Qua ô cửa sổ
Ngày nắng cũng như hôm mưa, Tùng tập nhận diện màu sắc, nghĩ về cách pha trộn, nghĩ về những điều sẽ vẽ nhưng Tùng chưa vẽ ngay. Một phần là bởi do chưa quen ngậm cọ trong miệng rồi điều khiển nét vẽ; mặt khác, số tiền mua màu rất đắt, Tùng không dám vẽ ngay, sợ hỏng. Hình mẫu đầu tiên mà Tùng nghĩ đến chính là ngôi nhà trong tấm ảnh của chị Kiều Trinh cho xem. Ở đó có hàng cây dẫn lối đi vào sân nhà.
Mấy hôm nay, trời kéo mây âm u cả ngày. Khí hậu thay đổi thất thường làm tâm trạng con người cũng chẳng dễ chịu gì. Rào rào trên mái tôn, vậy là cơn mưa đã trút xuống. Tùng vừa thức dậy, cơn gió lành lạnh lùa vào ô cửa sổ khiến chàng trai tỉnh táo hẳn. Mười tám tuổi, Tùng ít bạn. Đám bạn thân của cậu trẻ này chắc là mấy chậu xương rồng cao chừng hai gang tay. Trong căn phòng nhỏ của mình, Tùng bày biện xương rồng rất lề lối. Chậu to sẽ được đặt ở góc trong, nhường chỗ cho chậu nhỏ hơn hưởng chút ánh nắng mỗi ngày. Nhìn từ xa, lan can cửa sổ y hệt một khuông nhạc. Từng “nốt nhạc” dính đầy gai nhọn tựa như những điểm luyến láy của bài hát.
Từ nhỏ, tay chân của Tùng co quắp. Việc ăn uống của Tùng cũng cần có người giúp đỡ. Suốt thời niên thiếu, nhìn bạn bè cắp sách đến trường, nội tâm của Tùng lại tự giằng xé: “Mình phải làm gì đây? Tại sao mình lại đến với cuộc đời này mà phải sống trong hình hài khuyết tật? Mình lấy gì để sống tiếp?”. Hàng chục câu hỏi được Tùng tự chất vấn bản thân. Vốn trầm tính lại phải luôn đấu tranh tư tưởng, rất ít người thân biết Tùng đang nghĩ những gì. Bề ngoài, đôi mắt như biết cười của chàng trai dễ làm người xung quanh nghĩ rằng Tùng đang vui với cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả đã sai.
Mùa hè ba năm trước, nhà hàng xóm của Tùng đón người họ hàng từ Mỹ về thăm quê. Là Việt kiều, chị Kiều Trinh có tính cách xởi lởi, phóng khoáng. Có lẽ, nếp sống phương Tây đã tạo ra cho chị Trinh nét hướng ngoại như vậy. Khi biết câu chuyện của Tùng phải nằm một chỗ từ nhỏ, chị Trinh sang thăm hỏi. Sau vài hôm chuyện trò thân quen, chị Trinh cầm theo độ mươi tấm ảnh được chụp ở Mỹ cho Tùng xem.
Mười mấy năm nằm một chỗ, lần đầu tiên Tùng được thấy những công trình, cảnh vật cao lớn, rộng thênh thang. Tất cả khác hẳn với góc nhìn khoảng sân trước nhà của Tùng bấy lâu nay. “Đây là đâu vậy chị? Cái tòa nhà này cao mấy chục tầng mà nhìn dễ sợ quá?”, Tùng hỏi liên tục. Bố mẹ Tùng cũng phải bất ngờ khi đứa con trai vốn ít nói mà lại hứng thú với các hình ảnh kiến trúc xa lạ. Những tấm ảnh đó chính là khởi đầu cho đam mê vẽ tranh của Tùng.
Hằng đêm, trước khi chìm vào giấc ngủ, vài hình ảnh thoáng qua về ngôi nhà cao chót vót, khu rừng rộng thênh lại hiện lên trong trí não của chàng trai trẻ. Như tìm được lối đi cho mình, Tùng hiểu bản thân cần tái hiện lại những điều ước vào trang giấy. Đó mới là con đường tự tìm cuộc sống của một người khiếm khuyết như Tùng. Nhưng vẽ bằng cách gì trong khi đôi bàn tay yếu ớt như nhành hoa lan treo trước hiên nhà. “Nếu không vẽ bằng tay thì ngậm cọ vào miệng để vẽ”, Tùng tự nói với lòng mình. Ý tưởng đó đến tai bố mẹ của Tùng. Họ hiểu rằng cần hỗ trợ, chia sẻ đam mê của đứa con trai. Bố Tùng đi mua cọ, màu vẽ rồi chế tạo giá đỡ thấp ngang giường để Tùng dễ dàng vừa nằm vừa vẽ. Mẹ của cậu sắp xếp lại căn phòng, kê mấy chậu cây để tăng thêm tính thẩm mỹ.
*
Ngày nắng cũng như hôm mưa, Tùng tập nhận diện màu sắc, nghĩ về cách pha trộn, nghĩ về những điều sẽ vẽ nhưng Tùng chưa vẽ ngay. Một phần là bởi do chưa quen ngậm cọ trong miệng rồi điều khiển nét vẽ; mặt khác, số tiền mua màu rất đắt, Tùng không dám vẽ ngay, sợ hỏng. Hình mẫu đầu tiên mà Tùng nghĩ đến chính là ngôi nhà trong tấm ảnh của chị Kiều Trinh cho xem. Ở đó có hàng cây dẫn lối đi vào sân nhà. Bố cục đã ổn, Tùng như thấy bản thân mình đứng trước ngôi nhà cao lớn.
Bỗng mấy đứa học trò đi ngang qua nhà, nhìn Tùng lọ mọ bên khung tranh, chúng liền chọc ghẹo. Nguồn năng lượng tích cực được dồn tụ bao nhiêu ngày đã bị lũ trẻ tinh nghịch phá mất. Tùng lại một lần rơi vào trầm tư. Vì cơn bực bội không kiềm chế được, đôi chân yếu ớt của Tùng vô tình hất đổ một chậu xương rồng. Chậu vỡ nát, đất đá rơi khắp nơi. Duy chỉ có cây xương rồng vẫn bám chắc vào mảnh sành đế chậu. Một nhánh xương rồng non đang tự tách ra khỏi thân xương rồng mẹ. Gai góc của xương rồng vẫn xù xì như muốn nói, chẳng có gì có thể làm khó được xương rồng.
Nhìn con trai lọ mọ hốt từng nắm đất, bà Thủy ôm chặt Tùng vào lòng. Hai người không nói không rằng nhưng nước mắt chực tuôn trào. Nhìn đống bột màu, mấy cây cọ rơi vương vãi, bà Thủy như đọc rõ nội tâm của con trai mình. Vội kéo tấm màn che ô cửa sổ lại, bà Thủy vỗ về con trai: “Kệ tụi nhỏ đi con. Bọn chúng đâu làm được như con. Chắc gì bọn nó chạy nhảy ngoài kia mà đầu óc phong phú bằng con”. “Nhưng bọn nó đi được”, lần đầu tiên Tùng khóc. Ước mơ được đi nhiều nơi, ngắm nghía, sờ nắm tận tay mọi thứ xung quanh đã tồn tại trong suy nghĩ của Tùng từ ngày gặp chị Trinh. Tùng ước mình có bốn chiếc cánh như con chuồn chuồn, dù mỏng manh nhưng đủ sức vẫy vùng khắp chốn. Tùng lại muốn hóa thành hoa bồ công anh, nhẹ tênh trong gió bay đến bốn phương trời.
Mỗi ngày trôi qua, vẫn là hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Con lắc đồng hồ treo trên tường cứ đung đưa qua lại. Tùng tự nghĩ trong lòng, con lắc luôn đung đưa đều đặn mà nó không chán, vì nó là một cỗ máy. Còn bản thân Tùng cũng “đung đưa” ánh mắt qua ô cửa sổ nhỏ bé thì lại chán nản. Bất chợt, Tùng gọi mẹ: “Mẹ ơi! Con muốn đi ra ngoài”. Chiếc xe lăn dư sức chịu đựng thân hình nhỏ thó của Tùng. Bù lại, chiếc xe cõng thêm một ba lô đồ nghề vẽ tranh của chàng trai trẻ.
Cứ thế, hai mẹ con họ lầm lũi đi dọc con đường trong thôn, dừng bên chiếc giếng cạnh sân đình làng, rồi chậm rãi băng qua con đường ray… để về chợ huyện. Mỗi ngày, bà Thủy cố gắng đẩy xe lăn cho Tùng đi ra ngoài khoảng vài tiếng đồng hồ để lấy cảm hứng vẽ tranh. Những lọ màu vơi dần đi. Có bức tranh cũng tạm gọi là tranh, có bức coi như Tùng xé nháp. Xuất phát điểm không phải là người được đào tạo vẽ bài bản, Tùng chỉ họa lại cảm nhận của mình về những điều thấy được. Những bữa không đi ra ngoài, Tùng nằm sõng soài trên giường, mắt nhìn xa xăm.
Ngắm giọt sương mai đọng trên đầu cọng gai xương rồng, Tùng tự mỉm cười. Nụ cười ngây ngô đó của Tùng là bởi cậu thấy chiếc gai nhọn bé tí tẹo, chả đáng là bao mà cũng đủ chỗ cho một giọt sương bám víu. Tùng ví giọt sương đó là bản thân mình. Cây xương rồng đầy gai chính là bà Thủy, mẹ cậu. Bà đã mạnh mẽ đối diện với thực tế. Bà đã đồng hành, chia sẻ mọi điều với cậu. Khung cửa sổ đơn sơ kia mở ra cơ hội, mang lại niềm đam mê vẽ tranh cho cậu.
*
Gần nửa năm trôi qua, trình độ pha màu, lên bố cục tranh của Tùng đã ổn định. Cầm cây thước kẻ đo chiều cao cây xương rồng, Tùng nhận ra nó đã cao thêm hơn mười centimet. Cây xương rồng cao dần tựa như kỹ năng vẽ tranh của Tùng cũng đã ổn định, đủ sức phá cách cho đam mê vẽ. Nhớ lại những tấm ảnh của chị Kiều Trinh cho xem, Tùng mường tượng nhưng không thể nhớ chi tiết về nó. Chàng trai chỉ nhớ vài câu trước khi ra về của chị Trinh rằng: “Em hãy là chính em. Sở thích, đam mê của em như thế nào, chỉ cần em tái hiện nó ra thực tế. Chỉ như vậy, mọi người mới có cái nhìn khác về em!”. Lời khuyên đơn giản đó đã tiếp thêm năng lượng sáng tạo cho Tùng.
Vẫn là tư thế nằm sấp người, miệng ngậm chặt cây cọ, Tùng vẽ liên tục suốt bốn tiếng đồng hồ để cho ra bức tranh một đài phun nước. Đó là hình ảnh duy nhất mà Tùng có thể nhớ trong tấm ảnh được chị Trinh chụp ở một khu phố bên Tây. Bức tranh hoàn thiện cũng là lúc ánh mặt trời cuối ngày dần xuống núi. Nằm nhìn bức vẽ chưa khô lớp màu, đủ mọi cảm xúc bao trùm lấy Tùng. Mãn nguyện rồi tự hào vì mình đã vẽ thành công cũng có. Cả việc Tùng hối tiếc vì không nhớ đủ các chi tiết cũng xuất hiện quanh quẩn căn phòng. Lần đầu tiên chàng trai trẻ hiểu được vì sao các họa sĩ hay đăm chiêu, nghĩ ngợi rồi rơi vào trầm tư như người mất hồn. Với cậu, mỗi lần cảm xúc bất ổn, đuôi cây cọ vẽ lại ngắn đi một đoạn. Đó là do Tùng có thói quen cắn đuôi cây cọ, một thói quen hình thành từ khi nào không hay.
Vài ngày sau, khi biết đứa cháu nhà hàng xóm vẽ thành công bức tranh đầu tiên, ông Lý, một nhà giáo về hưu tìm đến xem bức tranh. Ông Lý không thể ngờ với một thân hình yếu ớt như Tùng mà có thể vẽ ra bức tranh mang nhiều cảm xúc như vậy. Ngắm nghía kỹ từng cạnh góc của đài phun cho đến chi tiết lấp lánh của giọt nước, tất cả đập vào mắt người xem luồng cảm xúc tươi mát, phóng khoáng nhất định. Ông Lý hỏi Tùng: “Cháu đã đặt tên cho bức tranh này chưa?”. Tùng nghĩ chặp lâu rồi bảo rằng, khi vẽ bức tranh, cậu hướng đến nét đẹp long lanh của con người xây nên đài phun nước. “Vậy thì đặt tên tranh là “Cuộc đời lấp lánh” đi cháu”, ông Lý cười.
Nói rồi, ông Lý gợi ý Tùng mang bức vẽ đến đặt tại phòng tranh của mình ngoài phố huyện. Chỉ như vậy, nhiều người mới biết đến một tài năng hội họa là Tùng. “Lỡ mọi người chê tranh của cháu thì sao ạ?”, Tùng nói trong sự lo lắng thấy rõ. Bởi vì không tên không tuổi, lại là một người khiếm khuyết, Tùng luôn tự thu mình. Ông Lý vỗ vai cậu: “Nếu không ai thích mua thì ông sẽ mua tranh của cháu. Yên tâm!”. Lời động viên từ đáy lòng của ông Lý đã thôi thúc Tùng mạnh dạn mang tranh đi ra khỏi căn phòng quen thuộc của mình.
Suốt đêm hôm đó, bầu trời vằng vặc ánh trăng. Luồng ánh sáng chiếu qua ô cửa sổ rọi xuống chiếc giường, nơi vẽ tranh của Tùng. Bất chợt, mắt Tùng nhìn lên hàng trăm ngôi sao trên bầu trời đêm. Ô cửa cổ hằng ngày tưởng chừng nhỏ xíu thì với ánh sáng từ mặt trăng, một thế giới rộng lớn như sà xuống bên chàng trai. Đom đóm từ đâu bay ngang qua rồi ghé đậu lên song cửa nhỏ. Đom đóm chợt sáng, chợt tắt, rồi lại sáng. Cơn gió nhẹ thoáng qua làm đom đóm giật mình bay đi. Tùng nghĩ thầm, ánh sáng của đom đóm sao mà có nét giống mình. Có khi vui lắm mà cũng có hồi trầm ngâm, tĩnh lặng.
*
Giữa trưa nắng, cửa hàng bán tranh của ông Lý trên phố Nguyễn Tri Phương vắng hoe. Bỗng dưng, tiếng hót của chú chim chào mào vang lên. Chim hót tức có khách ghé xem tranh. Nhìn đôi giày da bóng loáng kèm theo tiếng lộc cộc từ đế giày, ông Lý biết chắc là một vị khách sành về tranh vẽ. Quả nhiên, vị khách nam độ sáu mươi tuổi, tóc vuốt ngược dừng lại bên bức tranh vẽ đài phun nước của Tùng.
Mười phút, mười lăm phút ngắm nghía tranh, vị khách mới nói đúng một câu: “Anh cho tôi hỏi, ai là chủ nhân bức tranh này?”. Ông Lý chưa kịp trả lời, vị khách chốt vội: “Tôi sẽ mua bức này. Anh đóng gói tranh rồi gửi đến nhà cho tôi. À, anh kèm theo thông tin của người vẽ bức tranh luôn nhé. Sẵn tiện anh đặt người đó vẽ thêm một bức nữa. Tôi thích cách vẽ của họa sĩ này!”.
Mười lăm triệu đồng cho bức tranh vẽ đài phun nước. Ông Lý không xa lạ với con số hơn chục triệu đồng cho một bức tranh do ông bán. Tuy nhiên, điều ông tự hào là bức tranh này được một bạn trẻ khiếm khuyết phải vẽ tranh… bằng miệng, chính là Tùng.
Ghi vội mấy dòng thông tin liên lạc của tác giả tranh, ông Lý đặt vào đó niềm tin rằng, cái đẹp thực sự đã được đến với người cần nó. Giao tranh cho khách xong, ông Lý chạy đến nhà Tùng. Gọi mãi chẳng có ai trả lời, ông Lý đi vòng qua hiên nhà. Nhìn vào ô cửa sổ phòng của Tùng, thì ra cậu đang lim dim ngủ.
Không vội đánh thức Tùng, ông Lý nhìn từng chậu xương rồng được chàng trai trẻ chăm sóc bấy lâu nay. Chậu cây mới được tô thêm vài họa tiết, vẫn còn độ ẩm của lớp màu. Sát gốc xương rồng được phủ lớp sỏi nhỏ màu trắng. Chỉ nhìn sơ qua, ông Lý hiểu được phần nào tính cách của Tùng. Là một người dù tay chân có phần yếu ớt nhưng làm gì Tùng cũng gọn gàng, tỉ mỉ. Đam mê nghệ thuật dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải chăm chuốt, sáng tạo.
“Dạ, ông đến khi nào mà cháu không biết”, Tùng giật mình thức giấc. “Cháu có tin vui đây. Bức tranh “Cuộc đời lấp lánh” của cháu đã có người mua rồi. Mười lăm triệu đồng lận đó. Họ đặt tiếp một bức khác nữa đó, cháu trai ạ”, ông Lý nheo mắt cười. Giữa cảm giác vừa thức giấc, đầu óc còn quay cuồng, khi nghe những lời của ông Lý, Tùng tự tay véo má của mình. Là sự thật. Bức tranh của Tùng đã được bán thành công.
Tùng vui mừng ra mặt. Đôi tay cậu quơ qua quơ lại đủ để hiểu, Tùng vui đến nhường nào. Từ nhỏ đến giờ, đây là lần duy nhất cảm xúc của cậu như bừng lên. Nó không hề giống những lần được mẹ mua cho món quà ngày nhỏ. Cảm giác trở thành một người làm được việc, được xã hội công nhận hoàn toàn khác. Với người bình thường, khi làm ra một kết quả tốt đẹp sẽ vui. Tuy nhiên, với Tùng, niềm vui đó còn đan xen cả quá trình vượt lên chính mình. Trao phong bì tiền bán tranh cho Tùng, ông Lý bảo: “Cháu thấy chưa, cháu sẽ làm được mà. Đam mê của cháu chỉ có thể do cháu định giá. Vẽ tranh cũng như xây dựng nên tính cách của chính chúng ta. Cháu có vẻ yêu thiên nhiên, cứ để tâm hồn mình bay bổng với điều đó nhé cháu. Căn phòng của cháu dễ thương lắm đấy!”.
Những lời động viên, khen ngợi của ông Lý như tiếp thêm năng lượng mạnh mẽ cho Tùng. Có được số tiền bán tranh đầu tiên, Tùng chia ra hai phần. Với ba triệu đồng, Tùng nhờ bố mẹ mua thêm khung tranh cỡ lớn, thêm bộ màu rồi cọ vẽ. Số tiền còn lại, Tùng gửi cho bố mẹ. “Đây là số tiền đầu tiên con làm ra được trong đời mình. Con xin biếu bố mẹ. Áo quần của bố mẹ cũ hết rồi. Mấy lần bố mẹ đẩy xe lăn cho con, con thấy hết mà. Bố mẹ mua thêm quần áo mới nha”. Nghe những lời nói đó, bà Thủy ôm chặt lấy đứa con trai bé bỏng của mình. Nắm đôi tay nhỏ nhắn của con trai, bà Thủy lộ rõ vẻ hạnh phúc trên gương mặt đầy vết chân chim của mình.
*
Mỗi buổi chiều trên con đường quê, có hôm là bố Tùng đẩy xe lăn đưa Tùng đi ngắm cảnh; có buổi là bà Thủy cùng con trai ra ngồi nhìn ánh hoàng hôn dần buông xuống. Từng chi tiết được lưu giữ vào trí nhớ của Tùng. Mạch sáng tác tranh của cậu trai trẻ từ đó đều đặn hơn. Kỹ năng điều khiển cọ vẽ bằng miệng dần vững chắc trong từng đường nét. Bức tranh thứ hai mang tên “Ánh hào quang” của Tùng đã giao đến cho vị khách hôm nọ. Tranh miêu tả một khung cảnh buổi chiều. Nơi đó ẩn hiện những làn mây đa sắc, xuyên qua là vài vạch sáng yếu ớt cuối ngày. Chủ thể của bức tranh là đường ray cùng một đoàn tàu lửa đang tiến về phía trước. Sở dĩ, Tùng luôn đan cài chi tiết vệt sáng vào tranh của mình là vì Tùng ước mong tìm được lối đi cho bản thân. Đường ray tàu lửa đã kể được hành trình đầy nặng nhọc, lồng ghép câu chuyện những con người đã đến với Tùng, trên chuyến đi đến với ước mơ.
Mỗi khi đêm về, Tùng trở lại với căn phòng thân yêu. Ô cửa sổ nhỏ cũng đã dần xuống cấp theo năm tháng. Mưa nắng bao ngày tạt lên song cửa gỗ, làm sao ô cửa có thể bền bỉ mãi mãi. Trên bốn vách tường, tranh vẽ được bố Tùng đóng khung chắc chắn, treo theo sự sáng tạo, sắp xếp của Tùng. Có đợt, ông Lý đến thăm không gian vẽ của Tùng. Khi ông thấy một bức tranh họa lại một cô gái với đôi mắt sáng, trên tay cô đang đeo một vòng tay nhỏ. Bức tranh rất đẹp. Ông Lý hỏi vì sao Tùng chưa giới thiệu bức vẽ này cho khách hàng tìm mua. Lúc này, Tùng mới tâm sự: “Dạ đây là bức tranh cháu vẽ tặng cho người chị đã hướng cháu đến với nghệ thuật. Đó là chị Kiều Trinh, đang sống ở Mỹ. Mấy năm nay, chị ấy chưa về lại Việt Nam. Cháu luôn mong một ngày nào đó được gặp lại chị Trinh để có thể nói lời cảm ơn đến chị”.
Là người luôn đặt nặng tình cảm lên trên hết, Tùng đều nghĩ cho những người xung quanh trước khi nghĩ đến bản thân mình. Kể cả việc vẽ tranh cũng không nằm ngoài điều đó. Trước khi vẽ bức chân dung chị Kiều Trinh, hai nhân vật đầu tiên được Tùng khắc họa thành tranh chính là bố mẹ của cậu. Họ đã song hành với cậu trong những buổi đầu tiếp xúc với hội họa, rồi những lần đi tìm cảm hứng vẽ tranh cho đến hiện tại. Hình ảnh bà Thủy được tạo hình với mái tóc chấm ngang lưng, thường khoác một chiếc áo có mũ. Hai tay bà đẩy chiếc xe lăn mà lạ thay, trên xe lăn không có hình dáng của Tùng mà thay vào đó là một trái tim màu đỏ, nhỏ xíu. Có lẽ, mọi tình cảm rộng thênh của chàng họa sĩ trẻ đã tự thu khép lại để hóa thành cái đẹp thực sự giản đơn.
Nghiệp vẽ tranh tìm đến với Tùng một cách đột ngột nhưng cũng đầy thú vị. Nó mang theo giá trị nghệ thuật từ những mảng màu nhỏ nhặt, đơn sơ. Một “cây xương rồng” đã đủ sức cắm rễ, vươn lên bên ô cửa sổ. Nơi đó, ánh nắng ấm hòa cùng hơi sương, xanh hóa một cuộc đời.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/qua-o-cua-so-i753950/