Quà tặng mùa xuân

Phụ nữ Nùng trong trang phục truyền thống. Ảnh: CTV

Bạn có từng nghe câu thơ “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” của Tố Hữu chưa? Hình ảnh áo chàm trong câu thơ chính là trang phục truyền thống của người Nùng chúng tôi đấy. Bây giờ người Nùng chúng tôi không còn hay diện sắc phục ấy nữa.

Mà thi thoảng, vào những ngày lễ, tết hay việc gì đó trọng đại, áo chàm mới xuất hiện. Mỗi một gia đình, dù rời quê hương di cư đến đâu, cũng cố gắng mang theo bộ trang phục ấy, cẩn thận giữ gìn để mỗi dịp như thế có mà mặc lên người với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào.

Nhà tôi cũng thế. Trong khá nhiều hành lý mẹ chuẩn bị cho chuyến di cư vào Nam ngày ấy có những bộ áo chàm. Và mẹ đã cẩn thận gìn giữ những bộ trang phục ấy trong chiếc rương nhỏ qua từng năm tháng như giữ gìn cái hồn của nguồn cội. Chị em chúng tôi mong chờ ngày tết vì nhiều cớ, được đi chơi, được ăn bánh kẹo và còn có cả việc được khám phá chiếc rương của mẹ, được diện chiếc áo chàm, được ngửi thấy mùi chàm tỏa ra từ sớ vải để rồi như gặp lại mùi của đất quê.

Cứ mỗi khi tết đến là mẹ lại mở rương, lấy mấy bộ trang phục mà mẹ gìn giữ bấy lâu ra mặc, ngắm nghía; rồi cả nhà chia nhau mặc, cùng chụp một hai kiểu ảnh làm kỷ niệm. Tôi thích khoảnh khắc đó lắm, khi tôi cùng cả nhà diện trang phục truyền thống của người Nùng. Những bộ quần áo có mùi hương đặc biệt - hương chàm.

Mùi hương gợi lại trong tôi cả một bầu trời ký ức tuổi thơ. Nhớ những ngày ấy, khi còn bé, tôi thấy đôi bàn tay của mẹ đen nhánh bởi thuốc chàm - cái thứ nước mẹ chế được từ rất nhiều loại lá cây rừng để nhuộm vải. Tôi nhớ bà nội tôi kể rằng ngày xưa vào mùa nhuộm vải, mỗi khi đi chợ phiên, thấy cô gái nào có áo thơm mùi chàm nhất, có đôi tay đen nhánh nhất thì đó chính là cô gái đảm đang, chăm chỉ nhất.

Mẹ tôi là một trong số những cô gái xinh đẹp của bản và có chiếc áo chàm thơm với đôi tay đen nhánh nhất nên được bà chọn xin về làm dâu của bà. Tôi nhớ mùi hương chàm thoang thoảng mỗi khi sà vào lòng mẹ. Cái mùi hương đặc trưng, theo tôi mãi đến tận bây giờ.

Thế nhưng, áo chàm đang dần đi vào quên lãng. Giờ đây không mấy người còn trồng bông dệt vải, chế thuốc nhuộm vải rồi tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ để có được những bộ trang phục mang nét đặc trưng của văn hóa dân tộc mình. Thế hệ chúng tôi tiếp nhận những trang phục phổ thông, hiện đại, tiện dụng, nhiều màu sắc, nhiều kiểu dáng và nhiều sự lựa chọn.

Chiếc áo chàm trở nên lạc lõng và dần vắng bóng. Chị em tôi không còn biết để có được một bộ áo chàm thì phải qua bao nhiêu công đoạn. Cũng không biết cách mặc như thế nào, đội khăn ra sao cho đúng. Chỉ có mẹ tôi cẩn thận giữ gìn những chiếc áo ấy theo năm tháng.

Thi thoảng, không phải ngày tết mà chắc vì nhớ mùi chàm quá, mẹ lại mở rương ra, lấy mấy bộ áo chàm để chạm tay lần theo sớ vải, để nghe mùi chàm, để bồi hồi nhớ về những ngày hội, những phiên chợ tình năm nào. Hương chàm theo bàn tay của bà ngoại đã nuôi dưỡng tuổi thơ của mẹ. Hương chàm theo bước chân mẹ lên rẫy, đi chợ phiên.

Hương chàm theo mẹ đi trẩy hội lồng tồng (hội xuống đồng) vào mùa xuân, theo mẹ đến chợ tình để hát những câu hát giao duyên. Hương chàm chứng kiến rung động đầu đời của mẹ trước người khác giới. Hương chàm theo bước chân mẹ về nhà chồng. Rồi tuổi thơ của chúng tôi thật bình yên trong hương chàm của vòng tay mẹ.

Mẹ chạm tay vào áo chàm như chạm vào những ký ức. Mẹ kể cho chị em tôi nghe truyền thuyết về chợ tình Khau Vai quê mẹ. Câu chuyện tình yêu của chàng trai người Nùng và cô gái người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau nhưng bị hai gia đình, hai dân tộc ngăn cản nên họ đã bỏ trốn lên núi Khau Vai để sống cùng nhau.

Thế nhưng từ đó cũng bắt đầu những mâu thuẫn giữa hai dân tộc. Đôi trai gái nghĩ mình chẳng thể hạnh phúc được khi hai dân tộc cứ thù hằn nhau nên họ quyết định chia tay nhau vào ngày hai bảy tháng ba. Họ hẹn nhau lấy ngày hai bảy tháng ba hằng năm làm ngày gặp lại nhau tại nơi này.

Cứ thế hằng năm, đến ngày hẹn, chàng trai Nùng lại mặc bộ áo chàm thật đẹp, thật thơm mùi chàm, lại lên Khau Vai để gặp người yêu, để hát những câu sli cho cô ấy nghe và họ sẽ kể cho nhau nghe những thầm kín đã ấp ủ trong lòng suốt một năm xa cách. Họ tâm tình, ca hát đến hết đêm rồi hôm sau trở về với cuộc sống thường ngày. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau, bên nhau cùng nhau đi vào cõi vĩnh hằng.

Vì cảm thông và trân trọng mối tình nhiều bi thương của họ mà dân làng đã dựng hai miếu thờ là miếu Bà và miếu Ông ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ. Và cũng từ đó người dân nơi đây lấy ngày hai bảy tháng ba hằng năm làm ngày hội để những ai lỡ duyên nhau có thể gặp nhau hàn huyên tâm sự. Những ai không còn người kia để gặp lại nữa thì họ cũng đến đây để tìm lại ký ức tươi đẹp của riêng mình.

Và những ai chưa có người thương thì đến đây để tìm gặp một nửa của mình. Thế nên mỗi năm đi chợ tình, các chàng trai, cô gái Nùng đều chọn cho mình bộ áo chàm đẹp nhất, hương chàm trên áo còn thơm nhất để mong ước gặp được một tình yêu trọn vẹn bền lâu như chàng trai Nùng và cô gái Giáy trong truyền thuyết.

Mẹ tôi cứ say sưa kể, thi thoảng mẹ lại chen vào những câu hát sli nghe tha thiết, bồi hồi. Chị em tôi cứ bị cuốn theo lời kể, lời hát của mẹ như thế. Tôi tưởng tượng, ngày trước mẹ tôi cũng thật xinh trong bộ áo chàm thơm tho đi trẩy hội mùa xuân, đi chợ tình. Hương chàm đã theo mẹ lớn lên, đi qua thời con gái và vương trên mái tóc dần pha sương của mẹ.

Trong số những bộ áo chàm được cất giữ, mẹ để một bộ riêng ra và thường bảo với chị em tôi rằng để mẹ mặc khi về với ông bà. Những người phụ nữ Nùng khi đến một độ tuổi nào đó đều chuẩn bị cho mình một bộ áo chàm để phòng khi trăm tuổi. Mẹ bảo phải mặc áo chàm, đội khăn chàm thì khi về thế giới bên kia, ông bà, tổ tiên mới nhận mặt là con là cháu.

Hương áo chàm sẽ đi theo trọn một cuộc đời mỗi phụ nữ Nùng. Nghe lời mẹ kể, tôi hiểu, những bộ trang phục mà có lúc chúng tôi không thích vì cho rằng quê mùa, không hợp thời ấy lại là những gì thật thiêng liêng, là cái hồn của dân tộc mình. Chỉ khi nào thật hiểu nó thì mới thấy nó đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Và chỉ khi biết gìn giữ những giá trị tốt đẹp thuộc về cội nguồn thì chúng ta mới không đánh mất mình, mới có thể lớn lên và trưởng thành vậy.

Tết năm nay thật đặc biệt. Mẹ tặng cho bốn chị em tôi mỗi đứa một bộ áo chàm với đầy đủ phụ kiện từ khăn đội đầu đến kiềng bạc, vòng tay và cả dây xà tích cũng bằng bạc. Những món quà mà mẹ gìn giữ bấy lâu để chờ chúng tôi lớn lên rồi mới trao lại. Những cái áo chàm được đính cúc bạc tròn hoặc cúc dẹt làm bằng đồng bạc sáng lấp lánh trên nền vải chàm thơm tho.

Mẹ bảo mỗi đứa giữ lấy một bộ để mà biết, mà nhớ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Mẹ đội khăn cho tôi, đeo kiềng cho tôi. Mẹ cười, chắc mẹ đang nghĩ về những ngày xa lắm, khi mẹ còn son trẻ. Tôi xúng xính trong bộ áo chàm, hít thật sâu cái hương chàm thoang thoảng còn vương trên áo, lòng rộn lên niềm vui khó tả.

MỘC MIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/292641/qua-tang-mua-xuan.html