Quá phụ thuộc vào than - 'căn bệnh trầm kha' nhìn từ G20
Các nước tiêu thụ và xuất khẩu than hàng đầu thế giới đang 'chống chế' trước những lời kêu gọi loại bỏ than tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Các nhà ngoại giao châu Âu đang thúc giục các nền kinh tế lớn cam kết loại bỏ dần than đá, loại nhiên liệu chiếm khoảng 44% lượng phát thải CO2 do con người tạo ra, tờ Politico đưa tin.
Tuy nhiên, theo tờ Politico, các nước tiêu thụ và xuất khẩu than hàng đầu thế giới, như Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và Nga, đang trì hoãn nỗ lực chấm dứt sử dụng than, chống chế trước những lời kêu gọi loại bỏ than tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Rome, Italy, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đến Rome sau một “cuộc chiến” để đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong nước vào năm 2050. Điều đáng nói là mục tiêu này rõ ràng sẽ không ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu than mang lại lợi nhuận béo bở của Australia.
"Chúng tôi không tham gia vào những điều bắt buộc và cấm đoán đó. Đó hiện không phải là chính sách của Chính phủ Australia. Nó cũng sẽ không phải là chính sách của Chính phủ Australia", Morrison cho biết.
Tuyên bố của Thủ tướng Australia được đưa ra sau cuộc nói chuyện giữa ông và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Macron đã yêu cầu Morrison cam kết chấm dứt sản xuất và tiêu thụ than trong và ngoài nước.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, nước chủ nhà Anh của Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 sẽ tiếp tục thúc đẩy Morrison. “Chúng tôi tin rằng Australia có thể làm được nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực như than đá”.
Các lợi ích kinh tế và chính trị của các khu vực nơi than đá được khai thác và sử dụng đang trở thành một trở ngại trên bàn đàm phán của Hội nghị G20 và cả Hội nghị COP26, khai mạc hôm 31/10 và sẽ kết thúc hôm 12/11.
Sức ép nhằm loại bỏ than
Một số quốc gia G20, như Trung Quốc và Ấn Độ đang lo ngại về cái giá cao phải trả cho việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng phụ thuộc than đá của mình.
Nga là nước xuất khẩu than lớn, đặc biệt là sang Trung Quốc, và cũng sử dụng nhiên liệu này trong nước.
Australia kiếm được khoảng 50 tỷ Đô la Australia (AUD) mỗi năm từ xuất khẩu than.
Theo Chris Littlecott, Phó Giám đốc của tổ chức tư vấn môi trường E3G, Australia - nhà xuất khẩu than hàng đầu thế giới - đang cố gắng duy trì thị trường xuất khẩu và muốn thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng những dự án than mới. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang đứng trước thách thức lớn nhất đến từ việc loại bỏ dần việc sử dụng than.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc các nhà lãnh đạo G20 thảo luận tại hội nghị này về việc thúc đẩy chấm dứt sử dụng than đá là một tín hiệu quan trọng.
Thủ tướng Anh Johnson chia sẻ với các phóng viên cách ông quảng bá “tiềm năng chuyển đổi khỏi than đá” trong cuộc điện đàm hôm 30/10 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và cố gắng thuyết phục ông Tập rằng việc loại bỏ than không khó như người ta tưởng.
Johnson cho rằng, Trung Quốc, một nền kinh tế có quy mô gấp 5 lần Vương quốc Anh, nên nhìn vào ví dụ của Anh, quốc gia đã chuyển đổi từ thực trạng than tạo ra 40% sản lượng điện, đến mức hiện tại là gần như bằng 0 trong vòng một thập kỷ.
“Ví dụ này cho thấy chúng ta có thể thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh như thế nào”, Johnson nói.
Trung Quốc, quốc gia có trữ lượng than khổng lồ nhưng ít dầu mỏ và khí đốt, lo ngại phải phụ thuộc vào các nguồn cung năng lượng khác, Yan Qin, một nhà phân tích tại Refinitiv, cho biết.
Trong một tuyên bố hôm 30/10, ông Tập đã chỉ ra "những khó khăn và mối quan tâm đặc biệt của các nước đang phát triển" - trong đó Trung Quốc tự coi mình là một phần - và kêu gọi các nước phát triển phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, không đặt bất kỳ mục tiêu nào để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và đang dựa vào than để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của mình.
“Ở Ấn Độ, than được coi là bức tường thành bảo vệ cho ngành công nghiệp điện, nền tảng cơ bản cho sinh kế của người dân, doanh thu của nhà nước và phát triển bền vững”, Rajani Ranjan Rashmi, người từng là một nhà đàm phán khí hậu hàng đầu của Ấn Độ, cho biết. “Việc xem nó chỉ đơn thuần như một nguồn phát thải và gây ô nhiễm sẽ phản tác dụng”.
Nếu nỗ lực loại bỏ than không thành công ở Rome, cuộc chiến sẽ chuyển sang Glasgow.
Johnson cho biết tại quốc hội vào tuần trước rằng Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đang có kế hoạch công bố ngày loại bỏ than vào năm 2040, điều này sẽ thể hiện một bước tiến lớn đối với một trong những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào than trên thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 qua cầu truyền hình, khẳng định rằng đất nước của ông đang tuân thủ tất cả các cam kết của mình.
"Nga, giống như các quốc gia khác, đang trải qua - thực sự đang trải qua - gánh nặng tiêu cực của sự nóng lên toàn cầu, và đây là lý do tại sao: Chúng tôi đang đối mặt với tình trạng sa mạc hóa và xói mòn đất, và chúng tôi đặc biệt lo lắng về sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu, chiếm một phần đáng kể lãnh thổ của Nha”, Putin nói, theo bản ghi lại một bài phát biểu của ông tại Điện Kremlin.
“Đương nhiên, đất nước chúng tôi đang tham gia mạnh mẽ và đi đầu trong các nỗ lực giảm thiểu và ổn định khí hậu quốc tế”, ông nói thêm. “Chúng tôi trung thành tuân thủ tất cả các nghĩa vụ của mình theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris”.
"Thỏa hiệp" với than
Lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới hôm 31/10 đã đưa ra cam kết về đạt được trạng thái trung lập carbon “vào khoảng giữa thế kỷ” vào cuối của Hội nghị Thượng đỉnh G20 kéo dài 2 ngày, đặt nền móng cho Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland.
Theo thông cáo cuối cùng, lãnh đạo các nước G20 cũng đồng ý chấm dứt tài chính công cho sản xuất nhiệt điện than ở nước ngoài, nhưng không đặt mục tiêu loại bỏ dần than trong nước. Đây là một cái “gật đầu” rõ ràng đối với các nước phụ thuộc vào than, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, và là một đòn giáng mạnh tới Anh, quốc gia đã hy vọng sẽ có những cam kết vững chắc hơn trước hội nghị ở Glasgow.
Nhóm 20 quốc gia (G20) đại diện cho hơn 3/4 lượng phát thải khí nhà kính của thế giới, và Ý - nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 - đã tìm kiếm các mục tiêu vững chắc về cách giảm lượng phát thải, đồng thời giúp các nước nghèo đối phó với tác động của nhiệt độ tăng.
Theo thông cáo, G20 tái khẳng định các cam kết trước đây của các nước giàu là huy động 100 tỷ USD hàng năm để giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu và cam kết mở rộng tài chính để giúp các nước này thích ứng.
Một quan chức Pháp giấu tên cho biết cụm từ “giữa thế kỷ” có nghĩa là năm 2050 theo nghĩa chặt chẽ “nhưng với sự đa dạng của các quốc gia G20… điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều đồng ý với một mục tiêu chung nhưng vẫn cho phép một chút linh hoạt để tính đến sự đa dạng quốc gia”. Vị quan chức này muốn ám chỉ các quốc gia gây ô nhiễm carbon hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Indonesia.
Một số quốc gia đã đặt năm 2050 là thời hạn phát thải ròng bằng 0, trong khi Trung Quốc, Nga và Ả Rập Xê-út đang đặt mục tiêu đến năm 2060.
Tương lai của than đá, một nguồn phát thải khí nhà kính quan trọng, là một trong những điều khó nhất mà G20 đồng ý.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome, các nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí “chấm dứt cung cấp tài chính công quốc tế cho các dự án sản xuất điện than mới ở nước ngoài không thu giữ và lưu trữ carbon vào cuối năm 2021”.
Điều đó đề cập đến việc hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng các nhà máy than ở nước ngoài, điều mà các nước phương Tây đang loại bỏ, trong khi các nền kinh tế lớn ở châu Á vẫn đang tiến tới loại bỏ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9 rằng Bắc Kinh sẽ ngừng tài trợ cho các dự án như vậy. Còn Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa ra cam kết tương tự hồi đầu năm.
Minh Đức (Theo Politico, Financial Express)