'Quả ngọt' từ nông nghiệp công nghệ cao
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng CNC vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có thể nói, đây là tiền đề quan trọng để các địa phương hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.
Diện tích sản xuất dưa Kim hoàng hậu trong nhà lưới tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).
Tại thị trấn Thiệu Hóa - một trong những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp CNC lớn trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, đã nhân rộng được nhiều mô hình trồng dưa Kim hoàng hậu, rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lê Văn Tỉnh, một trong những hộ dân tiên phong sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC cho biết: “Khi sản xuất dưa Kim hoàng hậu theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi phải thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu tạo bầu, chọn giống, gieo trồng, theo dõi quá trình sinh trưởng cho đến khâu thu hoạch; dưa được trồng trong nhà màng bằng, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động hiện đại của Israel; sử dụng nước sạch, phân bón hữu cơ sinh học, kiểm soát nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt nhưng lại tốn ít chi phí thuê nhân công vì các công đoạn tưới nước, bón phân đều tự động, dưa được trồng trong nhà lưới nên có thể sản xuất quanh năm, hạn chế côn trùng, năng suất, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích trồng đều được doanh nghiệp, thương lái bao tiêu sản phẩm nên người dân trồng dưa Kim hoàng hậu trên địa bàn thị trấn rất yên tâm về khâu tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, hiện nay thị trấn Thiệu Hóa có 22 hộ gia đình tham gia trồng dưa vàng Kim hoàng hậu với tổng diện tích 4,16 ha liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm và 23,9 ha chuyên canh rau màu, trồng hoa trong nhà lưới... Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Hiện nay, các loại rau, quả có hiệu quả kinh tế cao đã được trồng quanh năm, một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng như rau an toàn, dưa Kim hoàng hậu, dưa chuột Baby...
Có thể nói, với lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh, các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Nga Sơn... đã nhanh chóng triển khai, hướng dẫn, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thông qua các mô hình, người dân đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, người dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.100 ha đất sản xuất các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...); gần 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; hơn 760 ha cây trồng được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; khoảng 260 ha nhà màng nhà lưới sản xuất nông nghiệp CNC, hơn 2.500 ha sản xuất nông nghiệp áp dụng tưới tiên tiến. Bên cạnh trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại tập trung theo chuỗi khép kín, máy móc tiên tiến; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở các huyện có điều kiện về đất đai, đồng bộ về hạ tầng, kiểm soát dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường và có thị trường tiêu thụ ổn định, như Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc...
Các mô hình nuôi trồng thủy sản cũng được nhân rộng với kỹ thuật tiên tiến, hệ thống mái che hiện đại, xây dựng các mô hình nuôi đa tầng, đa loài, bảo đảm môi trường bền vững, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống.
Có thể nói, việc sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh bước đầu gặt hái được những “quả ngọt”, tạo ra giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 20% trở lên.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/qua-ngot-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao/189062.htm