Qua nhiều sóng gió, vị tỷ phú USD Việt chi đậm 3 ngàn tỷ chia nhau
Tỷ phú USD kín tiếng và đáng gờm Nguyễn Đăng Quang tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh cho dù sóng gió liên hồi trong thời gian gần đây.
CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MCH) của tỷ phú nước mắm và tương ớt Nguyễn Đăng Quang vừa chốt danh sách cổ đông chia cổ tức tỷ lệ 45% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 4.500 đồng. Thời gian thanh toán là 26/6/2019.
Với gần 610 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Masan Consumer của ông Nguyễn Đăng Quang sẽ chi khoảng 2.700 tỷ đồng cho cổ đông, trích từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đến hết quý 1/2019.
So với mặt bằng chung trên thị trường, mức trả cổ tức 45% là rất cao, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp của ông Quang gần đây gặp nhiều sóng gió từ thị trường tiêu dùng trong nước.
Sở dĩ mức cổ tức được duy trì cao là bởi hoạt động kinh doanh của Masan Consumer vẫn khá ấn tượng, với doanh thu 2018 tăng trưởng gần 29% so với năm trước lên trên 17 ngàn tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế tăng 51% lên gần 3,4 ngàn tỷ đồng.
Mặc dù tỷ lệ cổ tức cao nhưng số lượng cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông bên ngoài tại Masan Consumer khá ít, chủ yếu vẫn là Tập đoàn Masan và các công ty liên quan của nhà vợ chồng tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang và Nguyễn Hoàng Yến (hơn 95%).
Dù thống lĩnh thị trường, nhưng doanh thu 2 mảng chính nước chấm và tương ớt của Masan vẫn vẫn tăng mạnh trong năm vừa qua lên hơn 7 ngàn tỷ đòng. Trong báo cáo thường niêm 2017, Masan nắm giữ khoảng 70% thị phần mảng này.
Thị trường tiêu dùng Việt Nam phát triển mạnh trong vài năm gần đây nhờ thu nhập tăng, người tiêu dùng bận rộn và thích ăn hàng quán… Xu hướng này đang giúp tỷ phú USD kín tiếng và đáng gờm Nguyễn Đăng Quang thu bộn tiền từ những đồ ăn, thức uống hàng ngày.
CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF), một công ty cháu chắt của Tập đoàn Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang cũng vừa công bố kế hoạch lãi ròng 650-750 tỷ đồng năm 2019 và chia cổ tức tỷ lệ 240% cho năm 2018.
Vinacafé Biên Hòa tiếp tục là một trong số ít hiếm hoi các doanh nghiệp chia cổ tức khủng đến như vậy. Tuy nhiên, hầu hết các cổ đông nhỏ lẻ không có phần trong cỗ máy in tiền này bởi Công ty TNHH Một Thành viên Masan Beverage (“MSB”), một công ty con của Masan Consumer đang nắm tới 98,49% cổ phần VCF.
Định hướng của MCH nói riêng hay Masan của ông Nguyễn Đăng Quang nói chung là: “Mỗi gia đình Việt Nam sẽ sử dụng một sản phẩm của Masan Consumer. Trong tương lai, mỗi người Việt Nam sẽ sử dụng một sản phẩm của Masan Consumer.
Hồi đầu tháng 4, Masan gặp khó khăn với thông tin lô hàng 18 ngàn chai tương ớt Chin-Su bị dừng lưu thông ở Nhật Bản do ghi nhãn phụ không đầy đủ. Theo Masan Consumer, các sản xuất và phân phối của MCH tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.
Masan gần đây cũng gặp tình huống marketing gây phản cảm như việc xếp sản phẩm tạo hình Lăng Bác gây phản ứng mạnh trên mạng.
Ông Nguyễn Đăng Quang được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 4 Việt Nam. Đại gia gốc Quảng Trị kín tiếng nhưng có các sản phẩm hiện diện hàng ngày trong mâm cơm gia đình Việt.
Hồi đầu tháng 3, Tạp chí Forbes 3 công bố danh sách tỷ phú USD 2019, ghi danh ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan) là tỷ phú USD Việt mới với tài sản đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1717 thế giới.
Theo Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang (1963) từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Ông Quang là tỷ phú tự thân, có 3 con.
Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 22% cổ phần Masan, trị giá khoảng 22,6 ngàn tỷ đồng theo vốn hóa của Masan trên sàn.
Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Techcombank (TCB), Coninco (CNN)…
Ông Nguyên Đăng Quang là tiến sỹ vật lý hạt nhân nhưng thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Ông được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga. Về Việt Nam, ông Quang thành công hơn với việc xây dựng được một chế hàng tiêu dùng nhanh với nhiều sản phẩm từ mì gói, tương ớt, nước tương,...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch ảm đạm và áp lực bán vẫn còn nhưng nhẹ bớt vào cuối phiên. VN-Index có lúc thủng mốc 940 điểm. Nhóm đầu khí có dấu hiệu tăng trở lại, trong khi một số cổ phiếu trụ cột vẫn diễn biến tích cực như Masan, Vietinbank, FPT…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, các chỉ số tiếp tục giảm nhưng đã xuất hiện các dấu hiệu của dòng tiền bắt đáy. Các phiên phục hồi có thể sớm xuất hiện nhưng còn sớm để nói về sự đảo chiều xu hướng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/6, VN-Index giảm 3,2 điểm xuống 948,21 điểm; HNX-Index giảm 0,51 điểm xuống 103,03 điểm và Upcom-Index giảm 0,11 điểm xuống 54,43 điểm. Thanh khoản đạt 150 triệu đơn vị, trị giá 3,5 ngàn tỷ đồng.