Quả 'nữ hoàng', hạt 'tỷ đô' nhảy giá từng ngày
Cận Tết Nguyên đán, hầu hết các cơ sở chế biến, phân phối mắc ca ở Tây Nguyên đều không còn hàng dự trữ. Giá bán mắc ca được đẩy lên từng ngày và không dễ tìm mua được loại hạt đắt đỏ này.
Huyện Tuy Đức được coi là thủ phủ mắc ca của tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là một trong số ít các địa phương hiện đang trồng, chế biến loại hạt này.
Nhu cầu sử dụng "nữ hoàng của các loại hạt" rất lớn nhưng những ngày giáp Tết, thủ phủ mắc ca liên tục trong tình trạng khan hiếm hàng. Dù giá bán tăng gấp đôi, nhiều người vẫn khó mua được.
Những ngày này, xưởng chế biến mắc ca của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Quảng Trực (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) tất bật vận hành cả ngày lẫn đêm, để kịp giao hàng cho khách phục vụ Tết Nguyên đán 2023.
Đặc thù trong việc chế biến mắc ca là cần trải qua nhiều công đoạn. HTX huy động nhiều nhân công làm việc tăng ca, trong đó khâu chẻ hạt và đóng gói cần nhiều người làm nhất.
Bà Nguyễn Thị Thủy Linh, đại diện HTX cho biết, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, đơn vị đã chủ động thu gom hơn 10 tấn mắc ca nguyên liệu để chế biến.
Tuy nhiên, do kho bảo quản hạn chế, số lượng mắc ca dự trữ của HTX chỉ đủ đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Đến cuối tháng 12/2022, phần lớn mắc ca đã được chế biến và xuất xưởng.
"Mắc ca được thu mua từ các nông hộ trong vùng và bảo quản, chế biến bằng cách sấy lạnh. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 10 tấn mắc ca thành phẩm để phục vụ Tết Nguyên đán. Năm nay, số lượng hàng có thể tăng nhẹ", bà Linh cho hay.
Cũng theo bà Linh, hiện nay, sản phẩm mắc ca chế biến của HTX khi bán ra thị trường có giá cao hơn khoảng 100.000 - 125.000 đồng/kg so với sản phẩm thô. Phần lớn sản phẩm mắc ca của HTX đều bán được ở mức 225.000-250.000 đồng/kg.
Ngoài thị trường trong nước, HTX cũng tiếp cận được với thị trường tỉnh Mondulkiri, nước bạn Campuchia để xuất khẩu mắc ca.
Chị Nguyễn Thị Dung (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), chủ một cơ sở sản xuất tại trung tâm huyện Tuy Đức cho biết, để kịp đơn hàng Tết, các thành viên gia đình và 5 nhân công tại xưởng làm việc suốt ngày không nghỉ.
Lượng hàng cơ sở này sản xuất mỗi ngày nhiều hơn bình thường do khách hàng đặt để làm quà Tết với số lượng lớn. Đến nay cơ sở của gia đình đã chế biến được khoảng 10 tấn mắc ca sấy khô, đang đóng gói phục vụ Tết Nguyên đán.
Cũng theo chủ cơ sở này, giá hạt mắc ca luôn ở mức cao nhưng chưa bao giờ tồn kho, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Đến thời điểm này, cơ sở cũng chỉ tập trung chế biến, đóng gói, cố để giao hết các đơn hàng đã nhận chứ không nhận thêm đơn hàng mới.
Tương ứng với hoạt động sản xuất, tại TP Gia Nghĩa - trung tâm tỉnh Đắk Nông, số lượng mắc ca tiêu thụ vào thời điểm giáp Tết cũng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhiều điểm bán hạt mắc ca "cháy hàng" trong dịp Tết.
Chị Lê Thị Ly Na, chủ cửa hàng chuyên bán sản phẩm Tết tại TP Gia Nghĩa cho biết, dịp trước Tết, chị có nhập khoảng một tấn hạt mắc ca để làm giỏ quà Tết.
Đến thời điểm này, dù tiếp tục có nhiều đơn hàng nhưng cơ sở chế biến mắc ca của chị Na phải từ chối nhận vì đã hết hàng dự trữ. Giá mắc ca hiện đã lên mức xấp xỉ 300.000 đồng/kg, cao hơn so với những năm trước.
"Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu mua mắc ca làm quà tặng hoặc sử dụng trong dịp Tết cổ truyền của người dân đã tăng trở lại. Hạt mắc ca được chế biến thủ công, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể thay thế các loại hạt truyền thống nên được người dân ưa chuộng", chị Ly Na cho hay.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/qua-nu-hoang-hat-ty-do-nhay-gia-tung-ngay-17223011708544832.htm