Quá thiếu trường mầm non cho con công nhân
Ngày 28-11, tại TPHCM, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã phối hợp với Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về 'Chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN) ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX)'.
Tại đây, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm giải bài toán khó khăn về giáo viên, hiệu quả đầu tư cũng như quy mô hoạt động của các cơ sở GDMN.
Củng cố nguồn lực giáo viên
Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh cho biết, thời gian qua, GDMN nói chung, GDMN ở các khu vực có KCN-KCX nói riêng, đã có nhiều phát triển về quy mô và chất lượng chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển quá lớn về dân số cơ học ở các địa bàn có KCN-KCX, trường, lớp mầm non chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cụ thể với TPHCM, tại 17 KCN-KCX đang hoạt động mới có 44 cơ sở GDMN công lập và 100 cơ sở ngoài công lập nhận giữ con công nhân. PGS-TS Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đánh giá tỷ lệ trẻ là con công nhân đang theo học tại cơ sở GDMN công lập còn thấp, nhiều gia đình phải gửi con ở các cơ sở ngoài công lập, thậm chí nhóm trẻ độc lập, tư thục với chất lượng giáo viên không đảm bảo, phần lớn có trình độ trung cấp sư phạm.
Bên cạnh đó, theo bà Lữ Thị Đông, Chủ đầu tư kiêm Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Long (quận 7), thu nhập của giáo viên mầm non mới ra trường tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay chưa đến 5 triệu đồng/người/tháng. Do đó, nhiều giáo viên không có ý định gắn bó lâu dài, luôn mang tâm lý nhảy việc, dẫn đến tình trạng nhân sự thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, cả nước hiện có 17 tỉnh, thành phố tăng trưởng nóng về tổng quy mô học sinh với 20.973 giáo viên mầm non còn thiếu. Trước thực tế này, mới đây, Bộ Nội vụ đã quyết định bổ sung thêm 20.300 biên chế giáo viên cho 19 tỉnh, thành phố với yêu cầu chỉ tuyển giáo viên mầm non. Ngoài ra, theo báo cáo của Vụ GDMN, mức học phí giữa hệ thống công lập và ngoài công lập đang có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể, tại Hà Nội, học phí trường ngoài công lập cao gấp 7 - 11 lần trường công lập; tại TPHCM, tỷ lệ này là 5 - 9 lần.
Với việc Luật Giáo dục sửa đổi (2019) được thông qua, trong đó quy định về chính sách ưu tiên phát triển GDMN ở địa bàn có KCX-KCN, Bộ GD-ĐT đã mạnh dạn đề xuất thêm nhiều chế độ, chính sách để phát triển bậc học này. Trong đó, đội ngũ giáo viên được đề xuất hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, hoặc hỗ trợ hàng tháng khoản thu nhập bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ngoài các giải pháp nâng cao năng lực giáo viên, PGS-TS Đặng Thị Lệ Xuân, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho rằng cần tăng cường xã hội hóa GDMN tại các địa phương. “Việc đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ giáo dục cũng là cách thức đảm bảo tính hiệu quả ở một góc độ nào đó, khi khu vực tư nhân luôn được cho là sử dụng nguồn lực tiết kiệm và hiệu quả”, vị này phân tích.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chỉ ra một số bất cập khiến GDMN ở các KCN-KCX chưa phát triển, như chưa có chính sách cụ thể, khó khăn về đất đai và thiếu minh bạch trong đầu tư… Những điều này khiến công tác triển khai mới dừng ở mức độ “đã có chủ trương và định hướng” chứ chưa phát huy hiệu quả trong thực tế.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo nghị định quy định chính sách phát triển GDMN, trong đó ban hành chính sách cụ thể, cơ chế đặc thù cho cơ sở GDMN ở KCN-KCX. Song song đó, nhiều đại biểu cũng kiến nghị để phát triển loại hình giáo dục đặc biệt này, Nhà nước cần có thêm chính sách phù hợp về quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nữ lao động, quy định độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở GDMN đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi giữa học sinh đang theo học tại các cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập.
Ngoài ra, các địa phương cần làm tốt công tác dự báo và quy hoạch nhà ở của công nhân, khu dân cư gắn với các thiết chế văn hóa, trong đó có quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non; công khai quỹ đất xây dựng trường mầm non, bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập phục vụ con em công nhân ở KCN-KCX.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 260 KCN-KCX đang hoạt động với khoảng 2,8 triệu lao động, trong đó gần 70% là lao động nữ, với 97,9% trong độ tuổi sinh sản (18-40 tuổi). Tuy nhiên, mới chỉ có 112 trường mầm non ở các KCN-KCX đang hoạt động.