Qua siêu bão Yagi, những điểm được và nỗi âu lo
Một trận siêu bão như bão số 3 - Yagi, dù thế nào cũng cho chúng ta nhiều bài học quý báu và đắt giá.
Hình như chu kỳ xảy ra siêu bão ở nước ta ứng với 60 năm mới thấy một lần (năm 1904 tại miền Nam, năm 1964 tại miền Trung và năm nay 2024 tại miền Bắc). Như vậy có nghĩa không mấy người chứng kiến tới 2 trận siêu bão trong đời mình. Trận bão mang "tầm thế kỷ" nên cũng qua đó cũng bộc lộ những nét tích cực, đặc biệt là khâu dự báo và sự đóng góp về thông tin tuyên truyền của báo chí, phát thanh truyền hình cả nước. Song cũng có thể nói nhờ siêu bão khủng khiếp mà vô tình phô bày ra những vấn đề, vụ việc, câu hỏi lớn cần được giải thích, nhất là những điều thuộc yếu tố kỹ thuật cụ thể. Ví dụ như việc trồng cây trên hè phố, chất lượng đổ bê tông cột điện, trụ cầu... dù chỉ mới là đặt dấu hỏi.
Sáng 9.9, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp báo để chia sẻ thông tin về trận siêu bão số 3 (Yagi). Tại cuộc họp, ông Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Yagi là cơn bão lịch sử đổ bộ vào miền Bắc, có rất nhiều kỷ lục đã được ghi nhận, như: Cơn bão có sức gió mạnh nhất thế giới (ghi nhận đến thời điểm hiện nay trong năm 2024); cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào biển Đông trong vòng 30 năm qua; cơn bão có cấp độ tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão tại Việt Nam (trong 8 tiếng đã tăng 4 cấp, từ cấp 12 lên cấp 16); cơn bão có thời gian hoành hành trên đất liền Việt Nam lâu nhất từ trước đến nay...
Theo ông Hiệp, thông thường các cơn bão đổ bộ vào đất liền, chẳng hạn Quảng Ninh, Hải Phòng, thì sau khoảng 4 giờ sẽ suy yếu thành áp thấp. Song, trận bão mang tên Yagi khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng, nó đã "đứng im" tại đây khoảng 5 giờ mới di chuyển.
Với cấp độ cực mạnh, di chuyển lại chậm, bão Yagi đã gây ra những thiệt hại ngoài sức tưởng tượng dù được dự báo sẽ rất khủng khiếp...
Qua trận siêu bão kinh hoàng nói trên, điều thật là mừng cho chúng ta là công tác dự báo khi tượng thủy văn của nước ta có hợp tác với quốc tế đã rất hiệu quả, rất chính xác. Công tác truyền thông, thông tin về bão cũng rất tốt. Chính những điều này đã giúp các ngành, các địa phương không bị động trong việc đối phó với siêu bão.
Tuy nhiên, ngoài sự chủ động và đã lường trước nhờ dự báo tốt và nhất là không chủ quan từ trung ương xuống địa phương nên kết quả là hạn chế tối đa thiệt hại về người cũng như tài sản, thì cũng bộc lộ những điều, vấn đề, câu hỏi cần được giải đáp từ các cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm.
Qua các kênh truyền thông, tôi được biết chỉ riêng tại Hà Nội, một thành phố chưa phải tâm bão trong trận cuồng phong vừa qua đã có 4 người tử vong, 17 người bị thương và 24.800 cây bị đổ (trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong lúc bão Yagi diễn ra).
Nhưng trong cái không may này, điều mà chúng ta gặt hái được chính là cách trồng cây trên đường phố sẽ phải là cây gì mới tốt, mới an toàn (về nhiều phương diện), cách trồng thế nào khi mà nền đất hầu như lổn nhổn không còn là đất trồng cây bình thường nữa, cách giám sát khi nhà nước thuê trồng phải ra sao...?
Chúng ta cần phải chuyên nghiệp hơn trong quy trình trồng và chăm sóc cây xanh đô thị và nên chăng cần nghiên cứu lịch sử cách đây cả trăm năm khi người Pháp trồng cây trong khu đô thị lớn...
Tôi không am tường về lĩnh vực nông-lâm nghiệp, cụ thể hơn là trồng cây xanh ở hè đường đô thị. Tôi cũng chưa rõ những cây đổ trồng đã bao lâu mà bầu rọ vẫn còn. Liệu nó có phải là bầu tự tiêu và trồng chưa lâu nên chưa kịp tiêu hay là bầu không tự tiêu và do làm chưa đúng quy trình? Tôi cũng hiểu, không phải cây nào trồng cũng buộc phải dỡ bầu vì nó rất dễ hư nếu không đúng kỹ thuật. Vấn đề là bầu đó có thể tự hủy được hay không, chứ thực ra, rất nhiều cây sức sống và khả năng ra rễ của nó đủ để phá bung bầu sau một thời gian nên cũng đâu cần dỡ hoặc lót lưới bầu tự tiêu.
Song vấn đề ở chỗ khi trồng, ta đã thực hiện đúng các quy chưa? Loại cây nào cần trồng sâu, loại nào buộc phải trồng nông thì mới tồn tại về lâu dài? Điều này chỉ có các cơ quan chuyên môn cũng như đơn vị trúng thầu mới hiểu để giải đáp dư luận chính xác nhất. Chúng ta không nên nhận xét võ đoán nếu chưa hiểu kỹ thuật...
Cũng như vậy, những cây cột điện bê tông gẫy đổ tại Hải Phòng, Quảng Ninh vừa rồi như ta thấy trên báo chí. Chất lượng đã chuẩn thật chưa hay có gì đó không ổn?
Nhìn thấy những cột điện mà báo chí chụp tại Quảng Ninh, tôi có cảm giác không thật yên tâm với kết cấu thép chỉ có vậy. Có thể do đó chỉ là cảm quan cá nhân, không có cơ sở khoa học nên tôi cũng chưa dám bàn sâu. Song hình như có gì đó không thật ổn (?).
Trong ngành xây dựng nhiều chục năm qua, người ta thường cho rằng, trong thiết kế xây dựng, trong đó có cả lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép và cột điện, người thiết kế thường chọn kết cấu an toàn nhất để sau này tránh xảy ra rồi quy trách nhiệm. Vì thế, họ thường nới tay, cho dư đôi chút. Kiểu như thực tế trên lý thuyết, ta chỉ cần có 5 cây thép phi 20 thì cứ cho thiết kế thành 6 cây. Như vậy cho an toàn. Chuyện này đã xảy ra và có người ở Hà Nội đã đi tù cách đây cả chục năm khi họ thiết kế móng nhà chung cư cao tầng trong khi cơ quan điều tra cho thẩm định thì thép vẫn đủ đảm bảo chất lượng công trình. Lúc đó mới biết họ đã cố tình thiết kế dôi dư để có thể tính chuyện rút ruột công trình mà vẫn cứ an toàn. Nhưng tệ hơn, trong thực tế, lại chưa chắc người ta đã dùng đủ 5 cây thép chứ đừng nói là 6 cây như đã được duyệt chi.
Chính vì vậy, trong trận siêu bão khiến cột điện bê tông gẫy đổ như ta thấy, có lẽ không nên vội vàng quy kết mà cần tìm hiểu cho rõ ở nhiều khía cạnh. Theo tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cần phải tìm hiểu rõ thiết kế kết cấu cột điện bê tông của ta hiện có thể chịu được bão cấp độ bao nhiêu, độ gió giật cấp nào... rồi từ đó đối chiếu với từng trận bão cụ thể mới kết luận chính xác.
Tiếp đó, cần kiểm tra để biết cột điện tự gãy do gió giật quá mạnh hay do thứ khác bị đổ đè lên, do cây đè lên cột hoặc đè lên dây điện khiến nó không chịu nổi quá tải...? Còn cụ thể, khi thiết kế cột, người ta đặt các cây thép bên trong bê tông ra sao, nơi sản xuất có đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật không...? Tất cả cần được xác minh rồi mới kết luận.
Cũng có người nhìn thấy cột rỗng quá thì sinh nghi, cho là sản xuất không đúng quy cách, rút ruột vật tư. Cần biết đã là cột ly tâm thì phải rỗng. Cột điện vẫn gãy khi bị bật từ móng hoặc gió mạnh quá cấp kỹ thuật cho phép...
Một trận siêu bão như Yagi, dù thế nào cũng cho chúng ta nhiều bài học quý báu và đắt giá. Những gì chúng ta đã làm tốt sẽ thành bài học quý báu để vận dụng làm cho tốt hơn sau này. Những gì đang còn lấn cấn, nghi ngờ thì cần được giải đáp khoa học và nghiêm túc để dư luận hiểu và yên tâm. Nếu có điều mờ ám thì đây là dịp để thẩm tra và kết luận làm rõ.
Tôi nghĩ, thiệt hại do bão số 3 quá lớn, song cũng là cơ hội để ta nhìn lại nhiều vấn đề.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/qua-sieu-bao-yagi-nhung-diem-duoc-va-noi-au-lo-223662.html