Quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết
Chu kỳ bùng phát sốt xuất huyết tại Việt Nam đang có dấu hiệu trái quy luật, rút ngắn còn 3 - 4 năm thay vì 5 năm như trước
Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), đến đầu tháng 7, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó khu vực miền Nam chiếm hơn 70% số ca mắc của cả nước.
Nhiều địa phương có số ca tăng đột biến
Cục Phòng bệnh cho hay các chủng virus lưu hành chủ yếu là D1, D2. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc giảm 11,2% và tử vong giảm 1 trường hợp. Tuy nhiên, tại một số địa phương, số ca nhiễm lại tăng đột biến. Vĩnh Long tăng 346%, Tây Ninh 274%, Đồng Nai 191%...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), từ ngày 30-6 đến 6-7, TP HCM ghi nhận 838 ca SXH, tăng 43 ca so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, TP HCM đã ghi nhận 14.370 ca mắc, tăng hơn 153% so với cùng kỳ 2024. Thành phố đang bước vào cao điểm mùa mưa - điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.

Bệnh nhân SXH điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) .Ảnh: NGỌC DUNG
BSCK2 Phan Vĩnh Thọ, Trưởng Khoa Nhiễm D-Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết trong 2 tuần gần đây, số ca SXH nhập viện bắt đầu tăng rõ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50-60 ca thăm khám, trong đó, khoảng 30 ca có chỉ định nhập viện. Hiện toàn bệnh viện đang điều trị 166 ca, trong đó 25 ca nặng. Riêng Khoa Nhiễm D đang điều trị 40 ca với 9 ca nặng.
Theo bác sĩ Thọ, SXH năm nay có xu hướng diễn tiến phức tạp hơn so với các năm trước với tỉ lệ ca nặng gia tăng. Trước năm 2020, tỉ lệ ca nặng chỉ khoảng 12%-13%, nhưng từ sau đại dịch COVID-19, con số này tăng đến 17%-19%. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền nhưng vẫn diễn tiến nặng, thậm chí tử vong do nhập viện trễ. Ngoài ra, bệnh cảnh nặng hiện nay, không chỉ là sốc mà còn kèm theo tổn thương đa cơ quan như gan, thận, tim.
Dịch bệnh trái quy luật
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), cho biết dịch SXH đang vào mùa cao điểm. Đáng chú ý, chu kỳ dịch có xu hướng rút ngắn - từ khoảng 5 năm xuống còn 3-4 năm. Đợt dịch gần nhất vào năm 2022 ghi nhận hơn 370.000 ca mắc. Thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, truyền bệnh, đặc biệt khu vực miền Nam. Dịch thường có xu hướng tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 12 - trùng với mùa mưa trên cả nước. "Nếu không triển khai phòng, chống ngay từ đầu mùa, nguy cơ bùng phát lớn trong năm nay là rất cao" - đại diện Bộ Y tế cảnh báo.
Theo HCDC, TP HCM đang bước vào cao điểm mùa mưa, thời kỳ thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh, xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn. Ngành y tế thành phố đã triển khai các biện pháp kiểm soát dịch như giám sát, xử lý ổ dịch, hướng dẫn phòng bệnh tại hộ gia đình và đẩy mạnh truyền thông. Thành phố xác định việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý triệt để là giải pháp then chốt trong giai đoạn cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8 nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và giảm áp lực cho hệ thống điều trị.
Theo Cục Phòng bệnh, qua giám sát các dụng cụ chứa nước có lăng quăng (bọ gậy) trong các hộ gia đình rất đa dạng, phong phú với hơn 30 loại. Trong đó, ổ bọ gậy nguồn được ghi nhận tại nhiều khu vực: miền Bắc chủ yếu là chậu cây cảnh, phế thải, bể chứa nước, lọ hoa, lốp xe trên tàu đánh cá; miền Trung gồm lọ hoa, chậu cây cảnh, chum vại, máng nước gia cầm, lốp xe tàu cá; miền Nam tập trung ở dụng cụ chứa nước sinh hoạt và phế thải; Tây Nguyên thường gặp ở lốp xe, xô chậu, phuy, bể chứa nước và các loại phế thải khác.
Khẩn cấp kiểm soát quá tải
Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay gần đây một số bệnh viện lớn trên địa bàn TP HCM đã bị quá tải về bệnh SXH. Nhiều bệnh nhi và người lớn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận 4 trường hợp tử vong trên tổng số gần 700 ca bệnh SXH. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng có 4 ca tử vong trên tổng số gần 2.000 bệnh nhân mắc bệnh này.
TS-BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết đã ghi nhận hơn 260 ca SXH bị sốc. "Điều khiến chúng tôi lo ngại nhất là ở những bệnh nhân có bệnh nền, trẻ em béo phì hoặc có dấu hiệu nguy cơ cao, vì đây là nhóm dễ diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao" - ông Khoa cảnh báo.
Ông Võ Hải Sơn nhấn mạnh dịch SXH hiện vẫn trong tầm kiểm soát, song thời tiết mưa nhiều, ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, làm gia tăng nguy cơ lây bệnh trong thời gian tới. Do đó, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh để muỗi đốt. Người dân được khuyến cáo đậy kín các dụng cụ chứa nước, mặc quần áo dài, ngủ màn kể cả ban ngày, đồng thời sử dụng các biện pháp xua muỗi như kem bôi, vợt điện. Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý dùng thuốc tại nhà.
Trước tình trạng số ca mắc SXH đang có xu hướng gia tăng nhanh tại khu vực miền Nam, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn yêu cầu các bệnh viện, sở y tế và cơ quan liên quan tăng cường phòng, chống dịch, tập trung truyền thông tại cơ sở, hướng dẫn phòng lây nhiễm cho người bệnh và nhóm dễ tổn thương. Các bệnh viện được yêu cầu tổ chức khám, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế chuyển nặng và tử vong; thực hiện phân luồng bệnh nhân, tư vấn chăm sóc ca nhẹ tại nhà, kiểm soát nhiễm khuẩn, không để dịch lan trong cơ sở y tế.
Theo Cục Phòng bệnh, ngoài dịch bệnh SXH, từ đầu năm 2025 đến nay cả nước ghi nhận 97.580 trường hợp nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành, trong đó 11 ca tử vong ở 8 địa phương. Số mắc tăng mạnh từ tháng 8-2024 kéo dài sang đầu năm 2025 nhưng đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc từ tuần 14 trở lại đây. Với COVID-19, ghi nhận hơn 14.300 ca mắc, trong đó TP HCM có 3 ca tử vong là người lớn có bệnh nền. Các ca mắc hiện rải rác, không xuất hiện ổ dịch tập trung. Bệnh tay chân miệng có 30.085 ca, không có tử vong; chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, trong đó nhóm từ 1-5 tuổi chiếm hơn 92%.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/qua-tai-benh-nhan-sot-xuat-huyet-196250714195130954.htm