Quà sáng
Có vẻ như người miền Nam không gọi là 'quà sáng'. Quà bánh quen thuộc với người miền Bắc hơn. Bắt nguồn từ chữ 'quà vặt' mà ra. Nó là bữa ăn không để no. Chỉ để lót dạ. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn ví 'Xôi thúng quà vặt' như tình hình văn hóa nước nhà. Văn hóa 'lót dạ' nghe tội nghiệp thế nào!
Quà sáng Hà Nội gồm rất nhiều món. Khô, nước, nguội, ngọt, mặn, nhưng không bao giờ có cơm, bún chả, chim quay gà tần cao lương mỹ vị. Nguyên tắc của nó là ít, thanh và không có nhiều phụ gia rau dưa bên ngoài. Bởi thế nên cũng không ai ăn bún đậu mắm tôm vào buổi sáng. Sáng ngày ra ăn miếng beefsteak với bánh mỳ thì cần phải đi đâu đó uống cà phê khoảng vài tiếng rồi hẵng đến cơ quan cho mùi tỏi có đủ thời gian tung cánh.
Quà sáng ở Hà Nội vô cùng phong phú nhưng cũng có những nét đặc biệt theo mùa. Đơn giản vì thời tiết Hà Nội có đủ bốn mùa. Tìm món nguội mùa đông rất khó. Đến nước chấm bánh cuốn người ta cũng hâm nóng cho vào phích sẵn rồi. Món nóng mùa hè tìm dễ dàng hơn nhưng không đắt khách lắm. Ăn một bát phở vào lúc bảy giờ sáng tháng Sáu quả là vất vả. Nhưng đã gọi là phở thì không thể ăn nguội. Vài năm trước có quán “Phở 24” ngồi phòng máy lạnh mở ra Hà Nội. Thịt bò trên mặt bát phở bưng ra chưa kịp tái thì đã bị làm lạnh mất rồi. Rất ít người Hà Nội bước chân vào quán dù chất lượng phở ở đấy cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng thật ngạc nhiên, người Hà Nội vào Sài Gòn nắng như đổ lửa rất xúc động khi ăn bát phở Bắc đường Nguyễn Du. Dĩ nhiên không bao giờ động đũa vào đĩa rau húng kèm giá sống. Rau thơm rau sống miền Nam có mùi vị không hợp với nhiều món chứ chẳng riêng gì phở.
Quà sáng Hà Nội không thể không nhắc đến xôi. Buổi sáng ở Hà Nội không bao giờ đi quá dăm chục mét mà không gặp hàng xôi thúng đầu ghế. Lại có những nhà bán xôi chuyên nghiệp suốt cả ngày trong ngõ Cấm Chỉ và trên phố Nguyễn Hữu Huân. Hàng xôi có lượng khách cố định trong tất cả các mùa. Xôi xới ra nóng hổi muốn ăn ngay cũng được mà để cho nguội rồi ăn cũng chẳng sao. Duy có món xôi chè hoa cau luôn phải ăn nguội mới ngon. Hàng xôi giờ cũng không chỉ làm những thứ xôi truyền thống Hà Nội xa xưa nữa. Xôi lúa, xôi xéo, xôi lạc, xôi đậu đen, xôi gấc vẫn còn nhưng thêm vào đó là xôi giò chả, xôi thịt, xôi pa tê, xôi gà, xôi lạp xưởng và xôi ruốc. Xôi ruốc giống như lương khô ngày sơ tán. Xôi gà dĩ nhiên cỗ bàn ma chay cưới xin mới có. Cách ăn cũng khác xưa rồi. Có thể ngồi ăn xôi xéo với pa tê đun nóng mà không sợ ai cười. Người Hà Nội mỉm cười trong bữa ăn không bao giờ là để tán thưởng món ăn và người ăn.
Hà Nội chỉ còn vài hàng bún ốc nước nguội cổ truyền. Bây giờ bán như đặc sản về giá cả. Và bình dân về chất lượng! Cũng chẳng mấy ai mặn mà với nó nữa. Bún ốc chan nóng phổ biến hơn. Và đặc biệt hơn, bún ốc bây giờ thì ốc chỉ là gia vị mà thôi. Trong bát bún ốc có nhiều giò, đậu phụ rán và thịt bò bắp rùa chần tái vây quanh vài ba con ốc còi cọc dai ngoách. Nhớ đến nao lòng con ốc sáp Hồ Tây béo ngậy giòn tinh thơm mùi dấm bỗng.
Hàng bánh cuốn chay phố Tô Hiến Thành tấp nập người xếp hàng từ sáu giờ sáng. Đông hơn cả Phòng công chứng Nhà nước gần đấy. Gọi là bánh cuốn chay nhưng ăn với chả lợn thái dày. Bánh cuốn Thanh Trì có kỹ thuật tráng mỏng số một không hai trên đời. Mua cả cân về nhà đố ai bóc nổi. Hàng đông chính là bởi phải chờ nhân viên kỹ thuật gia truyền bóc hộ. Rất lạ, ban đầu nó chỉ là hai thúng bánh cuốn của một bà cụ Thanh Trì ngồi vỉa hè bên góc Hải quan giáp phố Bà Triệu. Lạ hơn nữa khi bánh cuốn sau ngày bà cụ giải nghệ nhường thương hiệu cho con cháu lại trở nên đắt hàng khủng khiếp dù chất lượng không còn bằng nửa ngày xưa. Bánh đã dày hơn và chả lợn nhôm nhoam bén lửa. Con cà cuống nướng đã bỏ liễn nước chấm ra đi vĩnh viễn. Hà Nội làm sao thế nhỉ?
Quà sáng miền Nam có rất nhiều khác biệt. Hầu như tất cả những món ăn trưa tối đều có trong thực đơn quà sáng. Đặc biệt là cơm. “Không chim gì bằng chim gà/ Không quà gì bằng quà cơm” là tục ngữ vùng chiêm trũng Hà Nam ở miền Bắc không ngờ được ứng dụng ở miền Nam. Chỉ ở miền Nam thôi. Vào quán ăn sáng ở sài Gòn dễ dàng gọi được một “dĩa” cơm sườn. Vào quán ăn sáng ở Hà Nội mà gọi đĩa cơm sườn thì ắt là chủ nhà mang ra tờ báo cũ và chiếc bật lửa.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/qua-sang-288408.html