tầm vị thế nông dân

Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ tạo nên cú hích cho nông nghiệp phát triển mà còn khích lệ nông dân Kiên Giang đổi mới cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, thể hiện vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

● Quả ngọt từ nghị quyết tam nông - Bài 1: Tạo đà cho nông nghiệp “cất cánh”

THAY ĐỔI TƯ DUY SẢN XUẤT

Đi cùng sự phát triển của nền nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có sự thay đổi về tư duy và trình độ sản xuất. Nông dân ngày càng nắm bắt khoa học, công nghệ liên quan đến sản xuất nông nghiệp, không còn tư duy sản xuất nông nghiệp theo kiểu con trâu đi trước cái cày theo sau.

Từ khắp các vùng nông thôn trong tỉnh, từng nơi, từng địa phương xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo thực hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao. Nông dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

Theo đồng chí Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, những năm qua, thực hiện chủ trương thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trung tâm tập trung thực hiện 23 chương trình, đề án, đề tài; trên 58 dạng mô hình trình diễn khuyến nông.

Trung tâm đẩy mạnh việc gắn kết tổ chức sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, xây dựng quy trình sản xuất an toàn và bền vững nhằm từng bước thay đổi tư duy của nông dân, định hướng cho nông dân làm kinh tế hiệu quả. Mỗi chương trình, dự án khuyến nông triển khai đều gắn với liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Thông qua việc tập huấn kỹ thuật sản xuất, nông dân chủ động thích ứng với biến động của thị trường.

Chuyển biến rõ nét về sự thay đổi nhận thức của nông dân là sự thay đổi về tập quán canh tác, nông dân từng bước vượt qua việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, biết cách liên kết hợp tác để sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có 165 thành viên, diện tích canh tác 850ha. Thành viên hợp tác xã có sự gắn kết chặt chẽ trong sản xuất, cùng tham gia cánh đồng lớn gắn liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Thành viên hợp tác xã thành thạo trong việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, hạn chế phân bón hóa học để giảm chi phí, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Út, ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên (Kiên Giang) xây lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt gia đình, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Út, ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên (Kiên Giang) xây lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt gia đình, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, trước đây, mỗi người, mỗi vùng có quy trình sản xuất riêng, bà con giấu nghề, sợ bị cạnh tranh, do đó sản phẩm làm ra không đồng đều. Từ khi tham gia cánh đồng lớn, thành viên nhận thấy lợi ích từ việc giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Tuấn cho biết: "Đến nay, toàn bộ diện tích sản xuất của hợp tác xã đều sử dụng giống xác nhận. Việc giảm lượng giống được thành viên hợp tác xã ủng hộ, bình quân mật độ gieo sạ 8-10kg/công, giảm 2-3 lần so với trước. Năng suất lúa đảm bảo đạt từ 7-8 tấn/ha đối với vụ đông xuân, vụ hè thu khoảng 7 tấn/ha”.

CHỦ THỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang mang lại cho diện mạo nông thôn sức sống mới. Thành quả đạt được đó có sự đóng góp rất lớn từ sức dân.

Người dân thể hiện vai trò là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên nhiều lĩnh vực. Người dân là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, các hoạt động dịch vụ; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc. Người dân xây dựng, bảo vệ và hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ gìn an ninh, trật tự; xây dựng đời sống văn hóa; đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Tây Yên A là xã đầu tiên của huyện An Biên (Kiên Giang) hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng yếu nhưng với quyết tâm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ của nhân dân, xã có bước phát triển mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang hơn.

Đồng chí Đinh Thị Tuyết Dung - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tây Yên A, huyện An Biên cho biết: “Với phương châm lấy dân làm gốc, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các ấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới. Khi triển khai bất cứ công việc gì, cấp ủy, chính quyền đều công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để người dân hiểu và chủ động tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Văn Út, ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên chia sẻ: “Gia đình tôi tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, ngày công, cây trồng trên đất để Nhà nước làm đường và xây cầu giao thông nông thôn. Đến nay, được đi lại trên con đường bê tông rộng rãi, cầu, đường nối liền, người dân đi lại thuận tiện hơn, tôi tự hào, vui mừng vì đóng góp một phần công sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn khang trang, hiện đại hơn”.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

►Quả ngọt từ nghị quyết tam nông - Bài cuối: Diện mạo nông thôn đổi mới

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/qua-ngot-tu-nghi-quyet-tam-nong-bai-2-nang-tam-vi-the-nong-dan-10724.html