Quá tải bãi rác lớn nhất Ninh Bình
Bãi chứa rác thải lớn nhất tỉnh Ninh Bình, rác chất cao như núi, mùi hôi nồng nặc, ngày qua ngày, rác được đổ dồn về đây dẫn đến tình trạng quá tải, không đảm bảo khả năng xử lý.
Bãi chứa rác nói trên thuộc Nhà máy xử lý chất thải rắn của tỉnh Ninh Bình, diện tích 23,1ha ở thung Quèn Khó (thôn 1, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp). Nhà máy được khởi công vào năm 2011, hoàn thành năm 2014. Khu tập kết, chôn lấp rác nằm biệt lập với bên ngoài, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất vào nơi đây.
Được biết, nhà máy hiện đang thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt với công suất khoảng 125.000 tấn/năm. Trong đó, xử lý theo hình thức phân loại sản xuất phân vi sinh là 12.000 tấn/năm, xử lý theo hình thức chôn lấp là 113.000 tấn/năm. Các hố chôn lấp rác thải của nhà máy được thiết kế theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc với sức chứa 350.000 tấn rác (chủ yếu là phục vụ chôn lấp rác thải vô cơ sau khi đã phân loại rác thải hữu cơ để chế biến phân vi sinh) và dự kiến 30 năm mới đầy.
Tuy nhiên, do trên địa bàn cả 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình đang phát sinh khoảng 500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày và gần như tất cả đều đổ dồn về bãi chôn lấp ở thung Quèn Khó nên bãi rác ngày càng bị quá tải, dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn.
Bà Bùi Thị Hà (người dân trú thôn 12, xã Đông Sơn) cho biết: Mỗi khi đến gần khu vực nhà máy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, cảm giác rất khó chịu. “Bãi rác không được chôn lấp hợp vệ sinh, lại nằm trong thung lũng, khá cao so với địa hình chung nơi đây nên khi nước rác rỉ ra, ngấm xuống đất rồi sẽ theo khe suối chảy ra ngoài, rất nguy hiểm” - bà Hà lo lắng.
Ông Lã Phú Dũng - Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cho biết: Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các loại rác không được phân loại từ đầu nguồn, dẫn đến khi rác được đưa về đây sẽ chôn lấp, không qua xử lý. Việc này diễn ra từng ngày, khiến diện tích đất của bãi rác ngày một bị thu hẹp, trong khi, chỉ một phần nhỏ rác thải sinh hoạt TP Ninh Bình là được phân loại để sản xuất phân vi sinh. Chính vì vậy, chỉ sau 10 năm đi vào hoạt động, hố chôn lấp rác này đã quá tải.
Theo ông Dũng, việc xử lý rác thải theo hình thức sản xuất phân vi sinh chỉ thực hiện được 1 ca/ngày, rất ít so với khổi lượng đơn vị tiếp nhận. Đến nay, các hố chôn lấp rác của nhà máy đã quá tải không đảm bảo khả năng xử lý rác thải sinh hoạt. Trước tình trạng trên, nhà máy đã báo cáo lên UBND TP Tam Điệp và UBND tỉnh Ninh Bình để có giải pháp xử lý.
Ông Tống Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Điệp cho biết: Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà máy, ngày 21/4, UBND TP Tam Điệp có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình.
“Thành phố cũng đã đề nghị lên UBND tỉnh xem xét cử cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng và sớm ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế, đảm bảo cân đối thu - chi cho nhà máy, từ đó góp phần giảm thiểu việc xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp. Ngoài ra, địa phương cũng đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét, mở rộng thêm các hố chôn lấp rác hoặc cải tạo hố rác cũ và đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy điện rác để giảm tải rác thải đổ về đây” - ông Thuận cho biết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/qua-tai-bai-rac-lon-nhat-ninh-binh-5727174.html